Thay vì việc sửa đổi đúng một từ của Nghị định 20 năm 2017 quy định về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết do bị doanh nghiệp phản ứng, Bộ Tài chính đã quyết định sửa đổi toàn diện nghị định này.
Nâng khống chế trần lãi vay từ 20% lên 30%
Theo Nghị định 20 năm 2017, cách xác định chi phí để tính thuế trong một số trường hợp cụ thể đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết đặc thù thì tổng chi phí lãi vay phát sinh trong kỳ của người nộp thuế được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp không vượt quá 20% của tổng lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh cộng với chi phí lãi vay, chi phí khấu hao trong kỳ của người nộp thuế (EBITDA).
Đây chính là “nguồn cơn” khiến rất nhiều doanh nghiệp có giao dịch liên kết phản ứng vì cho rằng không phù hợp với thực tế khiến doanh nghiệp bị tính thuế chồng lên thuế. Vì vậy, doanh nghiệp chỉ mong muốn Bộ Tài chính nâng mức khống chế trần lãi vay từ 20% lên 30% (mức cao nhất theo khuyến cáo của Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế - OECD) và cũng phù hợp với với Việt Nam trong bối cảnh rất nhiều doanh nghiệp thiếu vốn nhưng không thể vay được vốn ngân hàng hoặc phải vay với lãi suất cao hơn nên phải vay qua công ty mẹ, công ty có giao dịch liên kết.
Tuy nhiên, quy định này khiến nhiều doanh nghiệp nội địa gặp không ít khó khăn, đặc biệt là các doanh nghiệp hoạt động theo mô hình đặc thù như tập đoàn kinh tế hoạt động theo mô ình công ty mẹ - con, hoặc doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực đòi hỏi vốn lớn như bất động sản.
“Để thực hiện dự án đầu tư cần vốn lớn, các công ty thành viên của tập đoàn kinh tế thường không đủ năng lực vay vốn từ các ngân hàng thương mại. Do đó, công ty mẹ phải huy động vốn để chuyển cho các công ty con, công ty thành viên với mức lãi suất ưu đãi hơn. Vì vậy, việc khống chế tổng chi phí lãi vay tạo rào cản trong việc cho vay nội bộ trong tập đoàn và cơ hội đầu tư dài hạn vào các ngành nghề cần vốn lớn, làm phát sinh thêm chi phí do phải nộp thuế trùng đối với một giao dịch kinh doanh”, bà Hạnh phân tích.
Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, ông Đặng Ngọc Minh cho biết, trong tổng số gần 4.000 doanh nghiệp có phát sinh giao dịch liên kết phát sinh khoản chi phí lãi vay, có hơn 700 doanh nghiệp có tỷ lệ chi phí lãi vay/EBITDA vượt ngưỡng 20% (hơn 450 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và trên 250 doanh nghiệp nội địa). Khoản chi phí lãi vay bị loại khỏi chi phí tính thuế thu nhập doanh nghiệp của số doanh nghiệp này khoảng 18.000 tỷ đồng/năm. Trong số đó, khoản chi phí lãi vay của các doanh nghiệp trong nước được loại trừ ở mức trên 10.000 tỷ đồng/năm. Các doanh nghiệp này có tỷ lệ chi phí lãi vay vượt 20% đều có quy mô khoản vay lớn, thuộc các lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo; hoạt động kinh doanh bất động sản, xây dựng, sản xuất và phân phối điện,… có hoạt động liên doanh liên kết khá cao.
Được chuyển chi phí lãi vay không được trừ sang kỳ tính thuế tiếp theo
Để giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp, Chính phủ đã yêu cầu Bộ Tài chính phải sửa đổi Nghị định 20 năm 2017 theo hướng nâng trần chi phí lãi vay từ 20% lên 30%. Tuy nhiên, Bộ Tài chính đã quyết định sửa đổi toàn diện Nghị định 20 với mục tiêu không chỉ tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp mà còn “gia cố” thêm các quy định nhằm chống chuyển giá.
Theo Dự tháo Nghị định quy định về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giáo dịch liên kết đang được Bộ Tài chính xây dựng thì tổng chi phí lãi vay sau khi trừ lãi tiền gửi và lãi cho vay phát sinh trong kỳ của người nộp thuế được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp không vượt quá 30% của tổng lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh trong kỳ cộng chi phí lãi vay sau khi trừ lãi tiền gửi và lãi cho vay phát sinh trong kỳ cộng chi phí khấu hao phát sinh trong kỳ của người nộp thuế.
Cũng theo Dự thảo, phần chi phí lãi vay không được trừ kể trên được chuyển sang kỳ tính thuế tiếp theo khi xác định tổng chi phí lãi vay được trừ trong trường hợp tổng chi phí lãi vay phát sinh được trừ của kỳ tính thuế tiếp theo thấp hơn mức quy định kể trên (30% EBITDA). Thời gian chuyển chi phí lãi vay tính liên tục không quá 5 năm kể từ năm tiếp sau năm phát sinh chi phí lãi vay không được trừ.
Để tránh tình trạng doanh nghiệp lợi dụng giao dịch liên kết để trốn thuế, né thuế, Bộ Tài chính sẽ quy định cụ thể các giao dịch liên kết phát sinh trong hoạt động sản xuất - kinh doanh của người nộp thuế có quan hệ giao dịch liên kết bao gồm mua, bán, trao đổi, thuê, cho thuê, mượn, cho mượn, chuyển giao, chuyển nhượng máy móc, thiết bị, hàng hóa, cung cấp dịch vụ; vay, cho vay, dịch vụ tài chính, đảm bảo tài chính và các công cụ tài chính khác; mua bán, trao đổi, thuê, cho thuê, mượn, cho mượn, chuyển giao, chuyển nhượng tài sản hữu hình, tài sản vô hình và thỏa thuận mua, bán, sử dụng chung nguồn lực như tài chính, vốn, lao động, chia sẻ chi phí giữa các bên liên kết.
Theo số liệu của Tổng cục Thuế, năm 2018, cơ quan thuế đã tiến hành thanh tra, kiểm tra 593 doanh nghiệp có hoạt động giao dịch liên kết; truy thu, truy hoàn và phạt gần 1.638 tỷ đồng; giảm lỗ 4.808 tỷ đồng; điều chỉnh tăng thu nhập chịu thuế gần 7.292 tỷ đồng. Năm 2019 thực hiện thanh tra, kiểm tra được 579 doanh nghiệp có hoạt động giao dịch liên kết; truy thu, truy hoàn và phạt 1.164 tỷ đồng; giảm lỗ 5.854 tỷ đồng; giảm khấu trừ 21,5 tỷ đồng và điều chỉnh tăng thu nhập chịu thuế 5.918 tỷ đồng.