Sức bật từ lợi thế biển

0:00 / 0:00
0:00
Các tỉnh duyên hải miền Trung đã xác định kinh tế biển là ngành mũi nhọn và khai thác biển theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững gắn với bảo vệ môi trường.
Một góc cảng Hòn La (Quảng Bình) Một góc cảng Hòn La (Quảng Bình)

Từ cụm liên kết biển

Nghị quyết 26-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển Vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ đến năm 2030 là vùng phát triển năng động, nhanh và bền vững, mạnh về kinh tế biển; có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại. Có vai trò chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh và đối ngoại, nhất là về kinh tế biển và quốc phòng, an ninh biển đảo của Tổ quốc.

Vùng Duyên hải miền Trung gồm 14 tỉnh từ Thanh Hóa đến Bình Thuận, chiếm 50% số tỉnh giáp biển của cả nước (14/28 tỉnh, thành phố), với chiều dài đường bờ biển 1.900 km, chiếm gần 60% chiều dài bờ biển cả nước. Đây là địa bàn đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh của đất nước, có vị trí đặc biệt quan trọng trong chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển.

Không chỉ vậy, các tỉnh duyên hải miền Trung còn là cửa ngõ ra biển của vùng Tây Nguyên, nằm trên tuyến đường chiến lược giao thông đường thủy quốc tế năng động nhất thế giới. Việc sở hữu vị trí địa lý tiếp giáp với biển, điều kiện tự nhiên là “mặt tiền” nhìn ra biển, tạo đà thuận lợi cho giao lưu kinh tế, thương mại, văn hóa, phục vụ cho sự phát triển và hợp tác quốc tế của các tỉnh Duyên hải miền Trung.

Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 892/QĐ-TTg (ngày 26/7/2022), phê duyệt Đề án phát triển cụm liên kết ngành kinh tế biển gắn với xây dựng các trung tâm kinh tế biển mạnh thời kỳ đến năm 2030. Theo đó, mục tiêu tổng quát là nhằm tạo dựng các cụm liên kết ngành kinh tế biển phát triển hiệu quả, có sức cạnh tranh hội nhập cao, gắn với xây dựng các trung tâm kinh tế biển mạnh của quốc gia, tạo động lực thúc đẩy phát triển nhanh, bền vững kinh tế biển cả nước và các khu vực vùng biển và ven biển trên tất cả các mặt kinh tế, văn hóa xã hội, môi trường, quốc phòng an ninh, hướng đến đưa Việt Nam trở thành quốc gia phát triển mạnh kinh tế biển thời kỳ đến năm 2030.

Phát triển cụm liên kết ngành kinh tế biển trước hết ở những khu vực trọng điểm gắn với xây dựng thành trung tâm kinh tế biển mạnh của quốc gia, trong đó phát triển 3-4 trung tâm kinh tế biển mạnh hàng đầu ở Đông Nam Á, đồng thời phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế cao hơn mức tăng trưởng chung của cả nước từ 1,2 lần trở lên.

Trong phương hướng nhiệm vụ phát triển, các cụm liên kết ngành kinh tế biển gắn với xây dựng các trung tâm kinh tế biển mạnh của quốc gia sẽ hình thành 7 cụm liên kết. Trong đó vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung sẽ có những cụm liên kết như: Cụm liên kết ngành kinh tế biển ở Bắc Trung Bộ (thuộc vùng biển và ven biển Thanh Hóa - Nghệ An - Hà Tĩnh - Quảng Bình) với khu vực trọng điểm phát triển là ven biển Nghệ An - Hà Tĩnh gắn với xây dựng thành trung tâm kinh tế biển mạnh có tầm quốc tế; Cụm liên kết ngành kinh tế biển ở Trung Trung Bộ (thuộc vùng biển và ven biển Quảng Trị - Thừa Thiên Huế - Đà Nẵng - Quảng Nam - Quảng Ngãi) với khu vực trọng điểm phát triển ở Đà Nẵng - Thừa Thiên Huế gắn với xây dựng thành trung tâm kinh tế biển mạnh có tầm quốc tế hàng đầu ở Đông Nam Á; Cụm liên kết ngành kinh tế biển ở Nam Trung Bộ (thuộc vùng biển và ven biển Bình Định - Phú Yên - Khánh Hòa - Ninh Thuận) với khu vực trọng điểm phát triển ở Khánh Hòa - Nam Phú Yên gắn với xây dựng thành trung tâm kinh tế biển mạnh có tầm quốc tế cao ở Đông Nam Á…

Những ngành, lĩnh vực ưu tiên trong khu vực này gồm: cảng biển tổng hợp trung chuyển hàng hóa trong nước, quốc tế và cảng chuyên dụng phục vụ du lịch, quốc phòng; công nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng xuất khẩu, công nghiệp chế biến hải sản, khoáng sản biển tập trung, công nghiệp năng lượng tái tạo; du lịch biển đảo, phát triển các khu du lịch, đô thị du lịch biển có mức độ quốc tế hóa cao, liên kết các cơ sở du lịch biển với các cơ sở du lịch di sản, di tích văn hóa ven biển; nuôi trồng hải sản ứng dụng công nghệ cao và nghề cá xa bờ có phương tiện, thiết bị hiện đại khai thác ngư trường với trung tâm dịch vụ hậu cần phục vụ nghề cá…

Để hiện thực khát vọng “mạnh về biển, giàu từ biển” trong điều kiện thực tiễn của vùng Duyên hải miền Trung, tại Hội thảo khoa học “Phát triển kinh tế biển khu vực miền Trung trong bối cảnh hiện nay”, diễn ra hồi tháng 12/2022 tại Quảng Bình, TS. Huỳnh Minh Sơn (Đại học Đà Nẵng) cho rằng, để hiện thực hóa các mục tiêu nghị quyết, chủ trương, chính sách về kinh tế biển, cần có đề án phát triển nguồn nhân lực kinh tế biển, bám sát yêu cầu thực tiễn của mỗi địa phương, gắn với quy hoạch tổng thể và hài hòa với lợi ích chung của toàn vùng và đất nước.

“Các dự án phát triển kinh tế biển theo đó cần được chuẩn bị huy động trí tuệ, tham vấn, phản biện của chuyên gia (trường, viện, cơ quan, doanh nghiệp, tổ chức nghề nghiệp) dựa trên các nghiên cứu, khảo sát, dự báo cung - cầu, từ đó là cơ sở để đặt hàng, xác định chỉ tiêu tuyển sinh, mở ngành nghề mới hoặc chuyển dịch các ngành. Nội dung chương trình đào tạo phù hợp yêu cầu thực tiễn các địa phương, doanh nghiệp, cũng như cụ thể hóa trong các dự án kèm theo, bảo đảm phát triển nguồn nhân lực mới có tính khả thi, thuyết phục”, TS. Huỳnh Minh Sơn khuyến nghị.

Những tuyến đường kết nối biển với Tây Nguyên thông qua Quốc lộ 19. Ảnh: Nguyễn Dũng
Những tuyến đường kết nối biển với Tây Nguyên thông qua Quốc lộ 19. Ảnh: Nguyễn Dũng

Tạo sức bật từ sự khác biệt

Khu vực miền Trung vẫn được ví là “mặt tiền” của quốc gia, là cửa ngõ ra biển cho các tỉnh Tây Nguyên. Con người nơi đây rất cần cù, chịu khó, năng động, sáng tạo, có ý chí và khát vọng vươn lên.

Tuy nhiên, vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung hiện là vùng có nhiều chỉ số phát triển thấp hơn mức trung bình của cả nước. Nhiều tiềm năng, lợi thế của vùng, nhất là lợi thế về kinh tế biển chưa được khai thác, phát huy hiệu quả để trở thành một nguồn nội lực quan trọng cho phát triển. Các khu kinh tế ven biển, cảng biển phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế. Du lịch phát triển chưa bền vững, thiếu đa dạng, sức cạnh tranh quốc tế còn thấp. Liên kết phát triển vùng còn lỏng lẻo, lúng túng, bị động…

Phát triển kinh tế biển miền Trung có ý nghĩa và vai trò quyết định. Ở góc độ địa phương ven biển, ông Vũ Đại Thắng, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Bình cho hay, với mục tiêu sớm trở thành tỉnh phát triển khá trong khu vực Bắc Trung Bộ, Quảng Bình tiếp tục xác định phát triển bền vững kinh tế biển, kiểm soát khai thác tài nguyên biển, gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh, bảo vệ chủ quyền biển đảo. Thu hút đầu tư hạ tầng, hình thành các khu du lịch nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí ven biển.

Với Đà Nẵng, Nghị quyết 26-NQ/TW nêu ra 7 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu. Trong đó, Thành phố có vai trò phát triển trở thành trung tâm của nhiều ngành, lĩnh vực của vùng. Theo ông Nguyễn Văn Quảng, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng, Nghị quyết 26-NQ/TW có ý nghĩa rất quan trọng, thể hiện tư duy và tầm nhìn, định hướng chiến lược của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, nhằm tạo sự chuyển biến có tính đột phá trong chiến lược phát triển Vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ.

Từ cơ sở đó, trong thời gian tới, các địa phương miền Trung sẽ tiếp tục có những chủ trương nhằm thu hút dự án đầu tư để phát triển kinh tế biển đi kèm với các chính sách ưu đãi thông thoáng. Thực hiện mô hình tăng trưởng và tái cơ cấu các ngành kinh tế của địa phương theo hướng lấy kinh tế biển làm trọng tâm.

Theo ông Thorsten Fastenau, Phó chủ tịch điều hành, Giám đốc phụ trách Điện gió ngoài khơi của Công ty PNE AG Bình Định, PNE AG đã phát triển điện gió ở 30 nước và quyết định chọn Bình Định để rót 4,6 tỷ USD đầu tư dự án điện gió ngoài khơi với công suất 2.000 WD. Lý do ngoài việc Bình Định có tiềm năng lớn, bờ biển Quy Nhơn cũng giống nơi công ty đặt trụ ở Đức, thì còn bởi lãnh đạo địa phương rất nhiệt tình, tạo điều kiện thuận lợi cho dự án.

Việt Hương
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục