Sửa Luật Đất đai: Nhiều nội dung vẫn là “dự kiến bước đầu"

Thời gian dự kiến Quốc hội bấm nút thông qua Luật Đất đai (sửa đổi) chỉ còn chưa đến 60 ngày, nhưng còn nhiều nội dung vẫn “mới chỉ là dự kiến bước đầu”.
Phiên thảo luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi. Ảnh: Cổng Thông tin điện tử Quốc hội. Phiên thảo luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi. Ảnh: Cổng Thông tin điện tử Quốc hội.

Tiếp tục là một thách thức lớn

Theo chương trình dự kiến của Kỳ họp thứ sáu, trước phiên bế mạc vào chiều 29/11/2023, Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua Luật Đất đai (sửa đổi). Trước đó, ngay cuối tuần làm việc đầu tiên của Kỳ họp, Quốc hội dành cả ngày 28/10 để thảo luận tại hội trường về một số nội dung còn có ý kiến của dự thảo luật đặc biệt quan trọng này.

Như thế, một phiên bản mới của Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi (Dự thảo) trình Quốc hội lần thứ 3 có thời gian hoàn thiện sẽ chỉ được tính bằng ngày (dự thảo, dự án luật phải gửi tới đại biểu Quốc hội trước khi khai mạc kỳ họp 20 ngày).

Trong khi đó, báo cáo tại phiên họp thứ 26 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cuối tuần qua, ông Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội (cơ quan thẩm tra Dự án Luật Đất đai sửa đổi) cho biết, còn 13 vấn đề lớn hoặc là vẫn để 2 phương án, hoặc chưa chốt được phương án chắc chắn, cần tiếp tục xin ý kiến.

Trong 13 vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau vẫn bao gồm cả quy định về giá đất và thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng, đều là những vấn đề được cho là cốt lõi của lần sửa đổi này.

Trong Chương XI về giá đất, quy định về tiền thuê đất trả tiền thuê đất hằng năm là vấn đề được các nhà đầu tư đặc biệt quan tâm.

Dự thảo trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ năm quy định, tiền thuê đất hằng năm được ổn định cho chu kỳ 5 năm tính từ thời điểm Nhà nước quyết định cho thuê đất. Tiền thuê đất cho chu kỳ tiếp theo được tính căn cứ bảng giá đất năm đầu tiên của chu kỳ tiếp theo; trường hợp tiền thuê đất tăng so với chu kỳ trước, thì tiền thuê đất phải nộp được điều chỉnh tăng không quá 15% so với chu kỳ trước đó.

Tuy nhiên, có nhiều ý kiến đề nghị làm rõ cơ sở quy định mức tỷ lệ 15%. Quá trình rà soát đề xuất phương án tính toán theo tổng Chỉ số Giá tiêu dùng (CPI) của 5 năm trước đó, tuy nhiên, CPI cũng là chỉ số biến thiên, do đó, tính dự báo chưa cao.

Vì vậy, ông Vũ Hồng Thanh cho biết, Dự thảo thiết kế 2 phương án.

Phương án 1: giữ quy định như Dự thảo trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ năm, quy định tiền thuê đất phải nộp được điều chỉnh tăng không quá 15% so với chu kỳ trước đó.

Phương án 2: giao Chính phủ quy định mức trần tỷ lệ điều chỉnh tăng tiền thuê đất cho chu kỳ tiếp theo phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội trong từng thời kỳ để bảo đảm tính linh hoạt trong quá trình Chính phủ điều hành nền kinh tế.

Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đề nghị tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện theo hướng giao Chính phủ quy định chi tiết, nhưng không quá mức trần tỷ lệ điều chỉnh tăng quy định tại Luật (tổng CPI của giai đoạn trước đó).

Về các phương pháp định giá đất, Dự thảo quy định cụ thể nội hàm của từng phương pháp định giá đất và trường hợp áp dụng từng phương pháp cụ thể. Tuy nhiên, về nội hàm và trường hợp áp dụng từng phương pháp cụ thể cũng còn ý kiến khác nhau (có phương án được thiết kế trên cơ sở báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường, phương án khác được thiết kế theo ý kiến chuyên gia).

“Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, đây là nội dung quan trọng, vì vậy, cần có đề xuất chính thức của Chính phủ”, ông Vũ Hồng Thanh nêu quan điểm.

Tương tự, nhiều nội dung khác như dự án sử dụng quỹ đất do Nhà nước tạo lập, về Quy hoạch Sử dụng đất quốc gia…, Dự thảo cũng vẫn để 2 phương án.

Cho rằng, cơ quan soạn thảo có trách nhiệm rất lớn, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà nói: “Đến giờ phút này, không thể để 2 phương án, đưa ra 2 phương án có nghĩa bản thân mình chưa rõ, mình mới để với 2 phương án”.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội nêu rõ: “Với tính chất quan trọng và phức tạp, quá trình tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo tiếp tục nhận được nhiều ý kiến khác nhau. Các nội dung tại Dự thảo mới chỉ là dự kiến bước đầu, cần tiếp tục được rà soát kỹ lưỡng, cẩn trọng. Theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, hồ sơ Dự thảo phải được gửi xin ý kiến Đoàn đại biểu Quốc hội trước khi trình Quốc hội tại kỳ họp. Với yêu cầu như vậy và trong điều kiện thời gian từ nay đến kỳ họp không còn nhiều, công tác hoàn thiện Dự thảo bảo đảm chất lượng tiếp tục là một thách thức lớn đối với các cơ quan của Quốc hội và Chính phủ”.

Vẫn chưa có tiêu chí thu hồi đất để phân cấp

Trong khoảng thời gian 1 giờ 30 phút dành cho việc nghe báo cáo và thảo luận, các ý kiến tại Ủy ban Thường vụ Quốc hội vẫn chưa hết băn khoăn về quy định thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia công cộng tại Điều 79.

Ông Vũ Hồng Thanh cho hay, Điều 79 của Dự thảo trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ năm quy định 3 nhóm trường hợp thu hồi đất, gồm: xây dựng công trình công cộng; xây dựng trụ sở cơ quan nhà nước, công trình sự nghiệp; xây dựng dự án, công trình khác.

Tuy nhiên, qua rà soát cho thấy, một số dự án, công trình được phân loại vào từng nhóm chưa tương thích với tính chất của nhóm, dẫn đến nhiều cách hiểu khác nhau. Vì vậy, Dự thảo đã được chỉnh lý theo hướng không phân nhóm các dự án, công trình, mà quy định trực tiếp các trường hợp thu hồi đất để thực hiện các dự án, công trình cụ thể.

Song, một số ý kiến tại Ủy ban Kinh tế cho rằng, việc quy định theo hướng liệt kê không dự liệu được những trường hợp thu hồi đất khác để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng.

Đối với dự án nhà ở thương mại, dự án hỗn hợp nhà ở và kinh doanh thương mại, dịch vụ, ông Thanh cho biết, Dự thảo quy định các dự án thuộc trường hợp thu hồi phải là các dự án trọng điểm do HĐND cấp tỉnh quyết định phù hợp với điều kiện của địa phương trên nguyên tắc khả năng huy động nguồn vốn thực hiện dự án và quỹ đất hiện có.

Trên cơ sở đó, HĐND cấp tỉnh quy định về tiêu chí xác định dự án trọng điểm (ví dụ: theo quy mô diện tích, tác động về mặt dân cư, loại đất chuyển mục đích sử dụng đất, mức độ tác động về mặt quốc phòng, an ninh, lịch sử, văn hóa tại khu vực triển khai dự án, mức độ đóng góp về mặt phát triển kinh tế - xã hội, vì lợi ích cộng đồng tại địa phương...).

“Việc giao HĐND cấp tỉnh quyết định dự án trọng điểm là nội dung mới, cần tiếp tục xin ý kiến các cơ quan, địa phương để nghiên cứu, quy định cho phù hợp”, ông Thanh nêu quan điểm.

Đề cập nội dung này, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà nói, hiện vẫn chưa xây dựng được các tiêu chí để từ đó có cơ sở phân cấp hết cho địa phương trong thu hồi đất. Như vậy, buộc phải áp dụng phương án đưa ra danh sách cụ thể, nhưng nếu liệt kê mà thiếu thì “cũng rất gay”.

Khẳng định phương án tối ưu nhất là liệt kê, song Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh cũng cho rằng, cần phải có 1 điều “quét dự phòng” trường hợp phát sinh, đó là những dự án nằm trong các quy hoạch quốc gia, quy hoạch ngành, quy hoạch tỉnh đảm bảo các điều kiện do Chính phủ hoặc Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định.

“Điều quét đó quy định các dự án phù hợp quy hoạch thì là quy hoạch nào, chứ không phải mọi quy hoạch”, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ lưu ý.

Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, vừa sửa quy hoạch rồi lại vừa đi thu hồi đất thì không được. “Ít nhất, về điều kiện, phải như làm quy hoạch về bổ nhiệm cán bộ bây giờ, không cho phép vừa quy hoạch, vừa bổ nhiệm để tránh những tiêu cực. Phải có van khóa để khóa lại và giao cho cấp nào đấy khi phát sinh thì xử lý được”, Chủ tịch Quốc hội yêu cầu.

Vẫn còn thời gian, chưa nên “đóng” ngay

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ

Với các trường hợp vẫn còn 2 phương án, chúng ta vẫn còn thời gian, cũng chưa nên đóng vào ngay, vì kinh nghiệm xây dựng pháp luật đã có những thứ đến phút cuối chín muồi rồi Quốc hội mới quyết. Nhưng quan trọng, từng phương án phải nói rõ ưu điểm, nhược điểm là gì, cơ sở chính trị, căn cứ pháp lý thế nào, cơ sở thực tiễn và tác động ra sao cho khách quan, đầy đủ.

Tôi để ý, có những trường hợp đưa ra xin ý kiến của đại biểu, phương án 1 vẫn tôn trọng phương án của các cơ quan trình, phương án 2 là phương án Thường vụ Quốc hội đưa ra. Nhưng ra Quốc hội, đại biểu vẫn chọn phương án 2, chứ không phải cứ đặt trên đầu là người ta chọn. Cho nên, quan trọng là phải thuyết minh được sự khách quan, vô tư, công khai, minh bạch, như vậy thì gần 500 đại biểu Quốc hội đủ trí tuệ để lựa chọn và quyết định.

Nguyễn Lê
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục