Khó nhất, được trông đợi nhất
Tuần qua, khi cho ý kiến chuẩn bị Kỳ họp thứ tư Quốc hội khóa XV (dự kiến khai mạc ngày 20/10/2022), Ủy ban Thường vụ Quốc hội đặc biệt quan tâm đến Dự án Luật Đất đai (sửa đổi).
“Trong công tác xây dựng pháp luật của kỳ họp tới, thì Luật Đất đai là một vấn đề khó nhất, phức tạp nhất, được trông đợi nhất và quan trọng nhất. Cho nên, cần khởi động thật sớm và huy động các thành phần tham gia, coi việc thông qua được Luật Đất đai có chất lượng là một trong những đóng góp quan trọng của Quốc hội đối với tiến trình phát triển của đất nước”, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục của Quốc hội, ông Nguyễn Đắc Vinh nêu ý kiến.
Sự quan tâm của Ủy ban Thường vụ Quốc hội còn hàm chứa cả sự sốt ruột. Bởi cùng được trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu, nhưng các dự thảo Luật Giá; Luật Đấu thầu; Luật Hợp tác xã; Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; Luật Phòng, chống rửa tiền; Luật Phòng thủ dân sự... đều đã được công bố lấy ý kiến nhân dân. Còn Luật Đất đai (sửa đổi), theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội (cơ quan chủ trì thẩm tra dự án luật) Vũ Hồng Thanh, thì “vẫn chưa nhìn thấy dự thảo”.
Không chỉ so với các dự thảo luật được trình Quốc hội trong kỳ họp tới, mà trong công tác lập pháp nói chung, thì sửa Luật Đất đai cũng là nhiệm vụ vô cùng khó, khi có đến 112 luật, bộ luật hiện hành có liên quan đến Luật Đất đai. Trong đó, 88 luật có quy phạm pháp luật về đất đai; 24 luật có ảnh hưởng đến quá trình quản lý, sử dụng đất; 22 luật có nội dung vướng mắc, chồng chéo với Luật Đất đai hiện hành.
“Chắc chắn, nội dung Luật Đất đai sẽ rất phức tạp, sẽ có rất nhiều ý kiến cần phải đưa ra hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách trước khi trình Quốc hội”, ông Thanh nói.
“Rất khó” là hai từ được Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhiều lần nhấn mạnh khi nói về sửa đổi Luật Đất đai. Chủ tịch Quốc hội cũng nêu rõ, mục tiêu của việc sửa đổi Luật Đất đai là nhằm quản lý, sử dụng đất đai hiệu quả hơn, tạo động lực thúc đẩy sự phát triển bền vững của đất nước, đồng thời hạn chế tình trạng khiếu kiện phức tạp liên quan tới đất đai (chiếm 70% tổng số vụ việc khiếu nại, tố cáo).
Quan trọng nhất là quyền của dân
Dù chưa biết cụ thể chính sách pháp luật về đất đai được sửa thế nào, song đại biểu Phạm Văn Hòa, Phó chủ tịch Hội Luật gia tỉnh Đồng Tháp cho rằng, cần phải sửa đổi toàn diện Luật Đất đai hiện hành. Bởi theo đại biểu, vừa qua, nhiều địa phương có cán bộ bị kỷ luật, thậm chí bị truy cứu trách nhiệm hình sự cũng có lý do từ bất cập của Luật Đất đai.
“Từ quy định thu hồi đất đến hạn mức, giao dịch mua bán... đều đang bộc lộ bất cập, nên cần gấp rút sửa đổi, chứ không thể kéo dài hơn được nữa”, ông Hòa nhấn mạnh.
Là đại biểu tái cử, nhiều năm làm người đại diện cho dân, ông Hòa cho biết, vấn đề ông quan tâm nhất là quyền của người dân trong Dự thảo sửa đổi Luật Đất đai lần này.
“Luật hiện hành quy định, đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý, nhưng người dân có quyền sử dụng, mua bán, trao đổi, cho tặng... Khi Nhà nước thu hồi, thì phải bồi thường cho dân theo giá thị trường, nhưng giá hiện nay làm sao gọi được là giá thị trường?”, ông Hòa nêu một bất cập mà theo ông là rất lớn.
Ngoài ra, từ thực tế tại địa phương, ông Hòa chỉ ra rằng, việc hỗ trợ sinh kế cho người dân sau khi bị thu hồi đất mỗi nơi mỗi khác (Luật giao quyền cho địa phương) cũng là bất cập cần phải quan tâm. “Hai tỉnh giáp ranh, chỉ cách nhau 1 mét mà nhận chế độ hỗ trợ khác nhau khiến người dân băn khoăn”, ông Hòa phản ánh.
Vấn đề nữa cũng được vị đại biểu đang sinh sống ở Đồng bằng sông Cửu Long đề cập, đó là Luật quy định hạn mức giao đất trồng cây hàng năm, đất nuôi trồng thủy sản, đất làm muối cho mỗi hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp không quá 3 ha cho mỗi loại đất đối với tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thuộc khu vực Đông Nam bộ và khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. “Như thế thì làm sao mà làm kinh tế nông nghiệp theo hướng hiện đại được, buộc người sử dụng phải thuê, mướn, trao đổi với nhau bất hợp pháp. Nên quy định về hạn mức là vấn đề cần hết sức quan tâm khi sửa Luật”, ông Hòa khuyến nghị.
Trong mênh mông các vấn đề về đất đai cần được sửa đổi, thì hoàn thiện quy định về đấu giá quyền sử dụng đất là yêu cầu rất bức thiết, sau những hệ lụy không nhỏ từ một số vụ lùm xùm, trong đó có đấu giá quyền sử dụng đất tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm (TP.HCM).
Nhưng, điều này lại không chỉ phụ thuộc vào chất lượng của việc sửa đổi Luật Đất đai.
Trong một báo cáo riêng về rà soát việc ban hành và thực hiện quy định của pháp luật về đấu giá quyền sử dụng đất, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đã chỉ ra không ít hạn chế, bất cập.
Đơn cử, Luật Đấu giá tài sản (năm 2016) chỉ quy định mang tính nguyên tắc về điều kiện đăng ký tham gia đấu giá: “Cá nhân, tổ chức đăng ký tham gia đấu giá thông qua việc nộp hồ sơ tham gia đấu giá hợp lệ và tiền đặt trước cho tổ chức đấu giá tài sản theo quy định của luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan. Trong trường hợp pháp luật có quy định về điều kiện khi tham gia đấu giá, thì người tham gia đấu giá phải đáp ứng điều kiện đó”.
Như vậy, ngoài các điều kiện theo quy định pháp luật về đấu giá, thì cá nhân, tổ chức tham gia đấu giá còn phải tuân thủ các điều kiện cụ thể về đấu giá quyền sử dụng đất do pháp luật về đất đai quy định.
Cụ thể, theo quy định tại Điều 58 và Điều 119, Luật Đất đai (năm 2013), tổ chức, cá nhân tham gia đấu giá quyền sử dụng đất phải thuộc đối tượng được Nhà nước giao đất, cho thuê đất. Đồng thời, phải bảo đảm các điều kiện để thực hiện dự án đầu tư đối với trường hợp được giao đất, cho thuê đất để thực hiện dự án đầu tư, bao gồm: có năng lực tài chính để bảo đảm việc sử dụng đất theo tiến độ của dự án đầu tư; ký quỹ theo quy định của pháp luật về đầu tư; không vi phạm quy định của pháp luật về đất đai đối với trường hợp đang sử dụng đất do Nhà nước giao đất, cho thuê đất để thực hiện dự án đầu tư khác.
“Các quy định hiện hành còn thiếu cụ thể, chưa đủ điều kiện để đánh giá đúng năng lực của nhà đầu tư trên cả phương diện năng lực tài chính và năng lực triển khai dự án”, cơ quan của Quốc hội nhận định.
Ngoài ra, Ủy ban Kinh tế còn nêu rõ, phương pháp định giá đất để xác định giá khởi điểm đấu giá quyền sử dụng đất còn bất cập, việc áp dụng phương pháp nào là do ý chí chủ quan của chủ thể định giá đất quyết định.
Bên cạnh đó, quy định về chế tài xử lý đối với người trúng đấu giá vi phạm nghĩa vụ nộp tiền trúng đấu giá chưa thống nhất giữa pháp luật về đất đai và pháp luật về quản lý thuế.
Bởi vậy, trong nhiều kiến nghị, Ủy ban Kinh tế cho rằng, cần nghiên cứu, rà soát, sửa đổi các quy định của pháp luật về đất đai liên quan đến đấu giá quyền sử dụng đất, trong đó cần đổi mới phương pháp xác định giá đất, bảo đảm phù hợp với giá đất phổ biến trên thị trường.
Đây cũng là vấn đề được rất nhiều đại biểu quan tâm, chờ đợi quy định mới tại Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) để góp ý, hoàn thiện.
Chính phủ chuẩn bị xem xét Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)
Ngày 5/7, Ban Soạn thảo, Tổ Biên tập Dự án Luật Đất đai (sửa đổi) đã họp phiên đầu tiên.
Tại cuộc họp, Trưởng ban Soạn thảo, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho biết, sẽ tiếp thu các góp ý, hoàn thiện Dự thảo Dự án Luật Đất đai (sửa đổi), sớm trình các cơ quan có thẩm quyền và công bố lấy ý kiến rộng rãi của nhân dân để tiếp tục hoàn thiện.
Sau đó, trong phiên họp thứ 13 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn thông tin, ngày 20/7/2022, Chính phủ sẽ họp phiên chuyên đề về xây dựng pháp luật, sẽ cho ý kiến về Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).
Dự kiến, tại phiên họp tháng 9/2022, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), trước khi xin ý kiến đại biểu Quốc hội chuyên trách.