Sửa đổi hai luật để "tránh tình trạng việc nhỏ cũng đẩy lên Thủ tướng"

(ĐTCK) Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trương Hải Long cho biết, sắp tới sửa Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Bộ Nội vụ sẽ nghiên cứu thiết kế quy định cụ thể về phân cấp phân quyền để tránh các bộ, ngành, địa phương có việc nhỏ cũng đẩy lên Thủ tướng.
Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trương Hải Long phát biểu tại họp báo

Sáng 7/10, tại cuộc họp Chính phủ thường kỳ, Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh yêu cầu đẩy mạnh phân cấp, phân quyền và chỉ đạo "tránh tình trạng việc nhỏ cũng phải trình lên cấp Trung ương".

Tại họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 9/2024 diễn ra chiều cùng ngày, báo chí đặt câu hỏi với Bộ Nội vụ về giải pháp thực hiện đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, xóa bỏ cơ chế xin cho như chỉ đạo của Thủ tướng.

Trả lời vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trương Hải Long nhấn mạnh, chủ trương đẩy mạnh phân cấp, phân quyền đã được Đảng, Nhà nước, Chính phủ đặc biệt quan tâm.

Chúng ta đã triển khai Nghị quyết Đại hội Đảng XIII, Nghị quyết số 18 Hội nghị Trung ương VI về "Xây dựng bộ máy Nhà nước tinh gọn, hoạt động theo hướng hiệu quả", Nghị quyết số 27-NQ/TW, ngày 9/11/2022 về tiếp tục xây dựng và phát triển Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới.

Theo tinh thần đẩy mạnh công tác phân cấp, phân quyền, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 04/2022, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo xây dựng các chương trình, kế hoạch cụ thể của từng bộ, ngành, rà soát các thể chế liên quan đến lĩnh vực quản lý nhà nước thuộc ngành mình quản lý để phân cấp cho các địa phương, hoặc phân cấp giữa Chính phủ giao cho bộ, ngành triển khai thực hiện.

Kết quả là, thời gian qua, thực hiện Nghị quyết 04, Chính phủ đã trình Quốc hội sửa đổi 14 luật, cho ý kiến 2 luật và chuẩn bị trình thêm 4 luật; trình Quốc hội ban hành 9 nghị quyết, sửa đổi, bổ sung thay thế 27 nghị định. Thủ tướng Chính đã phủ ban hành 19 quyết định và các bộ, ngành đã ban hành 8 thông tư liên quan đến đẩy mạnh, phân cấp, phân quyền.

Tuy nhiên, chỉ đạo của Thủ tướng trong phiên họp vừa qua cho thấy rằng việc phân cấp, phân quyền không phải nằm tại một văn bản mà nằm ở nhiều văn bản luật, các thể chế, văn bản pháp luật khác liên quan. Do vậy, tiến độ rà soát, sửa đổi, trình các cấp có thẩm quyền trong thời gian vừa qua chậm. Một số bộ, ngành có tâm lý nể nang, né tránh, nhiều khi ngại phân cấp đến địa phương vì e ngại địa phương chưa thực hiện được.

Về giải pháp, Thứ trưởng Bộ Nội vụ thông tin, thời gian vừa qua, Thủ tướng chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ, kịp thời tháo gỡ vướng mắc, khơi thông nguồn lực, tạo ra động lực để cho các địa phương tập trung phát triển kinh tế - xã hội, đáp ứng các chỉ tiêu đề ra.

Thủ tướng đã thành lập ban chỉ đạo rà soát, xử lý vướng mắc trong hệ thống pháp luật để tháo gỡ, khơi thông nguồn lực; chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương khẩn trương đề xuất, thực hiện việc sửa đổi kịp thời các luật.

Trong chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ khi yêu cầu các cơ quan chủ trì xây dựng luật thì yêu cầu giao thẩm quyền theo đúng tinh thần cấp nào làm cấp đó chịu trách nhiệm, rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm; đơn giản các thủ tục hành chính, giảm chi phí tuân thủ khi chấp hành các thủ tục trong các văn bản quy phạm pháp luật.

Về phía Bộ Nội vụ, ông Long cho biết, trên cơ sở tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, Bộ Nội vụ tham mưu cho Chính phủ sửa 2 luật liên quan đến phân cấp, phân quyền là Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức Chính quyền địa phương.

Trước đây nguyên tắc phân cấp, phân quyền trong luật quy định chưa quyết liệt, cơ chế phân cấp, ủy quyền chưa quy định rõ ràng, có thể những việc cấp trên giao cho cấp dưới yêu cầu phải đảm bảo về nguồn lực, tài chính, gần như chịu trách nhiệm về việc thực hiện nhiệm vụ của cấp được phân cấp hoặc được ủy quyền.

Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 9/2024 chiều 7/10

Trong bài phát biểu tại Hội nghị Trung ương X mới đây, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã nêu rõ, phân cấp, phân quyền phải theo hướng "địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm".

Khi xây dựng hồ sơ đề nghị sửa đổi Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức Chính quyền địa phương, Bộ Nội vụ tiếp thu tinh thần này và sửa các quy định chung liên quan đến nguyên tắc phân cấp, phân quyền, tiến tới phân định thẩm quyền chứ không phải mỗi phân cấp.

"Việc gì Trung ương làm, việc gì địa phương làm sẽ được quy định rõ trong Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức Chính quyền địa phương. Trên cơ sở đó, các bộ chuyên ngành khi rà soát các luật chuyên ngành tương tự thì sửa đổi, bổ sung một số quy định có liên quan để đảm bảo làm rõ thẩm quyền, trách nhiệm, tạo nguồn lực", ông Long nói.

Chia sẻ thêm, Lãnh đạo Bộ Nội vụ cho hay, để tháo gỡ điểm nghẽn trong phát triển kinh tế - xã hội, hiện nay Chính phủ đã giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Tài chính tập trung khẩn trương xây dựng 3 luật để sửa đổi các luật trong lĩnh vực kế hoạch, đầu tư và tài chính, trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8 này.

Những vấn đề mang tính cấp bách trong việc thực thi pháp luật, thúc đẩy phân cấp, phân quyền đã được thể hiện trong dự thảo luật sửa đổi mà Chính phủ sẽ trình Quốc hội tại Kỳ họp.

Trong quá trình Bộ Nội vụ phối hợp với các Bộ, ngành rà soát các quy định liên quan đến các quy định pháp luật chuyên ngành, cũng như các quy định về tổ chức bộ máy, yêu cầu các Bộ, ngành, các cơ quan chủ trì khi tham mưu các quy định chuyên ngành thì không lồng ghép các quy định về nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể liên quan đến tổ chức bộ máy, liên quan đến thẩm quyền trong các văn bản chuyên ngành.

"Trong một số luật chuyên ngành có đưa thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ vào các vấn đề cụ thể; do vậy dẫn đến tình trạng có những việc nhỏ cũng trình Thủ tướng. Trong khi đó, Luật Tổ chức Chính phủ hiện nay chưa thiết kế vấn đề phân cấp thành một chương riêng. Do vậy, khi Thủ tướng muốn phân cấp, sắp tới khi sửa đổi Luật Tổ chức Chính phủ, chúng tôi sẽ nghiên cứu để làm rõ vấn đề này", ông Long nói.

Minh Minh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục