Sửa Luật, thêm hàng loạt ưu đãi, dân Việt sắp được mua xe thỏa thích?

Ngành công nghiệp ô tô và thị trường xe hơi Việt đang đứng trước có hội lớn khi mới đây các cơ quan Nhà nước có ý định cởi bỏ thuế, sửa luật để giúp ngành ô tô non trẻ. Tuy nhiên, còn bao xa để đi đến "kỷ nguyên xe hơi" của đại đa số người dân Việt vẫn là câu hỏi chưa có lời đáp. 
Liên Bộ Công Thương và Tài chính đang gợi mở một loạt ưu đãi về thuế cho ngành công nghiệp xe hơi Việt Nam. Liên Bộ Công Thương và Tài chính đang gợi mở một loạt ưu đãi về thuế cho ngành công nghiệp xe hơi Việt Nam.

Trong một cuộc tọa đàm về ngành ô tô Việt mới đây, ông Phạm Anh Tuấn, chuyên gia Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) cho rằng: Quy mô sản lượng xe hơi Việt vẫn chỉ dùng lại ở 300.000 xe/năm, trong khi đó Thái Lan là 2 triệu xe/năm; giá của sản xuất xe tại Việt Nam hiện thấp hơn 20% giá xe tại Thái Lan; tỷ lệ nội địa hóa xe của Thái Lan thông thường là 60- 70% có dòng đến 80%, trong khi đó xe du lịch của Việt Nam chủ yếu là 25%, các dòng xe khác có 40% - 60%.

Nhìn vào những con số này, có thể thấy hiện tại ngành sản xuất xe hơi tại Việt Nam đang rất khó khăn trong cuộc chơi toàn cầu hóa, cuộc chơi bỏ thuế.

Mới đây, Bộ Tài chính đưa Dự thảo sửa đổi Nghị định 125/2017/NĐ-CP theo hướng bãi bỏ thuế nhập khẩu đối với linh kiện xe hơi mà doanh nghiệp Việt Nam không sản xuất được để hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất ô tô trong nước. Đồng thời, sẽ cắt bỏ hoặc giảm thuế tiêu thụ đặc biệt đối với phần giá trị gia tăng, linh phụ kiện xe hơi sản xuất được trong nước.

Nếu đề xuất được Chính phủ trình Quốc hội phê chuẩn sẽ mở ra một ưu đãi cực lớn cho các doanh nghiệp xe hơi tại Việt Nam từ trước đến nay.

Bên cạnh Bộ Tài chính, Bộ Công Thương cũng đề nghị Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định 116/2017 thay vì kiểm tra theo lô xe nhập sang kiểm tra kiểu loại, chuyển từ tiềm kiểm sang hậu kiểm. Nếu được chấp thuận, xe nhập sẽ dễ dàng vào Việt Nam hơn.

Tuy nhiên, ở góc độ thứ 2 là thị trường, hiện nay quy mô sản xuất công nghiệp xe hơi vẫn khá nhỏ bé tương ứng với mức tiêu thụ xe hơi vẫn khiêm tốn. Điều này khiến Việt Nam khó đẩy nhanh nội địa hóa xe hơi và khiến giá xe giảm nhanh được.

Theo số liệu của VAMA, 7 tháng đầu năm 2019, lượng tiêu thụ xe hơi của Việt Nam chỉ hơn 171.600 chiếc, dự đoán năm 2019, tổng tiêu thụ xe hơi của Việt Nam vào khoảng 300.000 chiếc/năm. Trong khi đó, năm 2018, lượng tiêu thụ xe hơi tại Việt Nam đạt hơn 276.800 chiếc

Như vậy, quy mô tiêu thụ xe hơi ở Việt Nam vẫn còn khá khiêm tốn, dự đoán 2020 quy mô thị trường xe hơi Việt Nam chỉ có thể đạt khoảng 500.000 xe/năm, năm 2030 đạt khoảng 1 triệu chiếc/năm.

Ông Phạm Anh Tuấn, chuyên gia của VAMA cho biết: Sản lượng xe của Thái Lan hiện nay đã là hơn 2 triệu chiếc/năm, của Indonesia là hơn 1,5 triệu chiếc/năm. Mức tiêu dùng xe hơi thấp vẫn là thách thức đối với nội địa hóa xe hơi của Việt Nam. 

Trong khi sản lượng sản xuất xe thấp, giá xe trong nước cao, ngành công nghiệp xe hơi Việt đang đối mặt sự cạnh tranh lớn từ ngành xe hơi của các nước trong khu vực hơn về nhiều mặt.

Báo cáo của Tổng cục Hải quan cho biết, 7 tháng đầu năm Việt Nam nhập hơn 86.900 xe nguyên chiếc, tăng hơn 360% về lượng so với cùng kỳ năm trước, trong đó xe Thái Lan và Indonesia chiếm khoảng 76.000 chiếc, chiếm khoảng 88% tổng lượng xe nhập về.

Với lượng xe nhập đang ngày một lớn, cộng thêm các hãng xe liên doanh vẫn luôn "vừa đá bóng, vừa thổi còi" vừa sản xuất vừa nhập xe hơi ở Việt Nam, rõ ràng thách thức rất lớn cho nội địa hóa xe hơi.

Về nội địa hóa xe hơi Việt Nam, theo ông Tuấn, tỷ lệ nội địa hóa thấp khiến giá xe Việt khó giảm do giá nhập khẩu linh kiện cao.

Ông Anh Tuấn cho rằng: Giá thành sản xuất xe tại Việt hiện đắt hơn 20% xe Thái Lan, trong khi đó từ năm 2018, Việt Nam bỏ thuế nhập xe về 0%, xe nhập vào nhiều, giá không giảm và xe nội địa vẫn đắt khiến cho thị trường xe chưa thực sự bùng nổ.

Thực tế, việc chính sách của Nhà nước bỏ thuế nhập linh kiện và thuế Tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) sẽ là một thách thức rất lớn bởi mỗi năm Việt Nam nhập hàng tỷ USD linh kiện, nếu bỏ thuế, ngân sách sẽ thất thu số tiền không nhỏ.

Tuy nhiên, cái bù lại là doanh nghiệp ô tô và doanh nghiệp hỗ trợ tại Việt Nam hưởng lợi. Tuy nhiên, các chuyên gia đều cho rằng, việc ưu đãi thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt nếu được chấp thuận cũng cần sàng lọc tùy từng mẫu xe, dòng xe và tùy doanh nghiệp, không nên cào bằng, đi vào "vết xe đổ" thời gian trước.

Bên cạnh đó, cũng cần bắt buộc doanh nghiệp hưởng ưu đãi thuế phải cam kết đạt tỷ lệ nội địa hóa, đạt sản lượng tối thiểu cần thiết trong thời gian cố định, nhằm ràng buộc trách nhiệm của doanh nghiệp với xã hội, với đất nước. Lúc ấy, người tiêu dùng Việt mới có cơ hội tận hưởng thành quả chính sách là xe hơi rẻ đúng với giá trị của nó.


Theo dantri

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục