Sữa Quốc tế (IDP) bỏ bất động sản, trở về với ngành lõi

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Không chỉ đóng lại mảng kinh doanh bất động sản, Công ty cổ phần Sữa Quốc tế (mã IDP) dừng kế hoạch đầu tư dây chuyền sản xuất nước khoáng và đồ uống không cồn.
Định hướng kinh doanh của Sữa Quốc tế là tập trung vào các sản phẩm sữa. Định hướng kinh doanh của Sữa Quốc tế là tập trung vào các sản phẩm sữa.

Dừng mở rộng ngành nghề

Với quỹ tiền mặt dồi dào, trong năm 2022, Công ty cổ phần Sữa Quốc tế lên kế hoạch mở rộng hoạt động kinh doanh với việc lấn sân sang lĩnh vực bất động sản và xây nhà máy mới tại Bình Dương. Tuy vậy, chỉ sau hơn một năm, kế hoạch kinh doanh của Công ty đã có nhiều thay đổi.

Cụ thể, ngày 17/5/2023, Hội đồng quản trị Sữa Quốc tế đã thông qua việc giải thể công ty con là Công ty cổ phần Đầu tư Green Light. Công ty này được thành lập vào ngày 23/8/2022, địa chỉ tại số 217 Nguyễn Văn Thủ, phường Đa Kao, quận 1, TP.HCM, với ngành nghề kinh doanh chính là bất động sản. Vốn điều lệ dự kiến của công ty này là 500 tỷ đồng; trong đó, Sữa Quốc tế sở hữu 99,98% vốn điều lệ, tương ứng góp 499,9 tỷ đồng. Lý do giải thể là để cơ cấu lại danh mục đầu tư.

Đáng chú ý, ngày 8/7 vừa qua, Sữa Quốc tế chốt danh sách cổ đông thực hiện lấy ý kiến bằng văn bản về việc điều chỉnh dự án đầu tư Công ty cổ phần Sữa Quốc tế - Chi nhánh Bình Dương. Theo đó, mục tiêu của dự án từ chỗ chế biến sữa và các sản phẩm từ sữa, sản xuất đồ uống không cồn và nước khoáng được điều chỉnh thành chế biến sữa và các sản phẩm từ sữa.

Tại Giấy chứng nhận đăng ký lần đầu ngày 24/1/2022, dự án Công ty cổ phần Sữa Quốc tế - Chi nhánh Bình Dương được triển khai tại Lô C-13A-CN, Khu công nghiệp Bàu Bàng mở rộng, xã Long Tân, huyện Dầu Tiếng, tỉnh Bình Dương, chia làm hai giai đoạn: giai đoạn 1, chế biến sữa và các sản phẩm từ sữa với công suất 300.000 tấn sản phẩm/năm; giai đoạn 2, sản xuất đồ uống không cồn, nước khoáng với quy mô 150 triệu lít/năm. Tổng vốn đầu tư là 2.800 tỷ đồng; trong đó, vốn góp của Công ty là 300 tỷ đồng, vốn vay là 2.500 tỷ đồng. Theo phương án điều chỉnh, quy mô của dự án là chế biến 300.000 tấn sữa và các sản phẩm từ sữa.

Tiến độ thực hiện dự án cũng được điều chỉnh, thay vì đưa nhà máy chế biến sữa vào hoạt động từ quý I/2024 như dự kiến ban đầu thì lùi sang quý IV/2024.

Như vậy, đối với kế hoạch mở rộng nhà máy, Sữa Quốc tế muốn kéo dài thời gian triển khai dự án, đồng thời không tham gia vào lĩnh vực sản xuất đồ uống không cồn, nước khoáng.

Thực tế, bối cảnh thị trường trong nước và thế giới đang không ủng hộ kế hoạch mở rộng ngành nghề kinh doanh cũng như danh mục sản phẩm của Công ty. Thị trường bất động sản gặp nhiều khó khăn và chưa có tín hiệu phục hồi trong ngắn hạn. Trong khi đó, sức cầu tiêu dùng suy giảm trên diện rộng ảnh hưởng trực tiếp đến tình hình tiêu thụ sữa và các chế phẩm từ sữa cũng như nước uống đóng chai.

Quỹ tiền mặt, yếu tố nền tảng cho kế hoạch mở rộng kinh doanh của Sữa Quốc tế cũng kém dồi dào hơn. Thời điểm 30/6/2022, trước khi thành lập công ty bất động sản này, Công ty sở hữu 1.641 tỷ đồng tiền và đầu tư tài chính. Tuy nhiên, đến thời điểm cuối quý I/2023, khoản mục này giảm xuống còn gần 1.301 tỷ đồng.

Việc dừng kế hoạch mở rộng ngành nghề kinh doanh, danh mục sản phẩm, co về ngành lõi có thể xem là bước đi hợp lý với Sữa Quốc tế tại thời điểm hiện tại, giúp Công ty tránh được rủi ro gia tăng gánh nặng nợ vay đầu tư, đọng vốn, thua lỗ ở những dự án mới.

Tìm nguồn lực mới từ quỹ ngoại

Mới đây, Sữa Quốc tế thông qua kế hoạch chào bán riêng lẻ hơn 2,4 triệu cổ phiếu cho Daytona Investments Pte. Ltd với mức giá 254.044 đồng/cổ phiếu. Dự kiến, đợt chào bán được triển khai trong quý II-III/2023.

Theo kế hoạch 611 tỷ đồng dự kiến huy động từ đợt phát hành riêng lẻ này, Công ty dùng 230 tỷ đồng để mua nguyên vật liệu phục vụ sản xuất - kinh doanh; 140,1 tỷ đồng bổ sung vốn lưu động; 100 tỷ đồng trả nợ vay Ngân hàng thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV); 100 tỷ đồng trả nợ vay Ngân hàng thương mại cổ phần Công thương Việt Nam (Vietinbank); 40,9 tỷ đồng thanh toán chi phí marketing.

Daytona Investments Pte. Ltd hiện đang là cổ đông lớn của Sữa Quốc tế. Sau giao dịch mua 5,6 triệu cổ phiếu IDP vào ngày 12/4/2023, quỹ này đã nâng tỷ lệ sở hữu tại Sữa Quốc tế từ 0% lên 8,99% cổ phần. Bà Trần Thu Trang, Giám đốc Daytona Investments Pte. Ltd là thành viên Hội đồng quản trị Sữa Quốc tế.

Nếu giao dịch thành công, vốn điều lệ của Sữa Quốc tế sẽ tăng từ 589,45 tỷ đồng lên 613,5 tỷ đồng và tỷ lệ sở hữu của Daytona Investments Pte. Ltd tăng lên 12,6%. Nguồn vốn mới từ quỹ đầu tư ngoại sẽ giúp Công ty giảm gánh nặng nợ vay, chi phí tài chính cũng như phục vụ các kế hoạch kinh doanh.

Công ty cổ phần Sữa Quốc tế được thành lập năm 2004, hoạt động chủ yếu là sản xuất sữa và các sản phẩm chế biến từ sữa, với hai nhà máy tại Hà Nội (đặt tại huyện Chương Mỹ và Ba Vì) và một nhà máy tại TP.HCM (đặt tại huyện Củ Chi). Công ty được giới đầu tư biết đến nhiều hơn sau khi Quỹ đầu tư Vietnam Opportunity Fund (VOF) do VinaCapital quản lý và Daiwa PI Partners (thuộc Daiwai Securities Group, Nhật Bản) rót vốn 45 triệu USD vào cuối năm 2014. Sau thương vụ, vốn điều lệ của Sữa Quốc tế tăng từ 250 tỷ đồng lên 460 tỷ đồng.

Giai đoạn 2019-2021, Công ty ghi nhận mức tăng trưởng lợi nhuận rất ấn tượng. Từ mức gần 113 tỷ đồng trong năm 2019, lợi nhuận sau thuế của Công ty đã tăng vọt lên mức gần 502 tỷ đồng trong năm 2020. Năm 2021 - năm đầu tiên cổ phiếu IDP được đưa lên giao dịch trên thị trường, lợi nhuận sau thuế của Công ty ghi nhận tới 823 tỷ đồng, tương ứng lãi cơ bản trên mỗi cổ phiếu gần 14.000 đồng. Năm 2022, dù doanh thu đạt gần 6.100 tỷ đồng, tăng trưởng 26% so với năm 2021, song lợi nhuận giảm nhẹ 1,5%, về mức hơn 810 tỷ đồng.

Năm 2023, Công ty đặt mục tiêu doanh thu thuần đạt 7.141 tỷ đồng, tăng 17% so với thực hiện năm 2022. Tuy nhiên, lãi sau thuế dự kiến giảm 4% so với mức thực hiện năm ngoái, xuống còn 776 tỷ đồng. Quý đầu năm, Công ty ghi nhận lợi nhuận hơn 218 tỷ đồng, giảm 7,7% so với cùng kỳ; biên lợi nhuận gộp thu hẹp từ 41,2% về 38,5%.

Có thể thấy, lợi nhuận của Sữa Quốc tế đang có dấu hiệu chậm lại. Diễn biến này cũng tương đồng với Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk). Giai đoạn từ năm 2020 – 2022, lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp đầu ngành sữa đi xuống mạnh, từ mức 11.235,7 tỷ đồng trong năm 2020 giảm xuống 10.632,5 tỷ đồng trong năm 2021 và 8.577,57 tỷ đồng trong năm 2022.

Hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp ngành sữa chịu ảnh hưởng ngắn hạn từ bối cảnh kinh tế tăng trưởng chậm lại, song triển vọng của ngành được nhìn nhận vẫn khá tích cực. Tại đại hội cổ đông thường niên 2023 của Vinamilk, bà Mai Kiều Liên, Tổng giám đốc Công ty khẳng định, thị trường sữa Việt Nam chưa bão hòa do dân số tăng, thu nhập có lúc tăng lúc giảm nhưng nhìn chung vẫn xu hướng tăng và thu nhập bình quân trên đầu người so với khu vực còn rất thấp.

Báo cáo của Euromonitor Report cho biết, tổng thị trường sữa và sản phẩm thay thế ở Việt Nam năm 2022 ước đạt 147.200 tỷ đồng, tăng 7,7% so với năm 2021. Trong đó, thị trường sữa ước đạt 98.000 tỷ đồng, tăng 8,7%; thức ăn trẻ em đạt 43.600 tỷ đồng, tăng 6%.

Về xu hướng tiêu dùng, các sản phẩm sữa hữu cơ, sữa tự nhiên, sữa thực vật và sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe có chứa sữa tại Việt Nam được kỳ vọng duy trì tốc độ tăng trưởng nhanh trong giai đoạn 2022 - 2031, tạo cơ hội cho ngành sữa tiếp tục phát triển những năm tới.

Trợ lực từ quỹ ngoại sẽ giúp Sữa Quốc tế nâng cao năng lực tài chính, năng lực cạnh tranh trên thị trường còn nhiều dư địa phát triển.

Duy Bắc

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục