Sửa chính sách, mở “đường” cho địa phương phát huy chủ động trong quản lý tài chính

0:00 / 0:00
0:00
Chiều 26/5, Bộ Tài chính và các địa phương đã có buổi trao đổi, thống nhất nhiều nội dung quan trọng nhằm triển khai hiệu quả chủ trương phân cấp, phân quyền theo mô hình chính quyền hai cấp.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng phát biểu tại hội nghị. (Ảnh: Đức Minh) Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng phát biểu tại hội nghị. (Ảnh: Đức Minh)

Giảm thiểu những quy định chưa phù hợp

Chiều 26/5, Bộ Tài chính đã tổ chức hội nghị kết hợp hình thức trực tiếp và trực tuyến nhằm lấy ý kiến đóng góp cho các dự thảo văn bản quan trọng, phục vụ thực hiện chủ trương phân cấp, phân quyền và sắp xếp tổ chức chính quyền địa phương hai cấp trong lĩnh vực tài chính.

Hội nghị là bước đi thiết yếu để hiện thực hóa định hướng chiến lược nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, đồng thời đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong bối cảnh mới.

Theo báo cáo tại hội nghị, Bộ Tài chính đã tiến hành rà soát toàn diện 24 lĩnh vực quản lý nhà nước thuộc phạm vi ngành, xác định 563 nội dung, nhiệm vụ và thẩm quyền cần được phân cấp, phân quyền. Những nội dung này liên quan đến 233 văn bản quy phạm pháp luật, bao gồm các Luật, Pháp lệnh, Nghị quyết của Quốc hội, Nghị định của Chính phủ và Thông tư của Bộ trưởng.

Trong khuôn khổ hội nghị, Bộ Tài chính lấy ý kiến về 5 Nghị định và 7 Thông tư, trong đó có nghị định phân định thẩm quyền chính quyền địa phương theo mô hình hai cấp và các nghị định về phân cấp, phân quyền trong các lĩnh vực tài sản công, dự trữ quốc gia, thống kê và thuế.

Phát biểu gợi mở, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng nhấn mạnh, việc xây dựng các dự thảo văn bản trong thời gian ngắn, khối lượng công việc lớn là thách thức không nhỏ. Tuy nhiên, Bộ đã nỗ lực tối đa để hoàn thiện các dự thảo, đồng thời tiếp tục lấy ý kiến các địa phương nhằm điều chỉnh, bổ sung kịp thời những nội dung chưa phù hợp với thực tiễn.

Làm việc với tinh thần “vừa chạy vừa xếp hàng”, người đứng đầu ngành Tài chính cho rằng dù không thể cầu toàn nhưng sẽ cố gắng giảm thiểu những quy định chưa phù hợp để chính sách kịp thời đi vào cuộc sống.

Bộ trưởng cũng đề nghị các đại biểu nghiên cứu kỹ lưỡng, đánh giá tính hợp lý, khả thi của các nội dung phân cấp, phân quyền cùng các thủ tục hành chính dự kiến sửa đổi, đồng thời phản ánh những khó khăn, vướng mắc có thể phát sinh trong quá trình triển khai để Bộ hoàn thiện văn bản.

Hội nghị kết nối trực tuyến với các địa phương. (Ảnh: Đức Minh)

Hội nghị kết nối trực tuyến với các địa phương. (Ảnh: Đức Minh)

Địa phương quyết, làm, chịu trách nhiệm

Tham gia ý kiến vào các văn bản, đại diện các địa phương đánh giá cao sự chủ động và trách nhiệm của Bộ Tài chính trong việc xây dựng các dự thảo. Nhiều ý kiến đồng thuận với các nội dung phân quyền linh hoạt, tạo điều kiện thuận lợi cho địa phương triển khai thực hiện.

Song, các đại biểu cũng thẳng thắn chia sẻ những khó khăn thực tế, như khối lượng công việc lớn trong rà soát và triển khai dự án, đặc biệt là trong lĩnh vực đầu tư, đấu thầu khi sắp xếp lại các đơn vị hành chính theo mô hình hai cấp. Đại diện Sở Tài chính Hà Nội cho biết, việc tách các gói thầu trên địa bàn quận cho các xã theo địa giới mới rất khó khăn, bởi nhiều gói thầu đã được triển khai.

Tương tự, đại diện Hải Phòng bày tỏ băn khoăn về việc phân định thẩm quyền trong các dự án đấu thầu khi địa bàn trải dài qua nhiều xã, đề nghị có hướng dẫn cụ thể về việc giao quyền quyết định cho cấp tỉnh hay giao cho một xã chủ trì.

Trước những ý kiến này, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng khẳng định nguyên tắc phân cấp sẽ được thực hiện triệt để, theo hướng “địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm.”

Trong dự thảo Bộ Tài chính đề xuất quy định theo hướng mở để địa phương chủ động quyết định trường hợp nào phân cấp cho tỉnh, trường hợp nào cho xã. Xã không làm được thì đưa về tỉnh, nơi nào phù hợp thực tiễn thì làm. Về mô hình hoạt động của các cơ quan thuế, kho bạc, hải quan, Bộ trưởng nhấn mạnh sẽ có các điều chỉnh kịp thời để phù hợp với tổ chức bộ máy và địa giới hành chính mới.

Về công tác quy hoạch và sắp xếp tài sản dôi dư, lãnh đạo Bộ Tài chính thông tin Luật Quy hoạch sửa đổi đang được Quốc hội xem xét thông qua, cho phép các địa phương lập song song các loại quy hoạch, trong đó quy hoạch chi tiết có thể được duyệt trước rồi cập nhật vào quy hoạch chung và quy hoạch tỉnh, tạo điều kiện thuận lợi cho việc triển khai sắp xếp tổ chức chính quyền địa phương. Do đó, các địa phương cứ yên tâm triển khai, quy hoạch chi tiết vẫn có thể được duyệt rồi sau đó cập nhật vào quy hoạch chung, quy hoạch tỉnh.

Hồng Vân
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục