Sửa Luật Bảo hiểm xã hội: Còn nhiều vấn đề về tiền lương cần làm rõ

0:00 / 0:00
0:00
Tác động của việc thực hiện cải cách chính sách tiền lương đến quy định trong dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) là một trong những vấn đề cần xin ý kiến đại biểu Quốc hội.
Ủy ban Xã hội của Quốc hội báo cáo một số vấn đề lớn trong tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), được thảo luận tại Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách đang diễn ra tại Hà Nội. Ủy ban Xã hội của Quốc hội báo cáo một số vấn đề lớn trong tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), được thảo luận tại Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách đang diễn ra tại Hà Nội.

Cải cách tiền lương là vấn đề lớn và khó, tác động đến nhiều đối tượng, ảnh hưởng trực tiếp đến việc giải quyết các chế độ cụ thể của bảo hiểm xã hội và các quy định có tính chất căn bản của bảo hiểm xã hội.

Nội dung trên được Ủy ban Xã hội của Quốc hội nhấn mạnh tại báo cáo một số vấn đề lớn trong tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), được thảo luận tại Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách đang diễn ra tại Hà Nội.

Bãi bỏ “mức lương cơ sở” sẽ phát sinh một số vấn đề

Tác động của việc thực hiện cải cách chính sách tiền lương đến quy định trong dự thảo Luật là một trong những nội dung lớn của báo cáo trên.

Theo Ủy ban Xã hội, khi Chính phủ trình Quốc hội dự án Luật đã chưa tính đến thời điểm thực hiện cải cách chính sách tiền lương, nên chưa dự liệu hết được tác động của việc thay đổi này đến các quy định có liên quan trong dự thảo Luật (Điều 76 và khoản 1 Điều 77; khoản 3 Điều 47, khoản 4 Điều 60, khoản 3 Điều 63, khoản 3 Điều 89 và khoản 1 Điều 90).

Cơ quan của Quốc hội nêu rõ, theo tinh thần Nghị quyết số 27-NQ/TW khi thực hiện cải cách chính sách tiền lương sẽ “bãi bỏ mức lương cơ sở và hệ số lương hiện nay, xây dựng chế độ tiền lương mới, theo đó mức lương cơ bản bằng số tiền cụ thể trong bảng lương mới”. Như vậy, từ ngày 01/7/2024 khi thực hiện cải cách chính sách tiền lương sẽ phát sinh một số vấn đề liên quan đến dự thảo Luật.

Thứ nhất, do bãi bỏ “mức lương cơ sở” nên không còn căn cứ thực hiện được việc điều chỉnh tiền lương đã đóng bảo hiểm xã hội để tính lương hưu; không còn căn cứ để tính hưởng một số chế độ bảo hiểm xã hội (một số khoản trợ cấp bảo hiểm xã hội dựa trên “mức lương cơ sở” ) và một số chế độ quy định ở các luật khác trong các lĩnh vực như khen thưởng; bảo hiểm y tế; chế độ đối với người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố; huy động dân quân tự vệ; lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự cơ sở...;

Hai là, tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội của nhóm đối tượng thực hiện tiền lương do Nhà nước quy định sẽ tăng lên so với hiện hành dẫn đến tiền đóng bảo hiểm xã hội cũng tăng lên đáng kể, điều này sẽ làm tăng phần chi ngân sách nhà nước đóng cho những đối tượng này.

Ba là phát sinh chênh lệch khá lớn về lương hưu giữa người nghỉ hưu trước và sau ngày 1/7/2024 nếu không thực hiện điều chỉnh cho đối tượng nghỉ hưu trước thời điểm này khi thực hiện cải cách chính sách tiền lương .

Còn nhiều vấn đề cần phải làm rõ

Qua thảo luận, Thường trực Ủy ban Xã hội thấy còn nhiều vấn đề Chính phủ cần phải làm rõ.

Cụ thể là cần làm rõ căn cứ để tính quy đổi thành mức tiền tuyệt đối khi chuyển xếp lương mới (bỏ “mức lương cơ sở” và hệ số), mức sàn an sinh xã hội tối thiểu và căn cứ tính?

Vấn đề cần làm rõ tiếp theo là căn cứ để tính và điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hằng tháng, trợ cấp ưu đãi người có công và một số chính sách an sinh xã hội đang gắn với mức lương cơ sở khi thực hiện chính sách cải cách tiền lương; kinh phí từ ngân sách Nhà nước phát sinh khi điều chỉnh trợ cấp người có công với cách mạng, trợ cấp bảo trợ xã hội, chuẩn nghèo theo chính sách cải cách tiền lương;

Ba là cơ cấu tiền lương làm căn cứ để đóng bảo hiểm xã hội đối với các đối tượng thực hiện tiền lương do Nhà nước quy định có bao gồm các khoản phụ cấp và nếu có thì là các loại phụ cấp nào?

Bốn là, trường hợp thực hiện điều chỉnh tăng thêm nhằm xử lý chênh lệch lương hưu cho cả người thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định đã nghỉ hưu trước 1/7/2024 và người thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định nghỉ hưu trước năm 1995, người nghỉ hưu có mức lương hưu thấp sẽ phát sinh chi từ quỹ bảo hiểm xã hội ở mức nào và mức độ ảnh hưởng đến khả năng cân đối quỹ hưu trí, tử tuất (cả trong ngắn hạn và dài hạn);

Năm là, những vấn đề phát sinh cụ thể về lương hưu, các chế độ trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng đối với lượng vũ trang (công an, quân đội) do nhóm đối tượng này có những đặc thù khác với khu vực dân sự (hệ số lương 1,8; tuổi nghỉ hưu thấp hơn...) và biện pháp xử lý;

Sáu là, việc xử lý phát sinh chênh lệch lớn về lương hưu giữa các đối tượng liên quan trực tiếp đến điều chỉnh, tác động tới các đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định có toàn bộ thời gian đóng bảo hiểm xã hội theo chế độ tiền lương này (theo Luật hiện hành thì tính theo bình quân tiền lương của 5, 6, 8, 10, 15 và 20 năm cuối trước khi nghỉ hưu) cho giai đoạn trước 1/7/2024;

Vân đề thứ bảy là cần rà soát đầy đủ và báo cáo, đề xuất phương án sửa đổi, bổ sung, bao gồm cả việc quy định việc thay thế “mức lương cơ sở” hiện hữu trong nhiều văn bản luật, nghị định, thông tư có liên quan (trong đó có các chế độ trợ cấp được tính theo “mức lương cơ sở”).

Báo cáo nêu rõ, đa số ý kiến trong Thường trực Ủy ban Xã hội tán thành với sự cần thiết phải sửa đổi những quy định về cách tính mức bình quân tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội để tính lương hưu, trợ cấp một lần, việc điều chỉnh tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội và các quy định liên quan đến “mức lương cơ sở” trong dự thảo Luật và đề nghị Chính phủ đề xuất phương án sửa đổi cụ thể trên cơ sở giải quyết thấu đáo những vấn đề đặt ra đã được nêu ở trên và báo cáo các cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

Sốt ruột chờ hồi âm

Tại báo cáo, Thường trực Ủy ban Xã hội cho hay đã nhiều lần đề nghị các bộ, ngành liên quan và có văn bản gửi Chính phủ (từ cuối tháng 1/2024) nhưng đến nay vẫn chưa nhận được văn bản chính thức từ phía Chính phủ.

Bên cạnh đó, một số vấn đề đã được báo cáo thẩm tra của Ủy ban Xã hội nêu ra nhưng chưa được giải trình thấu đáo (việc mở rộng đối tượng thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc; giải pháp để thu hẹp khoảng cách về giới trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội như tỷ lệ tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, tỷ lệ hưởng lương hưu…; giải trình việc thay đổi năm tối thiểu để hưởng lương hưu ở cả khía cạnh nguyên tắc đóng - hưởng, chia sẻ của bảo hiểm xã hội, khía cạnh kinh tế hay việc thay đổi quan điểm về mức sàn an sinh xã hội tối thiểu khi sửa đổi Luật lần này…).

Trong khi Chính phủ chưa có văn bản chính thức về vấn đề này và chưa xin ý kiến các cấp có thẩm quyền, trước mắt, Thường trực Ủy ban Xã hội dự kiến các quy định có liên quan đến “mức lương cơ sở” được quy định theo hướng mức hưởng không thấp hơn mức hiện hưởng gần nhất trước khi Luật này có hiệu lực và việc điều chỉnh theo quy định của Chính phủ. Đồng thời, bổ sung vào khoản 12 Điều 142 về quy định chuyển tiếp nội dung Chính phủ quy định về mức tiền trợ cấp không thấp hơn mức hiện hưởng gần nhất trước khi Luật này có hiệu lực và việc điều chỉnh.

Nguyễn Lê
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục