Sửa Luật Thủ đô: Thận trọng hơn với cơ chế thử nghiệm có kiểm soát

0:00 / 0:00
0:00
Cơ chế thử nghiệm có kiểm soát tại Dự thảo Luật Thủ đô sửa đổi là quy định đầu tiên ở cấp độ luật điều chỉnh vấn đề hết sức quan trọng này.
Đại biểu Trần Văn Khải tham gia thảo luận. Đại biểu Trần Văn Khải tham gia thảo luận.

Đồng ý cần có cơ chế vượt trội cho Hà Nội, trong đó có cơ chế thử nghiệm có kiểm soát, song theo đại biểu Quốc hội, cần có bước đi thận trọng.

Sáng 26/3 Dự thảo Luật Thủ đô sửa đổi (Dự thảo) được cho ý kiến tại Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách.

Báo cáo những vấn đề lớn, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, trên cơ sở tiếp thu ý kiến đại biểu, Dự thảo đã được chỉnh lý theo hướng xác định nội dung, lĩnh vực được phép thực hiện thử nghiệm có kiểm soát, xác định khung pháp lý cần thiết để thành phố Hà Nội có thể cho phép thực hiện thử nghiệm có kiểm soát đối với các công nghệ, sản phẩm, dịch vụ, mô hình kinh doanh mới có phạm vi triển khai áp dụng trên địa bàn Thành phố, phù hợp với năng lực kiểm soát của chính quyền Thành phố. Trong đó cho phép miễn trừ áp dụng một số quy định trong luật, pháp lệnh, nghị quyết, nghị định,… phù hợp với phạm vi, yêu cầu, mục đích thử nghiệm.

Riêng về phạm vi các nội dung có thể được áp dụng cơ chế thử nghiệm có kiểm soát, có ý kiến đề nghị nên giới hạn cụ thể hơn những nội dung, lĩnh vực được phép thử nghiệm có kiểm soát, ví dụ như chỉ gồm công nghệ mới thuộc một số lĩnh vực nhất định như quy định tại Nghị quyết số 98/2023/QH15 của Quốc hội áp dụng đối với TP.HCM do đây là một nội dung mới, cần có bước đi thận trọng, Chủ nhiệm Hoàng Thanh Tùng phản ánh.

Cần có bước đi thận trọng cũng vẫn là quan điểm của nhiều vị đại biểu khi tham gia thảo luận.

Theo đại biểu Phạm Trọng Nghĩa (Lạng Sơn), Ủy viên chuyên trách Ủy ban Xã hội, cơ chế thử nghiệm có kiểm soát là quy định đầu tiên ở cấp độ Luật điều chỉnh vấn đề hết sức quan trọng này, nhằm phúc đáp yêu cầu phát triển khoa học công nghệ. Dự thảo đã mở rộng hơn nhiều so với cơ chế thử nghiệm áp dụng cho TP HCM trong Nghị quyết số 98 ngày 24/6/2023 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM.

Theo Dự thảo, cơ chế thử nghiệm được áp dụng ở tất cả các lĩnh vực. Đại biểu Nghĩa đề nghị tiếp cận theo hướng thận trọng, bảo đảm kiểm soát tốt. Vì vậy, Luật nên giới hạn cụ thể một số lĩnh vực được phép thử nghiệm có kiểm soát mà không nên giao UBND Thành phố quyết định.

Theo kinh nghiệm quốc tế, các lĩnh vực được áp dụng cơ chế thử nghiệm sẽ do thị trường quyết định nhưng thường là: Tài chính, ngân hàng (Fintech); giáo dục (Edtech); Y tế (Medtech), ông Nghĩa nói.

Bên cạnh đó, theo đại biểu Nghĩa, Dự thảo hiện chủ yếu tập trung quy định đầu vào của cơ chế thử nghiệm mà chưa có quy định về đầu ra như việc rút khỏi cơ chế thử nghiệm đang thế nào? hậu quả pháp lý khi kết thúc cơ chế thử nghiệm ra sao? Vì vậy, đề nghị của đại biểu là cần xem xét bổ sung các quy định này trong Dự thảo.

Nhận xét quy định về cơ chế thử nghiệm tại điều 25 còn bất cập, đại biểu Trần Văn Khải (Hà Nam), Ủy viên Thường trực Uỷ ban Khoa học, công nghệ và môi trường của Quốc hội dẫn số liệu tham khảo hiện thế giới có 73 nước có quy định thử nghiệm có kiểm soát tập trung thử nghiệm công nghệ số vào các lĩnh vực kinh tế, xã hội.

Điều 25 Dự thảo quy định về định nghĩa cơ chế thử nghiệm có kiểm soát; quy định về phạm vi thử nghiệm, quyền hạn quyết định, giới hạn không gian, thời gian, đối tượng ... thủ tục có tính chất bao quát như luật chuyên ngành.

Quy định như vậy chỉ áp dụng cho Thủ đô hay có thể trở thành “mẫu” cho luật chuyên ngành về sau vì định nghĩa chung, thủ tục chung … không phản ánh đặc thù hay ưu tiên quyền hạn cho Thủ đô, ông Khải nêu vấn đề.

Đại biểu Khải nhìn nhận, như vậy Luật Thủ đô dễ xung đột pháp luật chuyên ngành, bởi quy định trước luật chuyên ngành khi chưa có nghiên cứu đầy đủ vì thực tiễn chưa thực hiện, trong khi chưa có nghiên cứu kinh nghiệm nước ngoài về vấn đề này và có những giải trình rõ ràng.

Hiện nay, Chính phủ cũng mới dự thảo mức Nghị định áp dụng cho lĩnh vực tài chính ngân hàng và chỉ quy định khái niệm về cơ chế, phạm vi, đối tượng ... trong lĩnh vực này và đang lấy ý kiến mà chưa có định nghĩa về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát. Như vậy dễ có xung đột khi Chính phủ xây dựng Nghị định thực hiện trong lĩnh vực cụ thể lại vướng khái niệm chung quy định trong Luật Thủ đô, không bảo đảm tính thống nhất trong kỹ thuật lập pháp, vị đại biểu Hà Nam nhận xét.

Vẫn theo quy định tại điều 25 thì “Thử nghiệm có kiểm soát có thể bị giới hạn về không gian địa lý triển khai thực hiện; về quy mô thử nghiệm; về đối tượng được tham gia sử dụng công nghệ, sản phẩm, dịch vụ, tham gia mô hình kinh doanh được thử nghiệm; về số lượng người dùng hoặc các giới hạn cần thiết khác”.

Quy định như vậy không rõ giới hạn vì có những lĩnh vực áp dụng liên quan tới quyền lợi ích của công dân hay quyền con người, quyền bí mật đời tư… thuộc phạm vi Hiến pháp quy định sẽ xử lý như thế nào? Quy định này còn mập mờ, dễ xung đột pháp luật trong những trường hợp cụ thể, ông Khải góp ý.

Cần sửa quy định tại điều 25 phù hợp với yêu cầu và thực tế áp dụng ở Việt Nam, theo hướng quy định cơ chế, phạm vi, điều kiện, giới hạn trong theo từng lĩnh vực phù hợp với điều kiện đặc thù, không nên quy định chung để có thể áp dụng tràn lan, dễ sơ hở, ông Khải đề nghị.

Đồng ý với quan điểm trên, đại biểu Trịnh Xuân An (Đồng Nai), Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng An gợi ý có thể xây dựng danh mục thử nghiệm trong các lĩnh vực gắn trực tiếp với phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô và xu hướng chung, như lĩnh vực tài chính, chuyển đổi số, AI…

Ông An cũng cho rằng phần cơ chế kiểm soát đang quy định quá chặt và có lẽ sẽ khiến ít doanh nghiệp, cá nhân nào dám thử nghiệm.

Nguyễn Lê
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục