Sửa luật sẽ nâng chất trong quản trị ngân hàng

(ĐTCK) Một trong những chủ điểm chính được thảo luận tại Quốc hội liên quan đến dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng cuối tuần qua là cách nào nâng cao tính an toàn, chất lượng quản trị của hệ thống ngân hàng, để gia tăng niềm tin đối với người gửi tiền cũng như giảm thiểu rủi ro hoạt động cho chính hệ thống ngân hàng và nền kinh tế.

Quá trình tái cơ cấu thị trường tài chính, tiền tệ thời gian qua đã đạt được những kết quả bước đầu. Tuy nhiên, gánh nặng tài trợ vốn cho doanh nghiệp, cũng như nền kinh tế vẫn chưa vì thế mà “nhẹ” đi đối với hệ thống ngân hàng.

Vấn đề nâng cao “sức khỏe” của hệ thống ngân hàng được các đại biểu Quốc hội đặt ra trong bối cảnh theo đánh giá của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, báo cáo nợ xấu trong hệ thống ngân hàng ở mức dưới 3%, nhưng thực chất nợ xấu toàn nền kinh tế vẫn còn ở mức cao, xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém với nợ xấu chưa căn bản và triệt để.

Trước thực tế này, bên cạnh các giải pháp đã được đưa ra tại Nghị quyết 42/2017 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng, một vấn đề được nhiều đại biểu Quốc hội đề xuất trong lần sửa đổi Luật Các tổ chức tín dụng này là cần bổ sung thêm các công cụ, giải pháp nhằm nâng chất quản trị hệ thống ngân hàng.

Thậm chí, một số đại biểu Quốc hội đề xuất, Dự thảo Luật cần điều chỉnh theo hướng cổ đông lớn của một tổ chức tín dụng và người có liên quan cổ đông đó không được sở hữu cổ phần vượt quá 3% vốn điều lệ của một tổ chức tín dụng khác, thay vì 5% như Dự thảo, nhằm giảm thiểu tình trạng sở hữu chéo trong hệ thống tín dụng.

Giải đáp mối quan tâm của các đại biểu Quốc hội với tư cách là đại diện cơ quan soạn thảo, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng cho biết, những vấn đề trên đã được cụ thể hóa tại nhiều nội dung mới của Dự thảo Luật.

Theo đó, ngoài việc bổ sung biện pháp can thiệp sớm các tổ chức tín dụng có dấu hiệu suy yếu, Dự thảo Luật còn bổ sung một số quy định để tăng cường hiệu quả ngăn ngừa về sở hữu chéo, đầu tư chéo theo hướng quy định giới hạn tỷ lệ sở hữu cổ phần của một cổ đông lớn của tổ chức tín dụng và người có liên quan của cổ đông đó tại tổ chức tín dụng khác.

Quy định này để tránh việc lạm dụng hoặc chi phối hoạt động cấp tín dụng tại nhiều tổ chức tín dụng nhằm phục vụ cho lợi ích có liên quan của các cổ đông lớn.

Một trong những điểm quan trọng của dự án luật này là bổ sung quy định theo hướng chủ tịch HÐQT, tổng giám đốc của các tổ chức tín dụng không được đồng thời là chủ tịch HÐQT, thành viên HÐQT, tổng/phó giám đốc và các chức danh tương đương của doanh nghiệp khác, nhằm hạn chế việc lạm dụng quyền cổ đông. Quy định này nhằm ngăn ngừa việc thao túng, đảm bảo tính minh bạch, an toàn trong hoạt động ngân hàng.

Với định hướng hoàn thiện quy định như trên, Dự thảo Luật nếu được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 4 diễn ra cuối tháng 11 tới sẽ mở thêm không gian pháp lý mới cho thúc đẩy tái cơ cấu các tổ chức tín dụng, nâng cao chất lượng quản trị, qua đó làm lành mạnh hóa hoạt động của khối ngân hàng, nơi được coi như “mạch máu” của nền kinh tế.

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục