Sửa đổi Điều 170 Luật DN: Cấp thiết và không thể chờ thêm

(ĐTCK) Ngày 28/5, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về Dự án Luật sửa đổi điều 170 Luật DN. Nhiều ý kiến tán thành việc sửa ngay điều luật này và cho rằng, việc sửa đổi là cấp thiết và không thể chờ được.
Sửa đổi Điều 170 Luật DN: Cấp thiết và không thể chờ thêm

Sửa đổi Điều 170 Luật DN: Cấp thiết và không thể chờ thêm ảnh 1Hơn 400 DN hết hạn hoạt động vào năm 2014 – 2015 hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực chế biến, chế tạo

 

Điều 170 Luật DN quy định về việc áp dụng luật này cho các DN thành lập trước thời điểm Luật có hiệu lực (1/7/2006), theo đó, DN FDI có quyền lựa chọn, đăng ký lại theo Luật DN trong thời hạn 2 năm hoặc tiếp tục hoạt động theo giấy phép đầu tư. Đến năm 2009, Quốc hội đã xem xét và thông qua việc sửa đổi, gia hạn thời hạn này thành 5 năm.

Tuy nhiên, theo thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đến ngày 31/5/2013, vẫn còn 2.916 DN trong tổng số 6.000 DN FDI được cấp phép đầu tư trước khi Luật DN có hiệu lực chưa đăng ký lại. Trong đó, đến năm 2014 - 2015, sẽ có hơn 400 DN hết thời hạn hoạt động với tổng vốn đăng ký 18,5 tỷ USD, số lượng lao động sử dụng là 446.000 người và phần lớn hoạt động trong lĩnh vực chế biến, chế tạo.

Nguyên nhân việc không đăng ký lại là do DN muốn tiếp tục hưởng những ưu đãi trong giấy phép đầu tư, một số khác lại không đạt được nhất trí giữa các bên liên doanh để đăng ký lại. Hậu quả là khi giấy phép đầu tư hết hạn, DN có nguy cơ phải chấm dứt hoạt động, trong trường hợp giấy phép chưa hết hạn thì DN cũng không thể bổ sung ngành nghề hoạt động để tái cơ cấu, giải quyết khó khăn về thị trường tiêu thụ sản phẩm.

Do đó, theo báo cáo của Chính phủ, cần sửa đổi Điều 170 Luật DN để tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện cho các DN FDI duy trì hoạt động, đặc biệt là các DN đã đi vào sản xuất, kinh doanh ổn định, có lực lượng lao động gắn bó lâu dài, đóng góp cho xã hội và ngân sách nhà nước. Đồng thời tạo cơ sở pháp lý để khuyến khích DN FDI thực hiện dự án đầu tư mới, đầu tư mở rộng.

Ghi nhận tại buổi thảo luận tại tổ, có ý kiến cho rằng, nên chờ khi sửa Luật DN vào năm 2014 thì sửa điều này luôn thể. Trong khi chờ đợi sửa Luật DN thì “để đảm bảo tính pháp lý của các giao dịch, hợp đồng mà DN đã thực hiện khi giấy phép hết hạn, có thể đưa ra quy định cho phép hồi tố trong khoảng thời gian nhất định”, đại biểu Quốc hội Đỗ Văn Đương góp ý.

Tuy nhiên, tờ trình của Chính phủ cho rằng, vấn đề này cần được cân nhắc hết sức thận trọng, tránh tình trạng Nhà nước buộc phải công nhận toàn bộ giao dịch của DN phát sinh sau khi hết hạn hoạt động. Do đó, bổ sung quy định vào Điều 1 của Dự thảo Luật theo hướng, DN tự chịu trách nhiệm các vấn đề phát sinh kể từ ngày hết hạn hoạt động cho đến thời điểm đăng ký lại.

Đồng tình với ý kiến cho rằng phải sửa ngay điều luật này, đại biểu Trần Du Lịch cho biết, tổng kết 25 năm hoạt động thu hút FDI đã ghi nhận các vướng mắc của DN trong vấn đề đăng ký, đăng ký lại, kéo dài thời gian hoạt động, xử lý những tồn tại của lĩnh vực FDI. Trong đó, một phần cũng bắt nguồn từ phía DN, phần khác cũng có nguyên nhân từ sự thay đổi của luật pháp, khi chuyển từ Luật Đầu tư sang luật chung. Những thủ tục được cho là đơn giản nhưng khi đi vào thực tế lại phát sinh nhiều vướng mắc.

“Với thực trạng hiện nay thì việc sửa Điều 170 không chỉ mang tính cấp thiết về mặt thủ tục hành chính, mà còn cần thiết để thể hiện sự hỗ trợ của Nhà nước về dịch vụ công cho nhà đầu tư, tháo gỡ khó khăn về thủ tục hành chính. Với tinh thần như vậy, tôi cho là phải sửa ngay Điều 170 và không thể chờ”, đại biểu Trần Du Lịch nói.

Cũng có một số đại biểu cho rằng, việc sửa riêng một điều luật là không hợp lý, bởi năm 2014 đã có lịch sửa đổi Luật DN, năm nay sửa một điều, sang năm lại sửa cả đạo luật. Hơn nữa, nếu sửa Điều 170 theo hướng như Dự thảo sẽ thể hiện sự không nghiêm minh trong việc thực thi của pháp luật, khi luật đã ban hành rồi, lại quy định gia hạn thời gian, rồi lại bãi bỏ quy định về thời hạn.

Tuy nhiên, xét đến số vốn đầu tư và mức độ giải quyết lao động từ kênh FDI, theo đại biểu Cao Sĩ Khiêm và đại biểu Nguyễn Thị Kim Ngân, thì phải có cách giải quyết phù hợp, nhất là trong bối cảnh hiện nay.

Hoàng Duy
Hoàng Duy

Tin cùng chuyên mục