Sự trải lòng của “ông chủ giả” tại Vinatex

(ĐTCK) Tự nhận mình là “ông chủ giả” tại Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex), Chủ tịch Hội đồng quản trị Vinatex Trần Quang Nghị không ngại chia sẻ về bản thân, cũng như thực trạng “ông chủ giả” ở nhiều doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp cổ phần hóa, với mong muốn góp phần thúc đẩy cải cách, cổ phần hóa mạnh mẽ khối doanh nghiệp nhà nước.
Năm 2015, Vinatex là tập đoàn kinh tế nhà nước đầu tiên tiến hành cổ phần hóa thành công Năm 2015, Vinatex là tập đoàn kinh tế nhà nước đầu tiên tiến hành cổ phần hóa thành công

Tư duy bảo toàn vốn nhà nước đã lạc hậu

Có một câu chuyện gây chú ý tại Hội nghị toàn quốc triển khai công tác sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2016 - 2020 diễn ra mới đây.

Trong phần dành cho lãnh đạo các doanh nghiệp nhà nước, các công ty đã cổ phần hóa phát biểu, thực hiện phân công của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ được giao điều hành hội nghị.

Đến phần ý kiến phát biểu của lãnh đạo các doanh nghiệp, ông Huệ hướng xuống hội trường hỏi, có ai đại diện cho Vinatex không? Một cánh tay ở giữa hội trường giơ cao, rồi ông Nghị bước lên bục phát biểu mà không có trong tay bài chuẩn bị trước. Những lời ông nói rất chân thành, tâm huyết và trách nhiệm.

Sự trải lòng của “ông chủ giả” tại Vinatex ảnh 1

Chủ tịch Hội đồng quản trị Vinatex Trần Quang Nghị 

Năm 2015 đánh dấu mốc lịch sử quan trọng trên chặng đường phát triển của Vinatex, khi trở thành tập đoàn kinh tế nhà nước đầu tiên tiến hành cổ phần hóa thành công.
Là “thuyền trưởng” ở Vinatex cả vào thời điểm trước và sau cổ phần hóa, ông Nghị có những trải nghiệm sâu sắc về cách đẩy nhanh cổ phần hóa, điều mà Chính phủ đang đi tìm câu trả lời để thúc đẩy tiến trình cổ phần hóa đang có phần chững lại do bước vào giai đoạn cổ phần hóa nhiều tập đoàn, tổng công ty có quy mô tài sản hàng nghìn tỷ đồng tương tự như Vinatex.

Vì sao tiến trình cổ phần hóa chậm? Ông Nghị chia sẻ, nhìn từ kinh nghiệm của Vinatex, bài học mà ông đúc rút được là nếu ban lãnh đạo doanh nghiệp không quyết liệt, thiếu ý thức tự giác và trách nhiệm với đất nước, thì dễ dẫn đến trì trệ trong tổ chức triển khai cổ phần hóa.

Bây giờ, tư duy bảo toàn vốn nhà nước đã trở nên lạc hậu. Bởi lẽ, chỉ cần không phá phách, không quá đáng thì lãnh đạo doanh nghiệp nhà nước vẫn tồn tại được ở vai trò là ông chủ giả.

 - Chủ tịch HĐQT Vinatex

Trần Quang Nghị.

“Những ông chủ giả như chúng tôi sử dụng vốn của Nhà nước như chủ thật, nhưng áp lực thực sự chỉ dừng lại ở bảo toàn và phát triển vốn nhà nước, không có yêu cầu về trả cổ tức như đối với công ty cổ phần mà ở đó những người góp vốn vào doanh nghiệp là ông chủ thực”, ông Nghị nói.

“Bây giờ, tư duy bảo toàn vốn nhà nước đã trở nên lạc hậu. Bởi lẽ, chỉ cần không phá phách, không quá đáng thì lãnh đạo doanh nghiệp nhà nước vẫn tồn tại được ở vai trò là ông chủ giả. Do đó, họ không cần thiết phải đẩy nhanh cổ phần hóa để rồi khi doanh nghiệp chuyển sang hoạt động theo mô hình công ty cổ phần, bản thân lãnh đạo doanh nghiệp tự gây cho mình áp lực là mỗi năm phải trả khoảng 10 - 15% cổ tức.

Chuyển đổi từ doanh nghiệp nhà nước sang công ty cổ phần, lãnh đạo doanh nghiệp đương nhiên vất vả, nhưng hôm nay ở đây, với vai trò ông chủ giả, tôi nói thật với Chính phủ những điều như vậy để Nhà nước bớt lo, qua đó thúc đẩy cải cách mạnh mẽ doanh nghiệp nhà nước, góp phần đẩy nhanh phát triển kinh tế đất nước”, lãnh đạo Vinatex trải lòng.

Nghe những chia sẻ trên, có người ngạc nhiên lẫn không hài lòng và hẳn ông Nghị cũng biết như vậy, nhưng ông vẫn cứ nói vì lợi ích của đất nước, của doanh nghiệp.

Tiếp nối dòng chia sẻ về làm thế nào để cổ phần hóa thành công cả về lượng và chất, ông Nghị thẳng thắn: “Nếu chỉ hô hào thì rất khó tạo chuyển biến về thúc đẩy cổ phần hóa. Nên chăng, Chính phủ cử các đặc phái viên về làm việc tại các doanh nghiệp, để kịp thời tháo gỡ khó khăn, hoặc kiến nghị, đề xuất cấp có thẩm quyền tháo gỡ nhanh các bất cập phát sinh, giúp tiến độ cổ phần hóa doanh nghiệp tăng tốc”.

Ông Nghị cho rằng, khi tiến hành cổ phần hóa các tập đoàn, tổng công ty nhà nước, nếu cổ phần hóa công ty mẹ trước, công ty con sau, tiến độ sẽ nhanh hơn.

“Khi tìm nhà đầu tư mua cổ phiếu của doanh nghiệp nhà nước cổ phần hóa, tôi tâm đắc với phát biểu của Thủ tướng là phải tìm được các đối tác đầu tư bằng cả khối óc và trái tim... Có như vậy, doanh nghiệp sau cổ phần hóa mới phát triển bền vững và bảo vệ quyền lợi của người lao động, cùng với đó là bảo đảm cao nhất lợi ích của Nhà nước”, ông nói.

Với những nhà đầu tư mua 100% doanh nghiệp mà có những mục tiêu phát triển khác so với định hướng và quy hoạch ngành, thì Chính phủ cần cân nhắc khi thoái vốn, bán doanh nghiệp. Bán lô lớn cần cân nhắc, lưu ý các vấn đề tác động đến xã hội, vì có những ông chủ mua doanh nghiệp xong “đập” đi làm lại, dẫn đến không còn theo định hướng phát triển ngành.

Bán doanh nghiệp giống như bán một cái nhà, nên trước khi bán phải chống thấm, dột, chỉnh trang để cái nhà đẹp hơn và bán được với giá cao nhất. Tuy nhiên, thực tiễn lại có một số ông chủ nhà cố tình “làm cái nhà xấu đi”, giấu bớt lợi thế của doanh nghiệp để bán giá thấp cho các nhóm lợi ích...

Nhà nước có thể bán hết cổ phần ở Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (VNM), sau đó xây dựng và phát triển các VNM khác. Nhưng câu chuyện nằm ở chỗ, khi Nhà nước đã bán hết cổ phần VNM, mà bên nước ngoài mua họ không còn duy trì ngành nghề kinh doanh cốt lõi, thì đây sẽ là điều đáng suy ngẫm, không cẩn thận là mất hẳn một ngành vào tay nhà đầu tư ngoại.

“Kinh nghiệm chọn cổ đông chiến lược của Vinatex là tìm được các đối tác đi đường dài, đồng cảm với sự phát triển của doanh nghiệp, về trách nhiệm xã hội trên bước đường phát triển, chứ không phải là những nhà đầu tư lướt sóng, ngắn hạn, qua đó góp phần quan trọng cho sự phát triển bền vững của doanh nghiệp”, lãnh đạo Vinatex chia sẻ.

Không ngại đề cập đến một câu chuyện “nóng” là có bán rẻ doanh nghiệp, cổ phần hóa có gây thất thoát tài sản của Nhà nước hay không, ông Nghị ví von, bán doanh nghiệp giống như bán một cái nhà, nên trước khi bán phải chống thấm, dột, chỉnh trang để cái nhà đẹp hơn và bán được với giá cao nhất. Tuy nhiên, thực tiễn lại có một số ông chủ nhà cố tình “làm cái nhà xấu đi”, giấu bớt lợi thế của doanh nghiệp để bán giá thấp cho các nhóm lợi ích...  Nếu không có người giám sát chặt chẽ kỹ thuật bán cổ phần của doanh nghiệp, thì dễ gây thất thoát tài sản của Nhà nước.

Cần giải phóng tiềm năng phát triển của doanh nghiệp

Trước khi ngồi vào “ghế nóng” Chủ tịch Hội đồng quản trị Vinatex vào tháng 1/2015, ông Nghị có hơn 30 năm kinh nghiệm trong ngành dệt may, là một người trưởng thành từ thực tế, am hiểu sâu và rộng về ngành dệt may. Ông Nghị được biết đến ở vai trò là Tổng giám đốc Tổng công ty Phong Phú, một doanh nghiệp hàng đầu trong ngành dệt may Việt Nam.

Ông Nghị là mẫu người quản trị công ty mềm mại nhưng không vì thế mà thiếu quyết đoán và “chất lửa”. Trao đổi với ông, có thể cảm nhận rõ bầu nhiệt huyết, say nghề của một người có duyên nợ sâu nặng với nghề luôn sáng tạo để tôn thêm vẻ đẹp của con người.

Trên bước đường chèo lái con thuyền Vinatex hậu cổ phần hóa, “thuyền trưởng” Trần Quang Nghị chia sẻ, hiện có những doanh nghiệp mà Vinatex đang đầu tư có giá cổ phiếu tăng cao, đạt 6 - 7 “chấm”. Vinatex muốn bán một số khoản đầu tư để chốt lời nhằm hiện thực hóa lợi ích cho Nhà nước. Từ phần vốn thu được này, Vinatex sẽ đi đầu tư, gây dựng những doanh nghiệp mới từ đầu. Với đặc thù phát triển của ngành dệt may là khi đã có thị trường, chỉ cần đầu tư công nghệ và con người thì trong thời gian ngắn có thể phát triển một doanh nghiệp.

Sự trải lòng của “ông chủ giả” tại Vinatex ảnh 2

Thế nhưng, khi Vinatex xin ý kiến các bộ cho phép bán vốn tại các doanh nghiệp thì không được các bộ đồng ý, với lý do đó là các khoản đầu tư vào các doanh nghiệp chủ lực, nên Vinatex phải tiếp tục nắm vốn để đảm bảo phát triển tốt. Tuy nhiên, từ thực tế lăn lộn điều hành doanh nghiệp, ông nhận thấy bán các khoản đầu tư có lời từ các doanh nghiệp là việc cần làm.

Tâm huyết với đường hướng phát triển trong giai đoạn tới của Vinatex, ông Nghị không giấu tham vọng trong 3 - 4 năm tới đưa quy mô vốn của Tập đoàn tăng từ mức 5.000 tỷ đồng hiện tại lên 10.000 - 15.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, mục tiêu này sẽ khó đạt được nếu cơ chế quản lý vốn nhà nước tại các doanh nghiệp nhà nước chậm được đổi mới. Cái gì cũng xin ý kiến ông chủ, với thủ tục rắc rối và kéo dài thời gian như hiện tại, sẽ gây khó cho doanh nghiệp.

“Chính phủ đang nỗ lực xây dựng Chính phủ kiến tạo để chăm sóc, hỗ trợ cho sự phát triển mạnh mẽ của cộng đồng doanh nghiệp. Bởi vậy, điều chúng tôi mong muốn là Chính phủ cần tạo sự đột phá cả về xây dựng cơ chế lẫn chỉ đạo, điều hành nhằm giải phóng tiềm năng phát triển của doanh nghiệp, không để những doanh nghiệp như chiếc xe có thể chạy với vận tốc 150 km/h mà chỉ được chạy 50 km/h”, ông nói.

Vinatex vừa chốt kế hoạch đăng ký giao dịch trên UPCoM. Trước đó, trên thị trường có những đồn đoán, Tập đoàn có thể lên niêm yết thẳng trên Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE).

Chia sẻ vấn đề này với Báo Đầu tư Chứng khoán, ông Nghị không giấu giếm: thực ra, Vinatex muốn niêm yết thẳng lên HOSE, nhưng do thời gian hoàn tất thủ tục không kịp, trong khi nếu chậm đưa cổ phiếu vào giao dịch trên thị trường chứng khoán tập trung, Vinatex đối mặt với nguy cơ bị xử phạt nên trước mắt lên UPCoM. Trong năm 2017, Vinatex sẽ chuyển sàn, niêm yết trên HOSE. 

Hữu Hòe

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục