Chiều 4/10, Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội tổ chức buổi Toạ đàm trao đổi ý kiến chuyên gia về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (Luật PPP) và Luật Đấu thầu (gọi tắt là dự thảo Luật sửa 4 luật về đầu tư).
Đây là dự án Luật dự kiến sẽ được Chính phủ trình Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 8 khai mạc vào ngày 21/10 tới.
Nên "phạt cho tồn tại" các dự án chậm tiến độ nhưng không cần thiết phải thu hồi
Tham gia đóng góp cho Luật Đầu tư, ông Nguyễn Văn Đỉnh, chuyên gia pháp lý bất động sản nêu ý kiến, dự thảo Luật đề nghị bổ sung vào Luật Đầu tư quy định "sau 24 tháng kể từ thời điểm kết thúc tiến độ văn bản chấp thuận điều chỉnh chủ trương đầu tư thì thu hồi dự án".
Đối với nội dung này, ông Đỉnh có hai kiến nghị.
Thứ nhất, dự thảo Luật đề xuất ân hạn thêm 24 tháng mới thu hồi; nhưng trong 24 tháng ân hạn không làm được gì vì quyền kinh doanh phải theo tiến độ, chậm tiến độ thì bị ngăn trở các quyền kinh doanh.
Ví dụ khoản 5 Điều 11, Luật Kinh doanh bất động sản 2023 đặt ra yêu cầu đối với dự án bất động sản là “Dự án bất động sản phải được đầu tư xây dựng theo tiến độ, quy hoạch, thiết kế và trong thời hạn thực hiện dự án đầu tư được cơ quan nhà nước có thẩm quyền chấp thuận.”
Từ đó, chuyên gia đề nghị làm rõ quy định này, bởi vì mặc dù Luật Đầu tư cho phép ân hạn 24 tháng nhưng nếu trong thời gian đó nhà đầu tư không thể bán bất động sản, không thể chuyển nhượng dự án thì quy định này không có ý nghĩa.
Thứ hai, ông Đỉnh cho rằng cần bổ sung cơ chế ứng xử cho trường hợp dự án đã được điều chỉnh tiến độ thêm 24 tháng so với tiến độ lần đầu nhưng vẫn tiếp tục chậm tiến độ và không rơi vào các trường hợp có tính chất bất khả kháng; tức là lỗi của chủ đầu tư.
Toàn cảnh buổi toạ đàm |
Theo đó, trường hợp dự án chậm mà có mức độ, tỷ lệ hoàn thành công trình thấp thì áp dụng cơ chế chấm dứt hoạt động của dự án theo Điều 48; trường hợp dự án có mức độ, tỷ lệ hoàn thành cao thì cho phép áp dụng cơ chế phạt vi phạm nhưng không chấm dứt hoạt động của dự án đầu tư theo Điều 48 mà cho phép nhà đầu tư được tiếp tục gia hạn tiến độ để triển khai dự án đến khi hoàn thành (tuy nhiên phải chịu chế tài nào đó, đề xuất giao Chính phủ quy định chi tiết).
"Nghĩa là, không đánh đồng các dự án chậm tiến độ mà phải phân tách để có chế tài, ứng xử phù hợp. Bản chất nhà đầu tư có lỗi, nếu luật quy định chấm dứt thì nhà đầu tư phải chịu, nhưng về tổng thể phát triển chung không có lợi. Ví dụ dự án đại đô thị 100ha, nhà đầu tư đã làm được 90%, chỉ còn một số hạng mục phụ trợ, nếu áp dụng chế tài chấm dứt dự án sẽ không đảm bảo công bằng, nhân đạo, không phân tách được tính chất vi phạm giữa các nhà đầu tư", ông Đỉnh phân tích.
Tăng cường phân cấp, phân quyền trong điều chỉnh chủ trương đầu tư
Cũng quan tâm đến Luật Đầu tư, ông Nguyễn Tuấn Anh, Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, đại diện Tập đoàn KN Holdings cho rằng, khoản 5, Điều 41 Luật đầu tư 2020 hiện nay đang quy định “5. Cơ quan nhà nước có thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư thì có thẩm quyền chấp thuận điều chỉnh chủ trương đầu tư…”
Tuy nhiên, trên thực tiễn có những trường hợp điều chỉnh chủ trương đầu tư vì những lý do nhỏ, nhưng văn bản chấp thuận chủ trương đầu tư lại do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, gây khó khăn cho việc điều chỉnh các nội dung này.
Vì vậy, để thể hiện vai trò quản lý, giám sát toàn diện, tăng tính chủ động cho địa phương, ông Tuấn Anh kiến nghị đối với dự án đã được Thủ tướng chấp thuận chủ trương đầu tư thì khi điều chỉnh lại chủ trương đầu tư với các trường hợp có điều chỉnh nhỏ thì UBND cấp tỉnh chấp thuận điều chỉnh văn bản quyết định chủ trương đầu tư.
Các điều chỉnh nhỏ bao gồm: điều chỉnh tiến độ thực hiện trong trường hợp bất khả kháng (ví dụ dịch bệnh); điều chỉnh dự án đầu tư do cơ quan nhà nước thay đổi quy hoạch hoặc theo yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước hoặc do cơ quan nhà nước chậm thực hiện thủ tục hành chính; tăng tổng vốn đầu tư từ 20% trở lên không làm thay đổi quy mô dự án.
Ông Nguyễn Tuấn Anh phát biểu tại Toạ đàm |
Ngoài ra, cũng về thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư của UBND cấp tỉnh, Khoản 5 Điều 2 dự thảo Luật phân quyền đối với “Dự án đầu tư xây dựng mới: bến cảng, khu bến cảng có quy mô vốn đầu tư dưới 2.300 tỷ đồng thuộc cảng biển đặc biệt thì do UBND cấp tỉnh chấp thuận".
Tuy nhiên, theo đại diện Tập đoàn KN Holdings, các nội dung này chưa đầy đủ với các trường hợp dự án bến cảng, khu bến cảng có quy mô vốn đầu tư dưới 2.300 tỷ đồng thuộc cảng biển loại I; bến cảng, đối với các khu bến cảng thuộc Cảng biển loại II và loại III nhưng không phân biệt có thể quy mô đầu tư (nhiều trường hợp bến cảng thuộc Cảng biển loại II và loại III nhưng quy mô đầu tư có thể lớn hơn 2.300 tỷ đồng)
"Vì vậy, tôi đề xuất bổ sung thêm các trường hợp này vào thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư của UBND cấp tỉnh đối với các dự án mới nêu tại điểm e, khoản 5 Điều 2 Dự thảo Luật", ông Tuấn Anh nói.
Mở văn phòng tư vấn dự án, trung tâm ngoại ngữ... thì không cần phải phù hợp với quy hoạch đô thị
Ông Quách Ngọc Tuấn, Phó giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TPHCM dẫn chiếu, dự thảo Luật đã sửa đổi điểm a khoản 3 điều 33 của Luật Đầu tư để tháo gỡ cho các dự án không thuộc diện chấp nhận chủ trương đầu tư.
Ông Quách Ngọc Tuấn, Phó giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TPHCM |
Tuy nhiên đối với loại dự án này thì điểm C khoản 2, Điều 38 Luật Đầu tư cũng yêu cầu đánh giá sự phù hợp của dự án với quy hoạch đô thị, theo ông Tuấn là bất cập. Bởi vì quy hoạch đô thị chỉ thích hợp với dự án có hoạt động xây dựng; ngược lại, các dự án thương mại dịch vụ không có hoạt động xây dựng nếu cũng phải đánh giá sự phù hợp với quy hoạch này thì không cần thiết và kéo dài thời gian thực hiện thủ tục, thậm chí không thực hiện được.
"Mở một cửa hàng, văn phòng tư vấn dự án, tư vấn việc làm hay trung tâm ngoại ngữ, chúng ta thuê nhà dân để đặt văn phòng, nếu đánh giá sự phù hợp với quy hoạch đô thị thì chắc chắn không phù hợp và không thực hiện được", ông Tuấn nêu ví dụ và đề nghị loại bỏ yêu cầu đối với các dự án thương mại dịch vụ mà không có hoạt động xây dựng để tháo gỡ vướng mắc cho nhiều dự án.
Đảm bảo tính thống nhất với các luật khác liên quan
Chuyên gia của Liên đoàn Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI), ông Phạm Ngọc Thạch kiến nghị làm rõ quy định một số dự án không phải thực hiện phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường nhưng lại phải thực hiện thủ tục cấp giấy phép môi trường (Điều 36a theo dự thảo Luật); trong khi quy định tại Luật Bảo vệ Môi trường thì Báo cáo đánh giá tác động môi trường là căn cứ để cấp giấy phép môi trường trong trường hợp dự án thuộc trường hợp phải đánh giá tác động môi trường (Điều 36.1.₫; Điều 42.2.a).
Chuyên gia VCCI cũng đề nghị làm rõ, một số dự án được ân hạn 24 tháng trước khi bị thu hồi (bổ sung điểm này vào khoản 2 Điều 48 Luật Đầu tư), sau thời hạn 24 tháng này sẽ bị thu hồi; nhưng lại "vênh" với Luật Đất đai vì Luật Đất đai lại cho gia hạn tiếp 24 tháng.
Ông Phạm Ngọc Thạch |
Ngoài ra, một số ý kiến đề nghị khi xem xét tính chất phù hợp quy hoạch đô thị của dự án thì có tính đến cả sự phù hợp với quy hoạch đô thị nông thôn (hiện Luật Quy hoạch đô thị nông thôn cũng đang được trình Quốc hội) để đảm bảo tính thống nhất các loại quy hoạch.
Tại dự thảo Luật, Ban soạn thảo đề nghị lập Quỹ hỗ trợ đầu tư phát triển để thu hút đầu tư của tập đoàn đa quốc gia và hỗ trợ doanh nghiệp trong nước.
Đồng tình với đề xuất trên, song ông Nguyễn Nội, nguyên Phó Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), Ủy viên Ban Chấp hành Hiệp hội doanh nghiệp đầu tư nước ngoài kiến nghị sử dụng Quỹ này để hỗ trợ nhà đầu tư nước ngoài đang đầu tư ở Việt Nam sắp tới sẽ chịu ảnh hưởng bởi thuế tối thiểu toàn cầu...
Theo kế hoạch, dự án Luật sửa đổi 4 luật về đầu tư nói trên sẽ được Uỷ ban Kinh tế Quốc hội thẩm tra trước khi trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại phiên họp trong tháng 10/2024 và trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8 khoá XV sẽ khai mạc ngày 21/10 tới.