Đó là chia sẻ của TS. Erkki Tuomioja, nguyên Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, Nghị sĩ Quốc hội Phần Lan khi đánh giá về quá trình hội nhập của Việt Nam trong Hội thảo về sự thích ứng của các quốc gia với kỷ nguyên số tổ chức mới đây.
Một trong những lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế ít nhiều đã cho thấy sự hội nhập thành công và được nhiều chuyên gia đề cập đến, đó là thị trường bất động sản. Báo cáo mới đây của CBRE khu vực Đông Nam Á đã chỉ ra rằng, khi các nhà đầu tư bất động sản thảo luận về các thị trường bất động sản mới nổi năng động nhất trên toàn cầu, thật khó để không nhắc tới Việt Nam.
Trong con mắt xanh của các nhà đầu tư, Việt Nam đang là nền kinh tế có môi trường kinh doanh cải thiện liên tục, kinh tế tăng trưởng ổn định, dân số đông, tốc độ đô thị hóa nhanh và sự gia tăng của tầng lớp trung lưu khiến cho bất động sản trở thành lĩnh vực đầu tư đầy tiềm năng.
Ông Vikram Kohli, Tổng giám đốc CBRE khu vực Đông Nam Á cho rằng, trong 10 năm qua, dòng vốn FDI vẫn luôn trong xu hướng ổn định và tăng trưởng, trong đó dòng vốn đổ vào bất động sản luôn chiếm một tỷ trọng lớn và tăng trưởng theo từng năm. Thị trường địa ốc Việt Nam đã trở thành thỏi nam châm thu hút nhiều nhà đầu tư nước ngoài.
Một điều nữa, kể từ năm 2015 đến nay, Luật Nhà ở sửa đổi đã mở rộng cửa cho người nước ngoài sở hữu nhà tại Việt Nam đã thực sự tạo nên một sức hấp dẫn mới. Nguồn cầu liên tục tăng cao do sự “dịch chuyển” tự nhiên của lực lượng lao động ngoại quốc, các tập đoàn đa quốc gia. Ở đầu cung, phân khúc căn hộ hạng sang được kỳ vọng sẽ tiếp tục bứt phá trong thời gian tới, nhất là với sự tham gia ngày càng mạnh mẽ của khối ngoại trong việc kiến tạo dự án.
Sự hội nhập của lĩnh vực bất động sản bước đầu còn được thể hiện ở việc đã có các doanh nghiệp tiên phong trong việc ứng dụng những công nghệ mới, hưởng ứng mạnh mẽ hiệu ứng tích cực của cuộc cách mạng công nghệ lần thứ 4.
Ông Matthew Powell, Giám đốc Savills Hà Nội cho rằng, công nghệ đang thực sự thay đổi cách kiến tạo và hưởng thụ sản phẩm địa ốc. Một ứng dụng trên điện thoại thông minh có thể tương tác với hệ thống quản lý tòa nhà và giúp cư dân có thể check - in đặt trước dịch vụ, và điều chỉnh không gian sinh hoạt theo nhu cầu cá nhân đến mức chi tiết chưa từng có.
Tại Việt Nam, công bố về hoạt động đầu tư và xây dựng dự án thành phố thông minh tại Đông Anh, Hà Nội đã gây chấn động thị trường nhà ở. Các tiện ích thông minh trở thành một yếu tố đặc biệt quan trọng trong từng sản phẩm nhà ở, nhất là trong các sản phẩm cao cấp khi cả chủ đầu tư và người mua đều tìm kiếm yếu tố này. Công nghệ thực sự sẽ là hướng phát triển để các dự án nhà ở cao cấp không bị tụt hậu.
Một thuật ngữ từ chỗ xa lạ, chỉ thấy trong phim ảnh, sách báo trước đây giờ lại trở nên phổ biến, thông dụng, đó là smarthome. Đã có những doanh nghiệp định hướng phát triển và cung cấp các sản phẩm smarthome.
Còn quá sớm để nói trong lĩnh vực bất động sản, Việt Nam đã hội nhập đủ sâu, đủ rộng, nhưng rõ ràng, cơ hội phát triển thị trường cả phía cung và cầu từ những động lực bên ngoài biên giới là hiện hữu và đã được tận dụng một phần. Và để thị trường thực sự thông thương, khái niệm “xuất khẩu bất động sản” thực sự có ý nghĩa, mỗi thành viên thị trường cần tự “sửa mình” để tăng thêm vị thế khi hội nhập.
Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com