Sửa quy định công ty đại chúng, băn khoăn tỷ lệ 20%

(ĐTCK) Dự thảo Luật Chứng khoán sửa đổi, bổ sung đang trong giai đoạn được xây dựng, với nhiều điểm mới, kỳ vọng nâng cao tính minh bạch, phù hợp với sự phát triển của nền kinh tế và thị trường chứng khoán Việt Nam. Trong số những thay đổi dự kiến có việc nâng tiêu chí công ty đại chúng, nhưng với nội dung dự kiến sửa đổi hiện tại, nhiều hệ lụy có thể phát sinh.
Theo dự kiến sửa Luật, công ty đại chúng phải có vốn điều lệ 30 tỷ đồng hoặc 50 tỷ đồng và ít nhất 20% vốn điều lệ được sở hữu bởi 100 nhà đầu tư.

Tăng điều kiện công ty đại chúng

Theo quy định hiện hành tại Luật Chứng khoán, công ty đại chúng là công ty cổ phần thuộc một trong ba loại hình: đã thực hiện chào bán cổ phiếu ra công chúng; có cổ phiếu được niêm yết tại Sở giao dịch chứng khoán hoặc Trung tâm giao dịch chứng khoán; có cổ phiếu được ít nhất 100 nhà đầu tư sở hữu, không kể nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp và có vốn điều lệ đã góp từ 10 tỷ đồng trở lên. Cũng theo Luật này, khi doanh nghiệp rơi vào trường hợp thứ ba, trong vòng 90 ngày phải nộp hồ sơ công ty đại chúng cho Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.

Theo dự kiến sửa đổi, các tiêu chí để trở thành công ty đại chúng sẽ được nâng lên, bao gồm cả tiêu chí về quy mô doanh nghiệp lẫn tiêu chí mức độ đại chúng hóa.

Cụ thể, vốn điều lệ tối thiểu dự kiến là 30 tỷ đồng (hoặc 50 tỷ đồng). Tiêu chí nhà đầu tư sẽ bao gồm 100 nhà đầu tư, không kể nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, nhưng yêu cầu có ít nhất 20% vốn điều lệ được sở hữu bởi 100 nhà đầu tư.

Việc điều chỉnh này, theo dự kiến từ Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, là để phù hợp với thực trạng phát triển của thị trường chứng khoán Việt Nam và nền kinh tế. Theo đó, mức vốn điều lệ 10 tỷ đồng không còn lớn. Đồng thời, quy định về tỷ lệ sở hữu tối thiểu của cổ đông đại chúng tại doanh nghiệp này cũng để tránh tránh tình trạng một số doanh nghiệp có tình trạng đại chúng hóa “ảo”.

Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Đầu tư Chứng khoán, trên thị trường chứng khoán đã xảy ra tình trạng có doanh nghiệp đủ 100 cổ đông, nhưng chỉ có một cổ đông sở hữu lớn, còn các cổ đông còn lại đều sở hữu số lượng cổ phiếu thấp rất thấp (100 cổ phiếu, thậm chí 10 - 20 cổ phiếu). Trong những tình huống này, đại chúng hóa chỉ thể hiện ở hình thức, còn về mặt đại chúng hóa thực sự trong sở hữu thì chưa có.

Các dự kiến sửa đổi khiến thị trường hình dung đến điều kiện niêm yết cổ phiếu mà các Sở giao dịch chứng khoán (HOSE và HNX) đang áp dụng, ngoại trừ điều kiện về kết quả kinh doanh.

Việc nâng mức vốn điều lệ doanh nghiệp, yêu cầu đại chúng hóa là hợp lý, nhưng đưa vào điều kiện tỷ lệ đại chúng hóa sở hữu có lẽ không phải là vấn đề lớn với doanh nghiệp (nếu muốn lách) và có thể phát sinh hệ lụy sau đó.

Những phiền phức có thể xảy ra

Giả định quy định về mức vốn điều lệ 30 tỷ đồng và tối thiểu 20% vốn điều lệ được sở hữu bởi 100 nhà đầu tư bên ngoài sẽ được ban hành và áp dụng. Như vậy, công ty có vốn điều lệ 100 tỷ đồng, có 100 cổ đông sẽ không được coi là công ty đại chúng vì không đáp ứng yêu cầu về tỷ lệ đại chúng hóa là 100 nhà đầu tư bên ngoài nắm tối thiểu 20% vốn điều lệ. Trường hợp khác, doanh nghiệp có thể có trên 100 cổ đông, nhưng trừ 2 cổ đông lớn nắm gần như toàn bộ, các cổ đông bên ngoài chỉ nắm khoảng 10% vốn điều lệ.

Trong 2 tình huống giả định, nếu doanh nghiệp thực hiện chào bán chứng khoán cho cổ đông hiện hữu thì có bị coi là chào bán chứng khoán ra công chúng hay không (vì vẫn là phát hành cho trên 100 nhà đầu tư)? Khi điều kiện về công ty đại chúng thay đổi, các điều kiện để được chào bán chứng khoán ra công chúng có thể cũng sẽ thay đổi theo.

Nếu điều kiện về mức sở hữu tối thiểu 20% vốn điều lệ được áp dụng, doanh nghiệp có thể sẽ rơi vào tình trạng chào bán chứng khoán ra công chúng khi chưa đủ điều kiện? Hay doanh nghiệp chào bán chứng khoán ra công chúng nhưng không đưa cổ phiếu ra niêm yết tập trung trong vòng 6 tháng (như quy định hiện hành) vì chưa phải công ty đại chúng?

Trong quá khứ, đã có doanh nghiệp bị xử phạt vì chào bán chứng khoán cho trên 100 nhà đầu tư, nhưng có vốn điều lệ dưới 10 tỷ đồng. Liệu những tình huống này có khiến doanh nghiệp khó xử trong tương lai?

Dữ liệu hiện nay cho thấy, trên 3 sàn chứng khoán có 54 doanh nghiệp đang giao dịch cổ phiếu tập trung, nhưng có vốn điều lệ nhỏ hơn 30 tỷ đồng. Vậy những trường hợp này sẽ được giải quyết như thế nào nếu các quy định mới về điều kiện công ty đại chúng được áp dụng?

Vấn đề phát sinh thứ ba nằm ở mối liên hệ giữa thoái vốn nhà nước và đại chúng hóa. Việc thoái vốn nhà nước với những khoản có giá trị theo mệnh giá từ 10 tỷ đồng trở lên phải thực hiện thông qua đấu giá. Các doanh nghiệp sau đấu giá cổ phần hóa cũng phải đưa vào sàn giao dịch tập trung hoặc lên niêm yết.

Như vậy, với trường hợp doanh nghiệp có vốn điều lệ từ 10 tỷ đồng đến dưới 30 tỷ đồng có được tính là chào bán chứng khoán ra công chúng hay không? Đồng thời, giả định với các trường hợp có vốn điều lệ lớn hơn và sau đấu giá, doanh nghiệp có trên 100 nhà đầu tư, nhưng mức sở hữu dưới 20% vốn điều lệ (như Sabeco, Habeco, PVGas…) thì khi đó, liệu các doanh nghiệp này có được coi là công ty đại chúng?

Niêm yết thì đã có tiền lệ áp dụng riêng với các doanh nghiệp cổ phần hóa, nhưng với dự thảo quy định mới về điều kiện công ty đại chúng, rất có thể những doanh nghiệp này sẽ không đáp ứng được yêu cầu về đăng ký công ty đại chúng, trước khi được đặc cách để niêm yết.

Trúc Chi

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục