Sự trỗi dậy một trung tâm du lịch châu Á - Chương 4: Để du lịch hà nội thoát bẫy trung bình

0:00 / 0:00
0:00
Khám phá Hà thành những ngày này, du khách từ phương xa ví Thủ đô của Việt Nam như một cây đại cổ thụ căng tràn nhựa sống. Từ thân cho đến ngọn, những cành cây xù xì, gân guốc bồng cựa quậy bật chồi non tươi mơn mởn, trong xanh như ngọc đón ánh nắng tinh khôi sau mùa đông lạnh giá thu mình.

Ngành du lịch Hà Nội có vai trò đầu tàu, kết nối các điểm đến trong nước và quốc tế. Trong bối cảnh ngành kinh tế xanh đang phục hồi mong manh, vai trò tiên phong của du lịch Hà Nội càng phải tiên phong, bứt phá ngoạn mục để thúc con thuyền du lịch vươn ra biển lớn.

Nếu không có những phản ứng kịp thời để vượt qua rủi ro, thách thức hiện có và thách thức trong xu hướng mới của nền kinh tế toàn cầu, du lịch Hà Nội có thể rơi vào bẫy trung bình thấp. Vì thế, đổi mới mô hình, phương thức tăng trưởng ngành kinh tế xanh để thoát “bẫy” trung bình đang đặt ra bức thiết.

Để tăng thêm những sản phẩm, dịch vụ hấp dẫn và nâng cao mức chi tiêu của khách du lịch, Hà Nội đã quan tâm, chú trọng phát triển kinh tế đêm từ năm 2016, với việc phát triển không gian đi bộ hồ Hoàn Kiếm và phụ cận, giúp ngành kinh tế xanh “né” bẫy trung bình, góp phần phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô.

Tại quận Hoàn Kiếm, khách du lịch khắp nơi đổ về tham quan, mua sắm, thưởng thức ẩm thực, vui chơi giải trí. Các tuyến phố trong khu phố cổ Hà Nội trở thành điểm hẹn của khách du lịch, thậm chí nơi này hình thành những biệt danh như “Ngã tư quốc tế” Tạ Hiện - Lương Ngọc Quyến, phố bia Tạ Hiện, phố nướng Gầm Cầu, phố hoa quả dầm Tô Tịch, phố ẩm thực Tống Duy Tân…

Đặc biệt những ngày cuối tuần, khu vực phố cổ Hà Nội càng trở nên sôi động. Nhiều tuyến phố chật kín người qua lại, vui chơi, ăn uống. Hoạt động kinh doanh tại đây chủ yếu là ăn uống, khách sạn, bar, karaoke, biểu diễn nghệ thuật dịp cuối tuần.

Cùng với đó, không gian đi bộ hồ Hoàn Kiếm được đưa vào hoạt động góp phần làm chuyển biến lĩnh vực kinh tế của quận Hoàn Kiếm. Chỉ tính riêng ba năm đầu, lượng khách du lịch quốc tế đến lưu trú tại quận Hoàn Kiếm tăng nhanh, với mức tăng từ 13-22,8% mỗi năm. Số lượng cửa hàng kinh doanh chuyển sang các hoạt động dịch vụ du lịch tăng 594 cơ sở. Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn quận năm sau cao hơn năm trước.

Trong năm 2022, Hà Nội đã có thêm không gian đi bộ Thành cổ Sơn Tây, tạo hiệu ứng tốt. Theo ông Nguyễn Đăng Thạo, Trưởng Ban Quản lý Di tích Làng cổ Đường Lâm -Thành cổ Sơn Tây, trung bình mỗi ngày tuyến phố đi bộ Thành cổ Sơn Tây đón khoảng 1 vạn khách, ngày cao điểm khoảng 1,5 vạn khách.

Không chỉ khách ở thị xã Sơn Tây và các huyện lân cận đến vui chơi, mà còn rất đông khách từ huyện Vĩnh Tường (Vĩnh Phúc). Ngoài các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao, tuyến phố đi bộ Thành cổ Sơn Tây còn có các dịch vụ ẩm thực, giới thiệu hàng lưu niệm, sản phẩm đặc trưng của Sơn Tây.

Các gia đình nằm trong khu vực này vẫn có thể mở cửa kinh doanh những mặt hàng hiện có. Những hoạt động này góp phần tăng nguồn thu cho kinh tế của thị xã.

Tuy nhiên, bấy nhiêu đó chưa thể gọi là nền kinh tế đêm, khi các sản phẩm, dịch vụ còn nghèo nàn. Trở lại câu chuyện của hai du khách Pháp ở chương 1 cũng như nhận xét của ông Davis đến từ Australia cho rằng, Hà Nội về đêm rất thú vị, vừa sôi động nhưng cũng rất trầm mặc trong những con ngõ nhỏ. Tuy nhiên, do ít dịch vụ nên vị khách này cũng chỉ ở lại một đêm. Đó là chưa kể việc hạn chế thời gian buộc các vị khách tiềm năng phải rời đi.

Không thể phủ nhận, cuộc sống về đêm sôi động đã khiến du khách chi tiêu nhiều hơn, rất tốt cho nền kinh tế. Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Tài, Tổng giám đốc VietSense Travel cho rằng, du lịch ban đêm tại Hà Nội chủ yếu tập trung ở khu vực quận Hoàn Kiếm với các không gian đi bộ, ẩm thực, dịch vụ, cùng các tour đêm, một số chuỗi cửa hàng tiện lợi mở cửa 24/24, và nhiều tuyến phố trong khu phố cổ Hà Nội như Tạ Hiện, Lương Ngọc Quyến, Mã Mây, Hàng Ngang, Hàng Đào, Đồng Xuân, Hàng Bông, Hàng Buồm… tấp nập về đêm.

Nhắc tới “kinh tế ban đêm” không thể không nói tới Anh. Theo nghiên cứu của Ernst & Young (E&Y), ngành công nghiệp về đêm đóng góp khoảng 6% GDP với quy mô gần 66 tỷ bảng, tạo ra hơn 1,25 triệu việc làm cho quốc đảo lớn nhất châu Âu. Trong đó, riêng thành phố London chiếm khoảng 40% về quy mô, tương đương 26,4 tỷ bảng và tạo ra việc làm trực tiếp cho 723.000 lao động.

Để khuấy động khu vực “kinh tế ban đêm”, từ năm 2016, thành phố này đã đề ra hàng loạt chính sách hỗ trợ. Cuối năm 2016, Sadiq Khan, thị trưởng London đã bổ nhiệm bà Amy Lame giữ chức vụ “Night Czar” (Nữ hoàng về đêm) nhằm tăng cường dịch vụ và hoạt động về đêm, hướng tới mục tiêu đưa London trở thành thành phố 24h hàng đầu thế giới.

“Thị trưởng Đêm”, “Nữ hoàng đêm” hay bất kỳ cái tên tương tự nào khác phụ trách hoạt động “kinh tế về đêm”, thực tế, đã tồn tại từ trước đó tại nhiều thành phố khác của châu Âu. Paris, Toulouse (Pháp), Zurich (Thụy Sĩ) hay Amsterdam (Hà Lan) đã có những chức danh tương tự từ nhiều năm trước.

New York - Thành phố không bao giờ ngủ. Ảnh: usatoday

New York - Thành phố không bao giờ ngủ. Ảnh: usatoday

Marik Milan, người được mệnh danh là “thị trưởng đêm” của Amsterdam cho biết, một ngành công nghiệp về đêm sôi động không chỉ mang lại tính cộng đồng, văn hóa, mà còn tạo ra tác động không nhỏ đến kinh tế thành phố.

Nếu châu Âu đã có những chính sách hỗ trợ ngành công nghiệp về đêm từ nhiều năm trước thì tại châu Á, Trung Quốc và Nhật Bản là hai quốc gia đã nỗ lực cải thiện ngành công nghiệp này.

Là nền văn hóa có phần bảo thủ và đối mặt với sự khan hiếm lao động, nhưng Nhật Bản đang cho thấy sự quyết tâm phát triển kinh tế ban đêm nhằm thúc đẩy du lịch và tăng trưởng kinh tế. Đất nước này đã chứng kiến sự tăng vọt của khách du lịch nước ngoài trong những năm gần đây, với 30 triệu du khách vào năm 2018, sau khi vượt qua ngưỡng 20 triệu lần đầu vào năm 2016.

Ở Hà Nội, hàng ngày, hàng giờ, đang có những con người lặng lẽ, tâm huyết tìm hướng đi để phát triển kinh tế đêm của Hà Nội.

Ông Nguyễn Văn Cường, chủ nhà hàng bia thủ công C-Brewmaster số 45A Lương Ngọc Quyến có lẽ là nghệ nhân Brewmaster Việt Nam duy nhất theo đuổi sự nghiệp craftbeer (bia thủ công). Khởi nghiệp từ “bốn không”(không nhân viên, không nhà máy, không cửa hàng, không nhiều vốn) và chỉ sau 3 năm ông đã bước ra khỏi vùng nguy hiểm. Cuộc chuyển đổi đầy hoang mang đó giúp ông thoả sức phiêu cùng men bia với đủ màu sắc, hương vị khác nhau.

Ở quán bia C-Brewmaster, lúc đầu 90% khách là người nước ngoài đến thưởng thức, 10% người Việt. Hầu hết khách Việt Nam từng đi học, đi làm và sống ở nước ngoài nên đã biết về craftbeer (bia thủ công). Còn bây giờ, tình thế đã đảo ngược khi 70% khách là người Việt, 30% là người nước ngoài.

Khách hàng đến quán bắt đầu đông đúc từ 19 giờ tối và tấp nập cho đến sau 1 giờ sáng. Ngày thường đã đông đúc, cuối tuần còn đông hơn vì có tuyến phố đi bộ. “Nền kinh tế ban đêm đang đem về những cơ hội phát triển lớn cho chúng tôi. Thay vì mở một cơ sở, tôi đã phát triển lên nhiều cơ sở và doanh thu tăng đều”, vị doanh nhân cho hay.

“Bản chất xã hội hiện đại là mọi người đi làm hết vào ban ngày, buổi tối mới là lúc kinh tế tiêu dùng bùng nổ. Các nước phát triển phải tập trung vào cuộc sống sau 9 giờ tối. Vì nó thu hút du lịch và tăng sức mua”.

Có thể thấy nhu cầu của người dân và du khách rất lớn, nhưng việc hạn chế thời gian là yếu tố khiến các chủ thể kinh doanh và khách hàng thấy phiền hà.

“Nếu mở được dịch vụ sau 2h sáng, chúng tôi sẽ có nhiều cơ hội kinh doanh hơn”, ông Cường, chủ quán bia C-Brewmaster nói.

Ông Davis đến từ Australia cho biết, ở Thụy Sỹ, 9 giờ màn đêm mới buông xuống, còn Hà Nội, ban đêm bắt đầu sớm, kéo dài từ 6 - 7 giờ đến 6 giờ sáng hôm sau. Đây là khoảng thời gian dài để tăng chi tiêu của du khách.

Việt Nam nói chung, Hà Nội nói riêng, khái niệm kinh tế đêm (Night-time economy) bắt đầu được chú ý khi năm 2019, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, khi đó là Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nghiên cứu chính sách hỗ trợ kinh tế đêm của Trung Quốc.

Theo chuyên gia du lịch Nguyễn Tiến Đạt, “kinh tế ban đêm” ở Hà Nội chưa có nghiên cứu chính thức nào xác định quy mô, cũng như tác động đến hoạt động kinh tế nói chung. Để thúc đẩy kinh tế đêm và mang đến những trải nghiệm thú vị cho người dân và du khách, tháng 9/2016, chính quyền Thành phố Hà Nội đã thí điểm mở không gian đi bộ quanh hồ Gươm và vùng phụ cận, lùi “giờ giới nghiêm” đến 2 giờ sáng hôm sau.

“Tất cả sản phẩm du lịch của chúng ta hiện chủ yếu chỉ tập trung 7h sáng đến 17h chiều, trong ngành du lịch gọi là sản phẩm cứng, thì đã thu được. Tuy nhiên, sản phẩm có thể thu được nhiều tiền nhất, là từ 18h tối đến 6h sáng ngày hôm sau thì đến nay vẫn không được phát triển”, ông Nguyễn Quốc Kỳ, Tổng giám đốc Công ty Du lịch và tiếp thị giao thông vận tải Việt Nam (Vietravel) nhận định.

“Vì chúng ta cứ nghĩ sản phẩm ban đêm là nhạy cảm”, ông Nguyễn Hồng Đài, Tổng Giám đốc APT Travel trả lời cho loạt câu hỏi: Sản phẩm ban đêm là sản phẩm gì? Sao chúng ta sợ nó? Cuối cùng chỉ còn vẻn vẹn vài chương trình văn hóa buổi tối như múa rối nước.

“Khách của APT Travel ở Hà Nội đêm thường đi dạo quanh hồ Gươm, xem múa rồi nước, thưởng thức bia hơi phố cổ, sau đó một số khách đi bar, còn lại không biết làm gì”, ông Đài minh chứng.

Chuyên gia du lịch Nguyễn Tiến Đạt so sánh ngành du lịch Việt Nam và Thái Lan, Việt Nam có khoảng cách lớn. Thái Lan có 55% du khách quay lại, trong khi Việt Nam chỉ có 5%. Khoảng cách này có thể là kết quả của nhiều yếu tố khác nhau.

Tuy nhiên, yếu tố quan trọng nhất chính là Thái Lan nổi tiếng là thiên đường cuộc sống về đêm đầy màu sắc và nhiều hoạt động dành cho du khách quốc tế. Việc cải thiện cuộc sống về đêm với nhiều màu sắc sẽ là bước ngoặt lớn để phát triển ngành công nghiệp không khói, thu hút thêm nhiều du khách, tạo ra nhiều công ăn việc làm hơn, đóng góp vào GRDP của Hà Nội, để Hà Nội thoát bẫy thu nhập trung bình.

Các chuyên gia, doanh nghiệp cho rằng, việc tổ chức phát triển kinh tế đêm cần tập trung ở những khu vực, địa bàn có tiềm năng lớn về phát triển dịch vụ, thương mại, du lịch. Các địa phương cần quy hoạch không gian xây dựng cho hoạt động về đêm (khu vực chợ đêm, khu vực trưng bày sản phẩm làng nghề truyền thống Hà Nội, tổ chức phiên chợ quà tặng lưu niệm thủ công mỹ nghệ Thủ đô...). Cùng với đó, cần quy định các điều kiện riêng đối với hoạt động kinh doanh về đêm; ban hành quy định cụ thể về thời gian hoạt động, địa bàn, các mặt hàng được phép kinh doanh và cơ chế xử lý vi phạm…

Để ngành kinh tế xanh Hà Nội thoát bẫy trung bình, các doanh nghiệp du lịch đề xuất thành phố nhanh chóng khơi thông “dòng chảy”, giúp loại hình MICE nói riêng, ngành kinh tế xanh Thủ đô nói chung bứt tốc mạnh mẽ hậu Covid-19.

Bởi lẽ, MICE là loại hình du lịch tổng hợp của các sản phẩm du lịch đơn lẻ, đòi hỏi hạ tầng cơ sở nhất định. Hiện du lịch MICE đang là một trong những xu hướng du lịch tại thị trường Việt Nam và quốc tế. Hình thức du lịch này không chỉ giúp Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung thúc đẩy quảng bá ngành du lịch nội địa, mà còn là cơ hội để các khách hàng, doanh nghiệp tìm kiếm đối tác, phát triển thị trường tiềm năng.

Theo thống kê của Tổng cục Du lịch, doanh thu từ MICE mang lại giá trị cao hơn 4-6 lần doanh thu từ các loại hình du lịch khác, vì tính chất đặc thù và các loại dịch vụ tiêu chuẩn mà MICE đòi hỏi. Mặc khác, các đoàn khách tham gia du lịch MICE thường là các đối tượng cao cấp hơn so với các đoàn khách du lịch thông thường và số lượng khá đông. Do vậy, phát triển du lịch MICE sẽ mang lại nguồn lợi rất lớn cho sự phát triển kinh tế cả nước nói chung, Hà Nội nói riêng.

Là trung tâm chính trị, hành chính, trung tâm kinh tế lớn của cả nước, Thủ đô Hà Nội là địa phương giàu tiềm năng, thế mạnh để phát triển loại hình du lịch MICE (du lịch kết hợp tổ chức sự kiện, hội nghị, hội thảo, khen thưởng, triển lãm…). Hà Nội có sân bay quốc tế Nội Bài cùng hạ tầng giao thông thuận lợi; nhiều khách sạn 5 sao và các trung tâm hội nghị lớn.

Tuy nhiên, tiềm năng phát triển du lịch MICE chưa được Hà Nội khai thác xứng tầm. Theo CEO AZA Travel Nguyễn Tiến Đạt, du lịch MICE cần được đầu tư bài bản, quy mô hơn. Hà Nội hiện có nhiều khách sạn 5 sao, nhưng số lượng phòng, công suất phòng họp còn hạn chế. Hà Nội không có nhiều trung tâm hội nghị, triển lãm đáp ứng được yêu cầu tổ chức sự kiện cho các đoàn khách lớn, quy mô vài ngàn người. Ngoài ra, nguồn nhân lực phục vụ du lịch MICE còn hạn chế cả về số lượng lẫn chất lượng. Cùng với đó, công tác quảng bá du lịch MICE của Hà Nội ra thị trường quốc tế còn yếu, nhỏ lẻ.

Do đó, ông Đạt để xuất thành phố Hà Nội cần thành lập Câu lạc bộ du lịch MICE Hà Nội. Đồng thời, xây dựng chiến lược, có cơ chế, chính sách đặc biệt hỗ trợ doanh nghiệp làm du lịch MICE.

“Bởi du lịch MICE bứt phá, đồng nghĩa công tác xúc tiến đầu tư và thương mại đến Hà Nội cũng sẽ phát triển vượt trội, từ đó góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế cũng như nâng cao vị thế của Hà Nội”, ông Đạt nhấn mạnh.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Phúc Long, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Tập đoàn Đầu tư Thăng Long cho rằng, Hà Nội đang thiếu những dự án 100 ha theo mô hình du lịch MICE, trong khi tại các huyện Chương Mỹ, Sóc Sơn… hoàn toàn có thể đầu tư được những dự án quy mô lớn như vậy và còn hơn thế nữa.

“Thành phố Hà Nội cần có chủ trương để sớm tạo điều kiện phát triển các khu du lịch gắn với văn hóa Thủ đô, đồng thời phục vụ hoạt động theo xu hướng du lịch MICE”, ông Long hiến kế.

Năm 2019, trước khi “sóng thần” Covid-19 ập đến, Hà Nội đón hơn 30 triệu lượt khách, trong đó có hơn 8 triệu lượt khách quốc tế. Giám đốc Công ty Du lịch Travelogy Việt Nam, ông Vũ Văn Tuyên nhận định, nhìn vào tỷ suất của một điểm đến, có thể nói, Hà Nội là thuộc top những Thủ đô đón lượng du khách lớn trên thế giới.

Hà Nội có nhiều tiềm năng phát triển du lịch MICE, nhưng ông Tuyên thẳng thắn nhận xét, so với các địa phương khác như Đà Nẵng, TP.HCM, thì Thủ đô lại có nhiều “điểm nghẽn” như: thiếu địa điểm, thiếu kết nối giữa các nhà cung cấp dịch vụ, chưa liên kết được sản phẩm, chưa làm được trương trình để các nhà tổ chức tour biết đến… Nên thực tế, dù lượng du khách đến Hà Nội nhiều, nhưng lưu trú ít và ngắn ngày.

Theo ông Tuyên, từ năm 2022, có 3 xu hướng có thể phát triển du lịch MICE một cách hiệu quả gồm: xu hướng vừa làm việc tại nhà, vừa làm việc tại công ty; xu hướng doanh nghiệp tổ chức chuyến du lịch cho công ty, nhưng đồng nghĩa họ phải làm việc trong quá trình đi chơi; xu hướng làm việc đa năng.

CEO Travelogy Việt Nam khuyến nghị: “Thành phố Hà Nội cần có quy hoạch du lịch MICE, đồng thời hỗ trợ doanh nghiệp đi khảo sát tất cả các địa điểm có thể tổ chức MICE để đưa vào chương trình, kế hoạch triển khai loại hình du lịch này ở chính các doanh nghiệp”.

Để ngành kinh tế xanh Hà Nội bứt phá hậu Covid-19, đặc biệt là thoát bẫy trung bình cũng như phát huy vai trò đầu tàu, Thành phố cần có những giải pháp đồng bộ, chứ không chỉ riêng kinh tế đêm.

Chương 1: Phải lòng Hà Nội ngay từ cái nhìn đầu tiên

Chương 2: Như một cây đại cổ thụ căng tràn nhựa sống

Chương 3: Khoảng trống sau cú vươn mình

Chương 5: Để Hà Nội là miền đất của những câu chuyện bất tận


baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục