Sửa Luật Chứng khoán, cần định danh Quỹ bảo vệ nhà đầu tư

(ĐTCK) “Để bảo vệ nhà đầu tư, nhất là nhà đầu tư nhỏ lẻ, trong lần sửa Luật Chứng khoán này, Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cần bổ sung nội dung về thành lập Quỹ bảo vệ nhà đầu tư…”, Luật sư Phùng Anh Tuấn, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI) trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán. 
Sửa Luật Chứng khoán, cần định danh Quỹ bảo vệ nhà đầu tư

Vì sao nên lập Quỹ bảo vệ nhà đầu tư, theo ông?

Xuất phát từ quan điểm sự an toàn của nhà đầu tư là yếu tố quan trọng để phát triển thị trường chứng khoán. Mặt khác, trong những mục tiêu sửa Luật Chứng khoán được đặt ra lần này, chưa có nội dung nào cụ thể quy định về việc bảo vệ nhà đầu tư.

Trên thế giới cũng như tại Việt Nam, có một thực tế là các công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ hay tổ chức tư vấn tài chính có thể lâm vào tình trạng giải thể, phá sản dẫn đến làm mất vốn, tài sản của khách hàng. Điều này đã xảy ra tại một số công ty chứng khoán ở Việt Nam trong những năm gần đây. Trong khi đó, Nhà nước không có nguồn công quỹ để trợ giúp các nhà đầu tư này, nên khi rủi ro xảy ra với công ty chứng khoán, nhà đầu tư không có chỗ nào để bám víu.  

 Luật sư Phùng Anh Tuấn

Do đó, việc hình thành cơ chế pháp lý cho sự ra đời của quỹ bảo vệ nhà đầu tư cần được bổ sung vào các mục tiêu sửa Luật Chứng khoán lần này nhằm giúp cho việc tham gia thị trường của nhà đầu tư trở nên an toàn hơn; đồng thời, giúp gia tăng độ an toàn, tính chuyên nghiệp của thị trường chứng khoán, thị trường vốn nói chung.

Là người nghiên cứu nhiều về mô hình tổ chức và hoạt động của quỹ bảo vệ nhà đầu tư tại nhiều thị trường trên thế giới, ông có thể nêu ví dụ về việc hình thành và vận hành của loại hình quỹ này?

Tại Hoa Kỳ, Công ty Bảo vệ nhà đầu tư chứng khoán (SIPC) là tổ chức phi lợi nhuận, được thành lập theo Luật Bảo vệ nhà đầu tư năm 1970 của nước này. Thành viên của SIPC bao gồm các nhà môi giới, kinh doanh chứng khoán và một số tổ chức trung gian khác.

Ban giám đốc của SIPC gồm 7 thành viên, trong đó, một thành viên từ Bộ Tài chính Hoa Kỳ, một từ Cục Dự trữ liên bang Mỹ và năm thành viên còn lại do Tổng thống bổ nhiệm theo đề cử của Thượng viện. Chủ tịch của SIPC là một học giả có uy tín, không liên quan đến các công ty môi giới và kinh doanh chứng khoán. Nguồn tài chính của SIPC chủ yếu do các thành viên đóng góp.

SIPC còn được hỗ trợ tài chính thông qua các khoản vay từ Ủy ban Chứng khoán Hoa Kỳ hoặc phát hành các công cụ nợ... Nhiệm vụ chính của SIPC là hoàn trả chứng khoán, tiền hoặc các loại chứng khoán khác cho nhà đầu tư trong trường hợp công ty môi giới và kinh doanh chứng khoán bị phá sản, gặp khó khăn về tài chính, tài sản của nhà đầu tư bị mất.

Còn tại thị trường Đài Loan, Trung tâm Bảo vệ nhà đầu tư chứng khoán (SFIPC) được thành lập và hoạt động theo Luật Bảo vệ nhà đầu tư năm 2002 bởi các sáng lập viên được Ủy ban Chứng khoán chỉ định gồm: CTCP Sàn giao dịch chứng khoán Đài Loan, CTCP Sàn giao dịch sản phẩm tương lai Đài Loan, thị trường giao dịch chứng khoán chưa niêm yết và trái phiếu (GreTai), Công ty Lưu ký chứng khoán Đài Loan, Hiệp hội Chứng khoán Trung Hoa, Hiệp hội Ủy thác và tư vấn đầu tư chứng khoán Đài Loan, Hiệp hội các sản phẩm tương lai, tất cả các công ty tài chính chứng khoán và một số tổ chức khác.

SFIPC hoạt động từ nguồn quỹ đóng góp bởi các thành viên là các công ty chứng khoán, các công ty giao dịch sản phẩm tương lai, thị trường giao dịch chứng khoán và thị trường giao dịch các sản phẩm tương lai.

Từ nguồn quỹ này, SFIPC có nhiệm vụ: Đại diện nhà đầu tư tham gia tranh tụng với công ty chứng khoán, sở giao dịch chứng khoán, trung tâm thanh toán bù trừ; chất vấn tình hình hoạt động tài chính của các tổ chức phát hành, các công ty chứng khoán, các công ty dịch vụ chứng khoán và các công ty kinh doanh sản phẩm tương lai...

Với vai trò là một tổ chức đại diện và bảo vệ quyền lợi nhà đầu tư, SFIPC được trao các đặc quyền như yêu cầu trợ giúp và cung cấp tài liệu cần thiết; quyền kiến nghị Ủy ban Chứng khoán Đài Loan xử lý các vi phạm nghĩa vụ hỗ trợ, cung cấp hồ sơ và tài liệu cần thiết; quyền làm cơ quan hòa giải tranh chấp trên cơ sở yêu cầu của nhà đầu tư chứng khoán; quyền khởi kiện, tố tụng nhân danh nhà đầu tư khi được ủy quyền từ tối thiểu 20 nhà đầu tư có quyền lợi bị xâm phạm và quyền sử dụng Quỹ bảo vệ nhà đầu tư để chi trả thiệt hại khi các công ty chứng khoán gặp khó khăn về tài chính.

Tại Hong Kong, Công ty Đền bù cho nhà đầu tư (ICC) được lập ra để quản lý Quỹ Bồi thường nhà đầu tư (ICF), trực thuộc Ủy ban Chứng khoán và sản phẩm đầu tư tương lai (SFC). Quỹ ICF là quỹ bồi thường được thành lập theo Luật Chứng khoán và thị trường tương lai năm 2003.

Quỹ có nhiệm vụ bù đắp các thiệt hại về tài chính cho nhà đầu tư do các tổ chức kinh doanh chứng khoán bị phá sản hay vỡ nợ. Quỹ ICF có nguồn tài chính từ phí bồi thường cho nhà đầu tư từ các nhà đầu tư đóng góp với mức 0,002% giá trị giao dịch và từ 0,1 đến 0,5 đô-la Hong Kong đối với hợp đồng tương lai, từ lợi nhuận kinh doanh và lãi tiền gửi của Quỹ…

ICC thay mặt SFC có nhiệm vụ tiếp nhận, đánh giá và đưa ra quyết định về yêu cầu các công ty môi giới trung gian, công ty kinh doanh trung gian, các định chế tài chính bồi thường.

Để thực hiện các nhiệm vụ này, ICC có chức năng quản trị Quỹ ICF, liên lạc với các nhà đầu tư, xem xét chấp thuận yêu cầu bồi thường, xác định mức bồi thường, thu thập thông tin và báo cáo liên quan, ra quyết định bồi thường, lịch thanh toán và thực hiện việc bồi thường.

Những kinh nghiệm trên nên tiếp thu theo hướng nào để bổ sung vào dự thảo Luật Chứng khoán sửa đổi, nhằm mở đường cho lập Quỹ bảo vệ nhà đầu tư tại Việt Nam?

Chúng ta có thể rút ra một số nguyên tắc chung trong việc bảo vệ các nhà đầu tư từ kinh nghiệm của các nước.

Ba cơ chế bảo vệ nhà đầu tư nêu trên đều xây dựng trên nền móng của các yếu tố: Có quy định pháp luật cụ thể trong việc lập và điều hành Quỹ đền bù bảo vệ nhà đầu tư; có một cơ quan thường trực đóng vai trò quản trị và điều hành quỹ với các thành viên được các bên có quyền lợi liên quan chỉ định.

Quỹ bồi thường có nguồn gốc từ đóng góp của các thành viên tham gia thị trường, công ty kinh doanh chứng khoán. Nhà nước chỉ tham gia hỗ trợ tài chính và trợ giúp khi cần thiết.

Có một cơ chế khởi kiện và tranh tụng tập thể, qua đó một tổ chức có thể được ủy nhiệm từ trước bởi các thành viên của mình để chủ động đi kiện, tiến hành các biện pháp tố tụng khi có đủ điều kiện cần thiết...

Từ những bài học kinh nghiệm trên, có thể nhận thấy sự cấp thiết trong việc Việt Nam cần ban hành các quy định pháp luật để bảo vệ nhà đầu tư; trao quyền và tạo điều kiện cho các tổ chức, hiệp hội để bảo vệ quyền lợi của các nhà đầu tư. Cần thành lập quỹ bảo vệ nhà đầu tư. Sau cùng, cần có cơ chế để các định chế bảo vệ nhà đầu tư có quyền đại diện khởi kiện thay mặt cho các nhà đầu tư.

Tất cả các nhiệm vụ trên có thể được xúc tiến và thực hiện bởi một Ban đề án do Chính phủ và/hoặc một hiệp hội đại diện cho các nhà đầu tư và các bên tham gia thị trường. VAFI với nhiệm vụ và mục tiêu thành lập là một tổ chức hướng dẫn và bảo vệ các nhà đầu tư, chủ yếu là nhà đầu tư nhỏ, cá nhân, có thể là một ứng viên cho nhiệm vụ này.

Thị trường chứng khoán nhiều nước phát triển trên thế giới đã ra đời và hoạt động hàng trăm năm, khuôn khổ pháp lý đã hoàn thiện rất nhiều so với nước ta, hệ thống công ty chứng khoán của họ có tiềm lực tài chính mạnh, nhưng vẫn cần sự tồn tại của công ty bảo vệ quyền lợi cho nhà đầu tư.

Theo chúng tôi, Việt Nam cần thành lập công ty bảo vệ nhà đầu tư thông qua việc Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cần bổ sung cơ chế này trong lần sửa đổi Luật Chứng khoán này, đáp ứng mong đợi suốt nhiều năm qua của công chúng đầu tư, nhất là nhà đầu tư cá nhân, nhỏ lẻ.

Cổ đông nhỏ cần hợp sức để bảo vệ mình

Ông Phan Lê Thành Long, Giám đốc Viện Kế toán Quản trị Công chứng Úc tại Việt Nam 

Có một thực tế là cổ đông nhỏ chẳng có quyền gì ngoài quyền mua và bán cổ phiếu. Hoạt động chất vấn tại Đại hội đồng cổ đông nhạt nhòa, vì vừa hạn chế về kiến thức, nhất là về kế toán, kiểm toán để hiểu về hoạt động của doanh nghiệp, vừa nói chẳng ai nghe… Bởi vậy, để bảo vệ quyền và lợi ích của mình, nhà đầu tư nhỏ cần tập hợp nhau lại để có sức mạnh quyết biểu, thực hiện các quyền tại doanh nghiệp.

Để nhà đầu tư nhỏ hợp sức với nhau thành công, cần phát huy rõ nét vai trò bảo vệ nhà đầu tư nhỏ lẻ của các hội nghề nghiệp, chẳng hạn như VAFI.

Thông qua các tổ chức này, nhà đầu tư nhỏ lẻ ngoài có cơ hội gia tăng sức mạnh thông qua cơ chế bầu dồn phiếu, khi phát sinh tranh chấp, với tư cách là tổ chức, tiếng nói của các hiệp hội sẽ có sức nặng hơn so với nhà đầu tư cá nhân nêu ý kiến riêng lẻ, rời rạc. Hơn nữa, hội nghề nghiệp sẽ có những chuyên gia am hiểu nhiều lĩnh vực, nên sẽ biết cách bảo vệ nhà đầu tư nhỏ lẻ tốt hơn… 

Thiếu chế tài bảo vệ nhà đầu tư nhỏ

Nhà đầu tư  Trần Tiến Dũng

Là người góp vốn vào doanh nghiệp, dù ít, nhưng nhà đầu tư cá nhân nhỏ lẻ xét về bản chất là chủ của doanh nghiệp. Tuy nhiên, trên thực tế, họ chỉ là chủ hình thức, chẳng có thực quyền gì. Khi phát sinh tranh chấp với những người điều hành doanh nghiệp, cổ đông lớn, họ chẳng biết bấu víu vào đâu để được bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp.

Nhà đầu tư nhỏ lẻ đang cảm thấy đơn độc trong bảo vệ mình. Mặt khác, các sai phạm trên thị trường chứng khoán đang ngày một diễn ra tinh vi, đe dọa làm tổn hại đến lợi ích của nhà đầu tư cá nhân nhỏ lẻ, trong khi hệ thống chế tài bảo vệ họ vừa thiếu, vừa chẳng mấy phát huy hiệu quả trên thực tế.

Bởi vậy, khi sửa Luật Chứng khoán lần này, tôi đề nghị Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cần bổ sung hệ thống giải pháp để đảm bảo tính khả thi trong bảo vệ nhà đầu tư cá nhân nhỏ lẻ vốn là nhóm nhà đầu tư yếu thế hiện tại. Có như vậy mới tăng niềm tin của họ vào thị trường, từ đó thúc đẩy người dân bỏ tiền vào sản xuất - kinh doanh thông qua đầu tư vào doanh nghiệp.

Nguyễn Hữu thực hiện.

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục

VNIndex 1,174.85 -18.16 -1.55% 237,024 tỷ
HNX 220.8 -5.4 -2.45% 2,598 tỷ
UPCOM 87.16 -0.99 -1.14% 740 tỷ