Sửa tiêu chí nhà đầu tư chuyên nghiệp: Quan tâm tới khối ngoại, nhiều thay đổi đáng chú ý

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán, ông Nguyễn Đình Duy, CFA, Chuyên gia Phân tích Cao cấp - Khối Xếp hạng và Nghiên cứu VIS Rating cho rằng, một điểm thay đổi đáng chú ý trong Dự thảo sửa đổi Luật Chứng khoán là tất cả nhà đầu tư nước ngoài đều được coi là nhà đầu tư chuyên nghiệp.
Sửa tiêu chí nhà đầu tư chuyên nghiệp: Quan tâm tới khối ngoại, nhiều thay đổi đáng chú ý

Đây là một tín hiệu từ cơ quan quản lý cho thấy sự quan tâm hơn đến việc thu hút dòng vốn nước ngoài tham gia vào thị trường chứng khoán nói chung và thị trường trái phiếu doanh nghiệp nói riêng.

Các thị trường nước ngoài quy định như thế nào là “nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp”?

Tại nhiều thị trường quốc tế, việc xác định "nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp" thường dựa trên ba yếu tố chính: khả năng tài chính, khả năng tiếp cận thông tin và nhận thức về rủi ro. Các yếu tố này đóng vai trò quan trọng trong việc xác định mức độ phù hợp của đối tượng nhà đầu tư với các sản phẩm tài chính có rủi ro, từ đó bảo đảm an toàn và hiệu quả cho thị trường.

Đầu tiên, khả năng tài chính thể hiện mức độ chịu đựng rủi ro của nhà đầu tư. Những nhà đầu tư có tài sản lớn có khả năng chống chịu những biến động trong ngắn hạn mà không ảnh hưởng lớn đến toàn bộ danh mục đầu tư của họ.

Điều này đặc biệt quan trọng trong các sản phẩm tài chính phức tạp, tiềm ẩn rủi ro cao như các trái phiếu phát hành riêng lẻ có phần hạn chế về thông tin và mức độ giám sát của cơ quan quản lý.

Cụ thể, theo quy định MiFID II của Liên minh châu Âu, nhà đầu tư chuyên nghiệp có thể là cá nhân hoặc tổ chức với danh mục đầu tư vượt quá 500.000 Euro (15 tỷ đồng). Tại thị trường Mỹ, các trái phiếu doanh nghiệp phát hành theo cơ chế chào bán riêng lẻ giới hạn cho các nhà đầu tư có giá trị tài sản ròng trên 1 triệu USD (25 tỷ đồng) hoặc thu nhập hàng năm vượt quá 200.000 USD (5 tỷ đồng).

Ông Nguyễn Đình Duy, CFA, Chuyên gia Phân tích Cao cấp - Khối Xếp hạng và Nghiên cứu VIS Rating

Ông Nguyễn Đình Duy, CFA, Chuyên gia Phân tích Cao cấp - Khối Xếp hạng và Nghiên cứu VIS Rating

Tại các thị trường châu Á, Trung Quốc giới hạn trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ cho dưới 200 nhà đầu tư chuyên nghiệp, được định nghĩa là có tài sản ròng vượt quá 10 triệu CNY (35 tỷ đồng). Ở Thái Lan, Ủy ban Chứng khoán Thái lan định nghĩa nhà đầu tư chuyên nghiệp có tài sản ròng ít nhất 50 triệu THB (37 tỷ đồng) hoặc thu nhập hàng năm tối thiểu 4 triệu THB. Tại Hàn Quốc, nhà đầu tư chuyên nghiệp phải có tài sản ròng ít nhất 500 triệu KRW (khoảng 10 tỷ đồng).

Thứ hai, khả năng tiếp cận thông tin giúp nhà đầu tư có đủ dữ kiện cần thiết để đánh giá kỹ lưỡng về các khoản đầu tư. Điều này cho phép họ đánh giá chính xác tiềm năng và rủi ro của một khoản đầu tư, từ đó đưa ra quyết định đầu tư đúng đắn và có cơ sở hơn. Đó là lý do các tổ chức lớn như ngân hàng, công ty bảo hiểm, quỹ hưu trí và các định chế tài chính khác thường được tự động xếp vào nhóm nhà đầu tư chuyên nghiệp, do quy mô hoạt động và mức độ tham gia sâu vào thị trường tài chính giúp họ có được lợi thế thông tin khi tiếp cận tới trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ.

Thứ ba, nhận thức về rủi ro là yếu tố then chốt giúp nhà đầu tư hiểu rõ những nguy cơ có thể gặp phải khi tham gia vào các công cụ tài chính có rủi ro như các trái phiếu doanh nghiệp chào bán riêng lẻ. Nhận thức đầy đủ về rủi ro giúp tránh việc nhà đầu tư chấp nhận rủi ro quá mức, chẳng hạn như việc đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp của những công ty mới thành lập, không có hoạt động kinh doanh cốt lõi, dòng tiền trả nợ hạn chế, từ đó góp phần duy trì sự ổn định và bền vững cho cá nhân cũng như thị trường tài chính.

Một số thị trường như Hồng Kông (Trung Quốc) yêu cầu phải tham gia đầu tư ít nhất 2 năm bên cạnh điều kiện về giá trị tài sản ròng. Hàn Quốc chia riêng một nhóm nhà đầu tư chuyên nghiệp có chuyên môn tài chính cao khi có các chứng chỉ hành nghề tư vấn đầu tư, hành nghề luật và một số ngành nghề chuyên môn khác được quy định.

Bộ Tài chính, Uỷ ban Chứng khoán nhà nước đã thêm một số tiêu chí đối với nhà đầu tư chuyên nghiệp trong dự thảo sửa đổi Luật Chứng khoán. Ông có thể chia sẻ cụ thể hơn những thay đổi này?

Trong dự thảo mới nhất của Luật Chứng khoán sửa đổi, các tiêu chí về nhà đầu tư chuyên nghiệp đã có một số chỉnh sửa theo hướng quy định chặt chẽ hơn so với quy định trong luật cũ đối với nhà đầu tư cá nhân và doanh nghiệp thông thường, ngoài ra dự thảo Luật cũng quy định cụ thể tất cả nhà đầu tư nước ngoài đều được coi là nhà đầu tư chuyên nghiệp.

Đối với doanh nghiệp thông thường, dự thảo luật mới bổ sung thêm quy định thời gian hoạt động tối thiểu là 2 năm. Theo quan điểm của chúng tôi, quy định này nhằm hạn chế những doanh nghiệp được thành lập chỉ để đóng vai trò làm nhà đầu tư cho đợt phát hành mới rồi sau đó sẽ tìm cách phân phối lại trên thị trường thứ cấp.

Đối với nhà đầu tư cá nhân, quy định trong dự thảo chặt chẽ hơn về khoảng thời gian nhà đầu tư chứng minh về thu nhập hoặc về tài sản, tăng lên thành 2 năm gần nhất. Trong Luật Chứng khoán 2019 chỉ quy định nhà đầu tư nắm giữ danh mục chứng khoán niêm yết, đăng ký giao dịch tối thiểu là 2 tỷ đồng tại thời điểm xác nhận, hoặc có thu nhập chịu thuế năm gần nhất tối thiểu là 1 tỷ đồng tính đến thời điểm xác nhận.

Theo quan điểm của chúng tôi quy định này sẽ khiến những nhà đầu tư mới tham gia thị trường gặp khó khăn hơn khi muốn đăng ký trở thành nhà đầu tư chuyên nghiệp. Còn với những nhà đầu tư cá nhân đã thực hiện đăng ký là nhà đầu tư chuyên nghiệp trước đây thì việc gia tăng thời gian chứng minh năng lực về tài sản và thu nhập thêm một năm cũng không gây khó khăn đáng kể, bởi họ đã có hồ sơ chứng minh trong năm trước đó rồi.

Theo ông, đâu là những thay đổi quan trọng nhất với nhà đầu tư trên thị trường trái phiếu?

Việc chứng minh nhà đầu tư cá nhân chuyên nghiệp chỉ giúp các cá nhân có thể đầu tư được vào trái phiếu phát hành riêng lẻ trước thời điểm 1/1/2026 theo dự thảo luật mới. Kể từ sau 1/1/2026, nhà đầu tư cá nhân sẽ không được tham gia trực tiếp đầu tư vào trái phiếu phát hành riêng lẻ nữa, đây chính là điểm thay đổi quan trọng của dự thảo Luật chứng khoán mới.

Chúng tôi lưu ý một điểm thay đổi đáng chú ý về nhà đầu tư nước ngoài, theo dự thảo luật mới thì tất cả nhà đầu tư nước ngoài đều được coi là nhà đầu tư chuyên nghiệp. Đây là một tín hiệu từ cơ quan quản lý cho thấy sự quan tâm hơn đến việc thu hút dòng vốn nước ngoài tham gia vào thị trường chứng khoán nói chung và thị trường trái phiếu doanh nghiệp nói riêng.

Lam Phong

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục