Sửa quy tắc tính chỉ số, rộng đường cho quỹ ETF nội

(ĐTCK) Từ tháng 7/2016, Sở GDCK TP. HCM (HOSE) sẽ áp dụng quy tắc tính chỉ số mới. 
Ảnh Internet Ảnh Internet

Một trong những sửa đổi quan trọng là HOSE áp dụng phương pháp “bình quân của trung vị giá trị giao dịch hàng ngày trong tháng của 12 tháng gần nhất” thay thế cho việc sử dụng “bình quân giá trị giao dịch hàng ngày của 6 tháng gần nhất” khi tính toán Bộ chỉ số VN30-Index.

Việc này không chỉ giúp giảm thiểu tác động mang tính thời điểm lên chỉ số, mà còn cho thấy cơ quan quản lý đang sẵn sàng mở rộng đường cho việc phát triển và mở rộng mô hình quỹ ETF nội.

Cách đây gần 2 năm, quỹ ETF nội lần đầu tiên mang tên VFMVN30 được thành lập, do CTCP Quản lý quỹ Đầu tư Việt Nam (VFM) quản lý. Vài tháng sau, quỹ ETF nội thứ hai là SSIAMHNX30 ra mắt, do Công ty TNHH Quản lý quỹ SSI quản lý.

Cả 2 quỹ này đầu tư bám sát mức sinh lời thực tế của 2 chỉ số VN30 và HNX30. Tùy từng thời điểm, quỹ sẽ áp dụng phương pháp đầu tư mô phỏng toàn bộ, hoặc một phần VN30/HNX30 để giảm thiểu mức sai lệch so với chỉ số tham chiếu.

Về lý thuyết, khi mua chứng chỉ quỹ ETF, nhà đầu tư không cần quan tâm  tìm ra các cổ phiếu bị định giá thấp hay cao để mua bán hưởng chênh lệch. Việc đầu tư thụ động vào các chỉ số được cho là nhàn nhã và có cơ hội mang lại suất sinh lợi cao hơn và ít chi phí hơn so với các chiến lược khác.

Tuy nhiên, trên TTCK, do các nhà đầu tư phần lớn thực hiện “lướt sóng”, không quan tâm nhiều yếu tố nội tại của doanh nghiệp, dẫn đến giá cổ phiếu thường xuyên bị “bóp méo” và ảnh hưởng mạnh tới giá trị giao dịch. Điều này ảnh hưởng tương đối lớn tới VN30, HNX30, bởi cổ phiếu thành phần của hai chỉ số này được lựa chọn dựa trên giá trị giao dịch sau khi đạt tiêu chuẩn về giá trị vốn hóa. Phương thức này đảm bảo VN30 sẽ bao gồm các cổ phiếu có thanh khoản tốt nhất trong nhóm các cổ phiếu có giá trị vốn hóa lớn nhất, nhưng không đảm bảo chỉ số phản ánh chính xác diễn biến thật của các cổ phiếu trong rổ chỉ số.

Ngoài ra, khá nhiều cổ phiếu nằm ngoài danh mục VN30, nhưng có khả năng ảnh hưởng mạnh tới diễn chung của toàn thị trường, chẳng hạn cổ phiếu BID và GAS, do có tỷ lệ cổ phiếu tự do chuyển nhượng (free-float) nhỏ hơn 5%.

Trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán, lãnh đạo cấp cao của một công ty quản lý quỹ ETF nội cho biết, trong các cuộc trao đổi với lãnh đạo 2 Sở, đơn vị này đều đề xuất thay đổi cách tính các bộ chỉ số trên cả 2 sàn, để tạo điều kiện cho các quỹ ETF nội phát triển và đa dạng hóa sản phẩm ETF. Theo vị này, không ít công ty lên kế hoạch thành lập quỹ ETF mô phỏng các bộ chỉ số trên sàn chứng khoán Việt Nam, nhưng chưa thực sự triển khai vì bộ chỉ số hiện tại có những điểm bất cập. Bên cạnh đó, kết quả hoạt động của các quỹ ETF nội thường không cao so với các quỹ đầu tư theo chiến lược chủ động. Chẳng hạn, năm 2014, Quỹ PXP Vietnam Emerging Equity Fund đạt mức sinh lời 12,72%, vượt trội so với kết quả tăng trưởng của chỉ số VN-Index (6,61%) và mức sinh lợi của nhiều quỹ ETF cả ngoại và nội ở Việt Nam.

Do đó, nhiều chuyên gia đánh giá, việc tăng khung thời gian xem xét và sử dụng phương thức trung vị của HOSE trong việc tính toán Bộ chỉ số VN30 có thể coi là bước đầu nhằm giúp giảm thiểu tác động của các biến động mang tính thời điểm lên chỉ số, khi việc sàng lọc cổ phiếu vào rổ chỉ số nghiêm ngặt hơn. Đồng thời, chất lượng cổ phiếu trong Bộ chỉ số HOSE-Index cũng được nâng cao.

Các thành viên thị trường kỳ vọng, Sở GDCK Hà Nội cũng sẽ sớm ban hành quy chuẩn mới trong việc xét duyệt các cổ phiếu đưa vào tính toán Bộ chỉ số HNX30, qua đó góp phần giúp xuất hiện nhiều hơn mô hình quỹ ETF trên thị trường.                

Trang Ninh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục