Sức bật mới từ yếu tố ngoại

(ĐTCK-online) Được “tiếp sức” bởi khối nhà đầu tư ngoại, thị trường đã “nóng” trở lại. Không khí sôi động ở các CTCK và sự hồ hởi của nhà đầu tư phần nào giải thích cho giá trị giao dịch 2 phiên cuối tuần qua đạt mức kỷ lục trong vài tháng gần đây (hơn 900 tỷ đồng/phiên). Điều này cũng khiến nhiều nhà đầu tư tin tưởng vào khả năng bứt phá của thị trường và nhận định về việc VN-Index giảm gần 5 điểm vào phiên giao dịch ngày 21/9 chỉ là sự điều chỉnh kỹ thuật.

Thị trường “nóng” trở lại khi khối nhà đầu tư nước ngoài tăng mua đã diễn ra như một quy luật. Song ở lần phục hồi và bứt phá này thì nhà đầu tư lại có nhiều niềm tin và lạc quan hơn. Nếu nhìn nhận sự biến đổi của thị trường từ xu hướng mua bán của nhà đầu tư ngoại có thể thấy nhiều sự tương đồng. Ví như, trong phiên giao dịch ngày 19/9, khối nhà đầu tư ngoại đã tăng mua gấp hai lần thì VN-Index của phiên giao dịch ngày 20/9 tăng tới hơn 17 điểm. Khối lượng cổ phiếu được giao dịch hôm 20/9 cũng tăng đột biến, khiến giá trị giao dịch vọt lên tới hơn 900 tỷ đồng (gần gấp đôi so với mức trung bình cả tháng qua).

Hiện tượng “cứu điểm” cho VN-Index từ những cổ phiếu blue-chip như PPC, STB…  được giới phân tích nhận định, thị trường sẽ có sự hồi phục. Theo giám đốc một CTCK tại TP. HCM, nhiều nhà đầu tư nội đã biến niềm lạc quan sang sự hưng phấn trong việc mua cổ phiếu. Họ cho rằng, khối nhà đầu tư nước ngoài sẽ còn tăng mua trong một thời gian nữa. Bởi phân tích quá trình hoạt động của các tổ chức nước ngoài có thể thấy, họ cũng chịu sức ép từ thị trường tài chính cũng như giá cả hàng hóa trên thế giới. Vừa qua, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) chính thức cắt giảm lãi suất cơ bản từ 5,25% xuống còn 4,75%. Quyết định này được đưa ra trong bối cảnh thị trường nhà đất và tín dụng Mỹ đang lâm vào khủng hoảng. Ngay sau động thái cắt giảm lãi suất của FED, TTCK thế giới đều có phản ứng tích cực.

Cũng theo vị giám đốc này, các yếu tố trên đã tạo thuận lợi cho các tổ chức nước ngoài yên tâm đầu tư, trong đó có cả việc đầu tư vào lĩnh vực chứng khoán.

Những “dấu hiệu mới” từ khối nhà đầu tư nước ngoài đã khiến TTCK Việt Nam ở thời điểm này có thêm yếu tố thuận lợi. Về cơ bản, nguồn vốn nội cung cấp cho TTCK đã chững lại sau Chỉ thị 03, trong khi nguồn vốn từ vàng, bất động sản của nhà đầu tư trong nước lại khá rõ. Quá trình tăng giá đột biến ở thị trường vàng đã mang lại lợi nhuận đáng kể cho nhà đầu tư theo xu hướng “giá lên”. Khi những người này bán vàng, họ sẽ giữ một khoản tiền lớn và không ít người đã chuyển hướng đầu tư sang chứng khoán, nhất là khi “tín hiệu” phục hồi ở thị trường này đã khá rõ. Xác nhận điều này, CTCK Hải Phòng cho biết, trong tuần vừa qua, nhiều nhà đầu tư vốn là dân kinh doanh vàng và địa ốc đã xuất hiện trở lại cùng với khoản tiền lớn nạp thêm vào tài khoản để mua chứng khoán.

Một yếu tố khiến động thái tăng mua của nhà đầu tư nước ngoài có dịp dẫn dắt tâm lý nhà đầu tư trong nước là các DN niêm yết bắt đầu hoàn thành báo cáo quý III. Kết quả hoạt động khả quan của những đơn vị này khiến nhà đầu tư trong nước yên tâm hơn. Theo báo cáo phân tích của nhiều CTCK, mức lợi nhuận trung bình của những DN này tăng khá cao so với thời kỳ đầu năm, thậm chí nhiều đơn vị còn trội hơn hẳn so với cùng kỳ năm 2006. Đơn cử như Ngân hàng ACB, lợi nhuận của Ngân hàng trong 8 tháng đầu năm là một trong những nguyên nhân khiến giá cổ phiếu ACB tăng đột biến. Tính đến ngày 31/8, lợi nhuận trước thuế trên toàn hệ thống của ACB đạt 1.100 tỷ đồng, gần gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi, mục tiêu lợi nhuận cả năm của ACB đặt ra chỉ là 1.600 tỷ đồng.

Tuấn Dũng
Tuấn Dũng

Tin cùng chuyên mục

VNIndex 1,244.7 0.0 0.0% 162,835 tỷ
HNX 235.68 0.0 0.0% 1,903 tỷ
UPCOM 91.72 0.02 0.02% 825 tỷ