Thật ra, từ năm 2006 hay sớm hơn một chút, vấn đề liên quan đến nợ dưới chuẩn đe dọa hệ thống tài chính tại Mỹ đã được nhiều nhà kinh tế và báo chí nước này gọi tên là cuộc khủng hoảng nợ dưới chuẩn (subprime mortgages crisis). Những tưởng, vậy là đã rõ: nợ dưới chuẩn chính là tội đồ. Thế nhưng, kết luận kia liệu có thật chính xác, khách quan, công bằng? Bởi, phải chăng do nhạy cảm hay bị nhuộm màu, có quá ít người nói lên sự thật rằng, nợ dưới chuẩn từng "có công" trong một thời gian dài. Công thế nào? Nếu vì lý do "quan điểm" trước một tình hình kinh tế tồi tệ có tên "vấn đề nợ dưới chuẩn" mà người ta không thể kể công nó đã làm giàu cho nhiều ngành kinh tế, đặc biệt là ngân hàng và địa ốc, thì ít ra về mặt xã hội, nhờ nợ dưới chuẩn mà nhiều người dân "dưới chuẩn" (không riêng ở Mỹ) đã giải quyết được khó khăn về nhà ở, xe đi…
Cứ nghĩ, dưới chuẩn là xấu tất, không ít thông tin đã cào bằng nợ dưới chuẩn là loại độc hại, phê phán không tiếc lời loại nợ này. Có biết đâu, bản thân nợ dưới chuẩn thật ra không có gì đáng gọi là độc hại cả. Nếu ta biết rõ cơ chế cho vay nợ tại Mỹ và nhiều nước khác, cùng với việc xếp loại thế nào là nợ chuẩn (standard hay prime loans) và thế nào là dưới chuẩn (sub-prime loans) thì có lẽ người ta sẽ nhận định khách quan và đúng mực hơn. Là vì, trong thực tế, chỉ có lòng tham con người, sự cho vay cẩu thả hoặc người đi vay cẩu thả và cơ chế quản lý lỏng lẻo mới là những thứ độc hại.
Cũng có nhiều phê phán về chính sách nới lỏng, biểu hiện không đồng tình về việc mở ra hoạt động cho vay dưới chuẩn. Tuy nhiên, chưa thấy có ai nêu giả định, nếu hệ thống ngân hàng (cụ thể là Mỹ) chỉ duy trì tiêu chí cho vay bảo thủ "trên chuẩn" (như trước những năm 1970) thì có nên? Sự thực là ở Mỹ, chẳng phải đã không có sự tung hô các chính sách dân túy, không ít người đã vui hưởng phồn vinh, hoặc thực hiện được ước mơ sở hữu nhà, xe của mình từ nợ dưới chuẩn… cho đến khi niềm hưng phấn ấy trở nên quá đà. Không khó thấy một chính sách (của doanh nghiệp) hay một hàng rào nào được dựng lên đều có thể có hai mặt, nếu được cái này thì sẽ mất hoặc không được cái khác. Nếu ngân hàng bảo thủ, chỉ cho đối tượng "trong luồng" (người đủ chuẩn) vay thì cơ hội kinh doanh sẽ bó hẹp. Việc này sẽ đẩy người dưới chuẩn vào thế bị đói vốn? Và đây có thể là sự thiệt thòi. Vậy hãy xem lỗi có phải là do bản thân cách phân biệt chuẩn hay dưới chuẩn?
Sự vận động của hoạt động tín dụng nói chung và nợ dưới chuẩn nói riêng cho thấy, dù được gọi là dưới chuẩn, loại nợ này vẫn có tiêu chí cho vay (theo thang điểm) dành cho người đi vay không nằm ở khung điểm cao, tức khung chuẩn mà ngành ngân hàng gọi là nguồn chính thống (mainstream). Nhìn ở góc độ làm ăn, việc phân mảng khách hàng ở đây đặt giới điều hành trước việc phải chọn lựa hay quyết định liều lượng giữa an toàn (lời ít) và rủi ro (lời nhiều), thử thách năng lực, đạo đức và trách nhiệm của họ với môi trường kinh doanh. Ví dụ, một người mua nhà với khoản nợ chuẩn vay theo điều kiện tài trợ chuẩn (mainstream financing) chịu lãi suất 7,5% và trả trước 10% (downpayment) thì cũng khoản nợ này, nhưng cho người dưới chuẩn vay, lãi suất có thể sẽ là 9% và trả trước 20%. Ngôn từ tài chính gọi khoảng chênh lệch của bách phân cao hơn áp dụng đối với trường hợp này (nợ dưới chuẩn) là khoản bù rủi ro trong hoạt động cho vay, mà nếu không có sự phân biệt chuẩn và dưới chuẩn thì sự việc có lẽ dễ được cho là bình thường. Suy cho cùng, vấn đề có thể là giới hạn, điều kiện chế tài bổ sung, hệ thống giám sát và cảnh báo…
Có thể hiểu, nợ dưới chuẩn đơn giản chỉ là khoản cho vay dành cho đối tượng không đủ điểm chuẩn tín nhiệm theo xếp loại của ngân hàng. Đây là sự phân biệt có tính kỹ thuật cho tất cả khoản nợ nằm dưới thang điểm cao nhất. Theo tiêu chí FICO, điểm tín nhiệm được xếp từ 300 đến 850 và thang chuẩn có điểm trên 650. Tùy theo mức độ, khoản nợ cho người có điểm tín nhiệm dưới chuẩn vay có đặc điểm lãi suất cao, chiết khấu sâu, tỷ lệ nợ vay tối đa trên tài sản thế chấp thấp so với khoản nợ chuẩn. Đối tượng đi vay như vậy không có gì đáng trách và bản thân món nợ cũng chẳng có gì là độc hại. Độc hại có khi lại rơi vào khoản nợ "chuẩn mà không chuẩn" và sự đáng trách có khi nằm ở phía người vay "đủ chuẩn" nhờ bùa phép để có điểm tín nhiệm cao. Độc hại hay đáng trách cũng nên được xét từ phía tổ chức cho vay liều lĩnh, đã rót tiền cho khách hàng không thu nhập, không việc làm, không tài sản. Cần biết, ở Mỹ và các nước phát triển, việc chấm điểm tín nhiệm (credit scoring) thường dựa trên tiêu chí về thu nhập, tài sản, việc làm, thời gian định cư hay chỗ ở ổn định bao lâu, mức độ tín nhiệm được ghi nhận trong quá khứ thế nào… Vậy có thể xem những trường hợp vay và cho vay liều lĩnh như vừa nêu chẳng có chuẩn nào cả.
Việc hiểu rõ bối cảnh giúp xóa nếp nghĩ oan sai trong thông tin và tiếp nhận thông tin. Bởi, cho dù vừa qua, vấn đề liên quan đến nợ dưới chuẩn có bị tai tiếng (gọi "vấn đề liên quan đến nợ dưới chuẩn" là để phân biệt với cách nói chưa chính xác là "vấn đề nợ dưới chuẩn"), nhưng hiện nay hoạt động cho vay theo các tiêu chí dưới chuẩn vẫn diễn ra ở Mỹ và nhiều nước có áp dụng chấm điểm tín nhiệm.
Việc chấn chỉnh các hoạt động nhạy cảm của ngành ngân hàng mà thế giới đã và đang tập trung mới là vấn đề trọng tâm. Nhưng đây là việc khác. Thật ra, yêu cầu chấn chỉnh này không mới, ít ra đã có từ năm 1998 sau biến cố sụp đổ của Quỹ đầu cơ LTCM (một hedge fund) và chiến dịch đại tu (overhaul) đặt ra cho ngành ngân hàng Mỹ hồi tháng 6/2009 không ngoài mục đích này.