Sửa đổi Luật Chứng khoán: Cần mở rộng đối tượng cung cấp dịch vụ

(ĐTCK-online) Luật Chứng khoán 2006 quy định chỉ CTCK mới được thực hiện nghiệp vụ môi giới chứng khoán và tư vấn đầu tư chứng khoán. Có ý kiến cho rằng, quy định như vậy là cứng nhắc, không chuẩn xác, cần thiết mở rộng đối tượng được thực hiện hai nghiệp vụ này.
Bao giờ cá nhân được hành nghề môi giới CK độc lập? - Ảnh: Hoài Nam
Bao giờ cá nhân được hành nghề môi giới CK độc lập? - Ảnh: Hoài Nam

Quy định giới hạn đối tượng như nói trên được bao hàm tại Điều 6 và Điều 60 của Luật Chứng khoán 2006. Tại Điều 6, các khoản 20 và 23 định nghĩa rằng: "Môi giới chứng khoán là việc CTCK làm trung gian thực hiện mua, bán chứng khoán cho khách hàng" và "Tư vấn đầu tư chứng khoán là việc CTCK cung cấp cho nhà đầu tư kết quả phân tích, công bố báo cáo phân tích và khuyến nghị liên quan đến chứng khoán". Điều 60 xác định các nghiệp vụ mà một CTCK được phép thực hiện gồm: môi giới; tự doanh chứng khoán; bảo lãnh phát hành chứng khoán và tư vấn đầu tư chứng khoán.

Theo PGS.TS. Trần Đăng Khâm, Khoa Ngân hàng - Tài chính, Trường đại học Kinh tế Quốc dân, thực tế thị trường thời gian qua cho thấy, ngoài các CTCK, các ngân hàng thương mại (NHTM) và nhiều cá nhân "xứng đáng" được phép thực hiện các dịch vụ này.

TS. Khâm cho rằng, cần đặc biệt lưu ý tới vai trò của các NHTM trên thị trường trái phiếu, đặc biệt là thị trường trái phiếu chính phủ. Các tổ chức này là thành viên chủ đạo của thị trường và có vai trò quan trọng trong sự phát triển thị trường.

Các NHTM hiện là thành viên chính trên thị trường bảo lãnh và đấu thầu trái phiếu chính phủ. Tuy nhiên, các NHTM không có chức năng môi giới chứng khoán nên đã không thể thực hiện vai trò nhà tạo lập thị trường, trong khi các CTCK không thể thực hiện vai trò tạo lập thị trường trái phiếu do hạn chế về vốn. Việc thiếu nhà tạo lập thị trường là nguyên nhân quan trọng hạn chế sự phát triển của thị trường trái phiếu.

Cũng theo TS. Khâm, ngay trên thị trường cổ phiếu, tồn tại hoạt động khá sôi động của môi giới tự do. Những cá nhân này đang hoạt động dưới hình thức vệ tinh của CTCK và có vai trò khá quan trọng trong việc làm tăng tính sôi động của thị trường và làm giảm áp lực cho CTCK. Do đó, cần thiết có quy định điều tiết hoạt động của loại hình môi giới này cho phù hợp.

Nói cách khác, nghề môi giới chứng khoán không chỉ là "độc quyền" của các CTCK mà có thể cho phép các đối tượng khác tham gia, như cho phép các NHTM tham gia môi giới trái phiếu, cho phép các cá nhân môi giới cổ phiếu khi có đủ chứng chỉ hành nghề và được cấp phép bởi Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK).

Bên cạnh đó, hoạt động tư vấn đầu tư chứng khoán cũng nên cho các tổ chức khác (ngoài CTCK) cùng tham gia như các công ty tư vấn, các trung gian tài chính, đặc biệt là các công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán. Đồng thời, nên cho phép các CTCK, các cá nhân và một số tổ chức tư vấn đầu tư chứng khoán khác thực hiện nghiệp vụ quản lý danh mục đầu tư chứng khoán khi có giấy phép của UBCK.

Tuy nhiên, đến nay, các nhà quản lý TTCK vẫn chưa đồng thuận với ý kiến cho phép các cá nhân được thực hiện môi giới và tư vấn đầu tư chứng khoán một cách độc lập, mà vẫn theo tinh thần của Luật Chứng khoán 2006. Theo đó, ngay cả các cá nhân được UBCK cấp chứng chỉ hành nghề chứng khoán cũng phải làm việc tại một CTCK hoặc công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán thì chứng chỉ hành nghề đó mới có giá trị (theo Khoản 5, Điều 79).

Theo thống kê của UBCK, từ năm 2007 đến 2009 đã có gần 8.400 người hành nghề chứng khoán được cấp chứng chỉ. Toàn bộ những người này, cùng với các cá nhân khác không được phép hành nghề chứng khoán ngay cả với tư cách là cộng tác viên của các CTCK, càng không được phép hành nghề với tư cách hoàn toàn độc lập. Hồi tháng 5/2010, UBCK từng có công văn (số 1386) yêu cầu các CTCK nghiêm chỉnh chấp hành quy định về nhân viên thực hiện nghiệp vụ kinh doanh chứng khoán. Theo đó, các CTCK không thực hiện hình thức cộng tác viên trong hoạt động môi giới chứng khoán.

Lý do mà các nhà quản lý đưa ra để không ủng hộ hoạt động hành nghề chứng khoán cá nhân độc lập là để bảo đảm an toàn, hạn chế rủi ro cho các nhà đầu tư nói riêng và cho toàn hệ thống nói chung. Theo đánh giá của TS. Nguyễn Sơn, Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường, UBCK, ngay cả các tổ chức hành nghề chứng khoán cũng đã gia tăng số lượng quá nhanh trong thời gian qua, dẫn đến tiềm ẩn rủi ro hệ thống và không tương xứng với hiệu quả hoạt động chung của thị trường.

Với các ngân hàng thương mại và các công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán, khả năng được thực hiện thêm một số nghiệp vụ mà các CTCK đang làm lớn hơn do năng lực của các tổ chức này đủ tốt để ngăn ngừa rủi ro cho thị trường và phù hợp với xu hướng hoạt động theo mô hình đa năng.

Theo xu hướng này, ở các quốc gia trong khu vực đều đã chuyển sang quản lý và tổ chức các định chế trung gian theo mô hình đa năng. Điều này vừa giúp tiết kiệm chi phí, nguồn nhân lực, vừa nâng cao sức cạnh tranh trong xu thế hội nhập và mở cửa thị trường dịch vụ tài chính quốc tế.

Tuy nhiên, về lâu dài, nếu mô hình hoạt động đa năng phù hợp thông lệ quốc tế được phát triển cho khu vực dịch vụ tài chính, ngân hàng, bảo hiểm thì điều kiện tiên quyết là phải thiết lập cơ chế quản lý và cơ quan quản lý hoạt động theo mô hình đa năng (quản lý theo hoạt động kinh doanh, thay vì quản lý theo định chế như hiện nay). Hiện thời, các NHTM muốn hành nghề kinh doanh chứng khoán thì phải thành lập công ty con để công ty này thực hiện.

Quang Huy
Quang Huy

Tin cùng chuyên mục

VNIndex 1,240.18 -4.52 -0.36% 172,142 tỷ
HNX 236.36 0.68 0.29% 1,675 tỷ
UPCOM 91.48 -0.24 -0.27% 788 tỷ