Sửa Luật Đầu tư: Đại biểu đề nghị bỏ thủ tục kép

(ĐTCK) Thủ tục đầu tư đã được cải cách theo hướng đơn giản hóa nhưng còn cần đột phát hơn, mạnh dạn hơn.

Nhìn chung, các đại biểu đồng tình về sự cần thiết sửa Luật Đầu tư và cơ bản nhất trí với nội dung dự luật. Các đại biểu đánh giá dự luật tạo dựng môi trường đầu tư thuận lợi, minh bạch, an toàn cho mọi nhà đầu tư đồng thời hoàn thiện cơ chế khuyến khích hỗ trợ đầu tư.

Dự luật đã cố gắng cải cách thủ tục hành chínht theo hướng bỏ thủ tục cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, minh bạch hóa các lĩnh vực cấm đầu tư, đầu tư có điều kiện…

Tuy nhiên, còn một số vấn đề các đại biểu cho rằng, còn chưa thực sự phù hợp và có thể gây cản trở hoạt động theo đầu tư trong tương lai, cần hoàn thiện hơn. Đại biểu Vũ Tiến Lộc (Thái Bình) nhận xét, quy định về thủ tục đăng ký đầu tư có tiến bộ nhưng cần thực sự đột phá, mạnh dạn hơn nữa.

Đại biểu phân tích, đầu tư cũng là để kinh doanh, do đó, nhà đầu tư khi đầu tư, kinh doanh cũng phải thực hiện đăng ký kinh doanh theo Luật Doanh nghiệp. Do đó, không bên buộc nhà đầu tư sau khi thực hiện thủ tục đăng ký kinh doanh lại phải thực hiện thủ tục đầu tư.

Với lĩnh vực kinh doanh có điều kiện, đây cũng chính là lĩnh vực đầu tư có điều kiện. Vì thế, theo đại biểu, khi DN đã làm thủ tục đăng ký kinh doanh với ngành nghề có điều kiện thì cũng không cần thiết phải đăng ký đầu tư một lần nữa.

Trong khi đó, còn một số lĩnh vực đặc biệt thì cần đăng ký đầu tư để Nhà nước kiểm soát được như các dự án cần giao đất, cho thuê đất, khai thác tài nguyên khoáng sản, dự án sử dụng nhiều năng lượng…

“Không nên tạo ra thủ tục kép, dùng hai thủ tục để quản lý cùng một việc, tốn chi phí để quản lý mà quyền tự do kinh doanh bị xâm phạm”, đại biểu Vũ Tiến Lộc nói.

Với dự án sử dụng nguồn lực từ nhà nước hoặc ảnh hưởng đáng kể đến nguồn lực không sẵn có và khan hiếm, đây là nhóm dự án đáng quản lý nhất bằng thủ tục giấy chứng nhận đầu tư nhất thì dự luật bỏ qua. Chúng ta cần phải đảm bảo quản lý để không lãng phí, hoặc xâm phạm lợi ích công cộng.

“Bỏ thủ tục đăng ký đầu tư và giấy chứng nhận với mọi dự án trừ dự án sử dụng nguồn lực từ Nhà nước như đất đai tài nguyên hoặc có ảnh hưởng đáng kể tới nguồn lực hạn chế”, đại biểu Vũ Tiến Lộc mạnh dạn đề nghị.

Dự luật hiện quy định sau khi nhà đầu tư nước ngoài được cấp giấy chứng nhận đầu tư hoặc thông báo đầu tư thì thành lập tổ chức kinh tế. Có đại biểu cho rằng quy định  như vậy là ngược bởi nếu pháp nhân chưa được thành lập thì cấp giấy chứng nhận cho ai, ai lập dự án? Bởi dự án là của pháp nhân cho nên có đại biểu đề nghị quy định thành lập pháp nhân trước, lập dự án sau.

Đại biểu Nguyễn Thị Nguyệt Hường (Hà Nội) nhận xét, quy định về bảo đảm đầu tư trong trường hợp pháp luật thay đổi là yếu tố quan trọng để giữ vững niềm tin của nhà đầu tư. Dự luật đã quy định rõ vấn đề giữ nguyên ưu đãi hoặc  hưởng ưu đãi cao hơn và không hồi tố khi pháp luật thay đổi. “Nhưng đề nghị làm rõ trường hợp nào nhà đầu tư không được áp dụng hoặc giữ lại ưu đãi đã được cấp” – đại biểu Hường để nghị.

Quy định về việc nhà đầu tư phải có yêu cầu trong vòng 3 năm kể từ khi có sự thay đổi văn bản pháp luật về ưu đãi được đánh giá là tạo thêm giấy phép xin cho khi đây là quyền lợi DN đương nhiên được hưởng. Do đó, đại biểu Nguyễn Thị Nguyệt Hường đề nghị bãi bỏ quy định này.

Trong khi đó, đại biểu Trần Du Lịch nhấn mạnh, trọng tâm của luật này là phải đưa ra chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư, phải tách biệt hỗ trợ và ưu đãi.

Với yêu cầu quản lý đầu tư, luật phải làm rõ, phải quy định, phải quản lý được hai dòng vốn đầu tư từ nước ngoài vào Việt Nam và từ Việt Nam ra nước ngoài.

“Chúng ta quản lý theo dòng vốn chứ không phải quản lý ông chủ đồng vốn. Đầu tư nước ngoài vào Việt Nam về bản chất đó là nợ quốc gia, vì lợi tức phải chia sẻ là lớn hơn đồng tiền đi vào. Thực tế, nhiều doanh nghiệp FDI nhưng tiền không phải từ nước ngoài vào. Với đầu tư từ trong nước ra nước ngoài cũng quản theo dòng vốn chứ không phải quản ông chủ”, đại biểu Trần Du Lịch nói.

Hoàng Duy

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục