Sửa Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước trong năm 2023

0:00 / 0:00
0:00
Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước (sửa đổi), theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nhiều vấn đề về chính sách chưa đủ rõ, cần bổ sung làm rõ hơn.
Phiên họp thứ 14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng ngày 11/8. Phiên họp thứ 14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng ngày 11/8.

Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp (sửa đổi), theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nhiều vấn đề về chính sách chưa đủ rõ, cần bổ sung làm rõ hơn.

Tiếp tục phiên họp thứ 14, sáng 11/8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét việc bổ sung dự án Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp (sửa đổi) vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, việc sửa đổi toàn diện, ban hành Luật Quản lý sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp mới nhằm hoàn thiện thể chế, ổn định môi trường pháp lý cho việc đầu tư vốn nhà nước vào sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp.

Việc này cũng nhằm tạo môi trường pháp lý đầy đủ, ổn định cho hoạt động quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại cơ quan nhà nước và doanh nghiệp; đảm bảo tôn trọng và nâng cao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của doanh nghiệp cùng việc tăng cường sự kiểm tra, giám sát của nhà nước trong quản lý, sử dụng vốn và tài sản đầu tư vào sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp; đảm bảo doanh nghiệp nhà nước hoạt động theo cơ chế thị trường trong các ngành, nghề kinh doanh theo yêu cầu của Nhà nước (chủ sở hữu).

Nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước tương xứng với nguồn vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp, đảm bảo doanh nghiệp nhà nước giữ vai trò chủ đạo, giữ vị trí then chốt trong nền kinh tế; huy động và phát huy hết các nguồn lực của khu vực kinh tế nhà nước nói chung, doanh nghiệp nhà nước nói riêng cho phát triển kinh tế - xã hội.

Chính phủ đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, đưa dự án Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp (sửa đổi) vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023, trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 5 (tháng 5/2023), thông qua tại Kỳ họp thứ 6 (tháng 10/2023).

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật (cơ quan thẩm tra) Hoàng Thanh Tùng cho biết Ủy ban này và các cơ quan của Quốc hội tán thành sự cần thiết sửa đổi toàn diện Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp nhằm thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng, cụ thể hóa yêu cầu tại các nghị quyết của Quốc hội về đổi mới, cơ cấu lại và phát triển doanh nghiệp nhà nước; kịp thời khắc phục những bất cập, vướng mắc của Luật hiện hành.

Tuy nhiên, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội còn nhiều băn khoăn.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị phải nghiên cứu bổ sung thêm một loại chính sách rất quan trọng, đó là tiếp tục phân định tách bạch chức năng giữa quản lý nhà nước và cơ quan đại diện chủ sở hữu.

"Trong Luật hiện hành nói rõ các bộ, ngành chỉ làm 4 việc: Một là làm theo luật; Hai là chiến lược phát triển doanh nghiệp; Ba là định mức, đơn giá, dự toán; Bốn là công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát. Còn thêm chút nữa là vấn đề dữ liệu thôi. Vì thế, chúng ta mới có căn cứ tách các tập đoàn, tổng công ty ra khỏi các bộ quản lý nhà nước. Bây giờ, Dự thảo có khẳng định tiếp tục làm mấy việc hay không hay muốn quay trở lại ôm các tập đoàn, tổng công ty về", Chủ tịch Quốc hội nêu vấn đề.

Sau khi nghe Bộ trưởng Tư pháp, Thứ trưởng Bộ Tài chính giải trình thêm, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng ý chủ trương cần phải khẩn trương hoàn chỉnh để trình Quốc hội xem xét lần một vào kỳ họp thứ 5, tháng 5/2023 và thông qua vào kỳ hop thứ 6, tháng 10/2023, cần phải bổ sung vào chương trình để thông qua luật này trong năm 2023.

Nhưng qua xem xét hồ sơ thấy còn nhiều vấn đề về chính sách chưa đủ rõ, cần bổ sung làm rõ hơn. "Vì vậy, Thường vụ Quốc hội giao lại cho Chính phủ khẩn trương chuẩn bị hồ sơ để trình Thường vụ Quốc hội xem xét trong các phiên họp tới. Xong lúc nào thì Ủy ban Thường vụ Hội xem xét lúc đó", ông Định nêu rõ.

Phó chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý, quá trình xây dựng luật cần bảo đảm yêu cầu kịp thời điều chỉnh những vấn đề mới mà thực tiễn đặt ra; khắc phục được những tồn tại, hạn chế, bất cập của luật hiện hành; thể chế hóa đầy đủ các chủ trương mới của Đảng và Quốc hội, nhất là các vấn đề liên quan đến quản lý vốn, cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp nhà nước, đất đai, quản lý Quỹ đổi mới và phát triển doanh nghiệp và các vấn đề có liên quan.

Lần sửa đổi này cần tiếp tục tách bạch chức năng quản lý nhà nước và đại diện chủ sở hữu nhà nước đối với doanh nghiệp; làm rõ chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền, quan hệ phối hợp giữa các chủ thể có liên quan; bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất giữa các luật trong hệ thống pháp luật, kể cả các luật đã được sửa đổi, bổ sung và các luật đang trong quá trình nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung như Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, Luật Đất đai, Luật Ngân sách Nhà nước và các luật có liên quan bảo đảm không trùng lặp trong điều chỉnh pháp luật nhưng cũng không để chống các lĩnh vực pháp luật điều chỉnh.

Nguyễn Lê
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục