Sự sụp đổ của tiết kiệm toàn cầu có nguy cơ dẫn tới chi phí vay cao hơn

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Nguồn tiết kiệm dư thừa toàn cầu đang cạn kiệt, kết quả là lãi suất dài hạn trên toàn thế giới có thể sẽ tăng cao hơn.
Sự sụp đổ của tiết kiệm toàn cầu có nguy cơ dẫn tới chi phí vay cao hơn

Dân số già đi, nền kinh tế Trung Quốc gặp khó khăn và nền kinh tế toàn cầu ngày càng phân mảnh là một trong những yếu tố đe dọa biến thặng dư tiết kiệm mà cựu chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Fed (Fed) Ben Bernanke xác định gần 20 năm trước thành thiếu hụt.

Theo một số nhà kinh tế, kết quả của điều này là một sự đảo ngược xu hướng giảm lãi suất kéo dài hàng thập kỷ khi những người đi vay buộc phải trả nhiều chi phí hơn cho nguồn cung tiền mặt dư thừa đang giảm dần.

Cựu Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và Thủ tướng Ý Mario Draghi cho biết trong một bài phát biểu gần đây: “Chúng ta đang bước vào kỷ nguyên của sự cạnh tranh địa chính trị lớn hơn và quan hệ kinh tế mang tính giao dịch nhiều hơn sẽ làm giảm nguồn cung tiết kiệm toàn cầu… Áp lực giảm lãi suất thực toàn cầu vốn đánh dấu phần lớn kỷ nguyên toàn cầu hóa cần được đảo ngược”.

Năm 2005, cựu chủ tịch Fed Ben Bernanke cho rằng, thế giới đã tràn ngập tiền tiết kiệm vì Trung Quốc và các thị trường mới nổi khác đang đẩy mạnh xây dựng dự trữ ngoại hối như một biện pháp bảo hiểm trước các cuộc khủng hoảng tài chính trong tương lai. Các nhà xuất khẩu dầu mỏ cũng có nhiều tiền hơn để đầu tư nhờ giá năng lượng tăng cao. Kết quả là: Áp lực giảm lãi suất dài hạn xuất hiện trên toàn thế giới, bao gồm cả ở Mỹ.

Dữ liệu được tổng hợp riêng biệt bởi Robert Dugger, người sáng lập Hanover Provident và các nhà kinh tế Robert Barsky và Matthew Easton của Fed Chicago cho thấy tình trạng dư thừa tiền tiết kiệm đã lên đến đỉnh điểm cách đây vài năm. Tuy nhiên, tác động của nó đã bị che lấp bởi các chính sách tiền tệ đặc biệt dễ dàng mà Fed và các ngân hàng trung ương khác áp dụng để thoát khỏi cuộc khủng hoảng tài chính 2007-2009. Đại dịch sau đó đã tạo ra một lượng tiền mặt thậm chí còn lớn hơn từ các cơ quan tài chính và tiền tệ khi họ cố gắng để giữ cho nền kinh tế tiếp tục phát triển.

Giờ đây, khi các ngân hàng trung ương giảm bớt can thiệp vào thị trường trái phiếu toàn cầu, tác động của nguồn tiết kiệm suy giảm đang bắt đầu lộ rõ. Julian Brigden, đồng sáng lập của Macro Intelligence 2 Partners nhận thấy, lợi suất thực tế tăng và phần bù kỳ hạn cao hơn đối với Trái phiếu Kho bạc Mỹ là sự phản ánh của hiện tượng đó.

Ông Julian Brigden kỳ vọng lãi suất sẽ tăng cao hơn trong những năm tới khi các xã hội già hóa chi tiêu tiết kiệm, nâng mức giá trị hợp lý của trái phiếu Kho bạc kỳ hạn 10 năm lên khoảng 8% vào khoảng năm 2050 từ mức khoảng 3% hiện nay.

Bền vững về mặt chính trị

Vai trò của Trung Quốc với tư cách là nhà cung cấp tiền tiết kiệm lớn cho phần còn lại của thế giới cũng có thể giảm bớt do nước này bị Mỹ gây áp lực trên nhiều mặt trận thương mại và công nghệ. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự đoán tiết kiệm của Trung Quốc sẽ giảm xuống 42,4% tổng sản phẩm quốc nội vào năm 2028 từ mức hơn 44% của năm 2023 và 45,7% vào năm 2022 khi thặng dư tài khoản vãng lai của nước này giảm xuống.

Phát biểu tại cuộc họp của Hiệp hội Kinh tế Kinh doanh Quốc gia vào ngày 15/2, Thủ tướng Ý Mario Draghi cho biết, các mô hình kinh tế và kinh doanh dựa trên thặng dư thương mại lớn như của Trung Quốc “có thể không còn bền vững về mặt chính trị. Sự thay đổi trong quan hệ quốc tế này sẽ ảnh hưởng đến nguồn cung tiết kiệm toàn cầu”.

Phó Giám đốc điều hành IMF Gita Gopinath đã cảnh báo về nguy cơ xảy ra một cuộc Chiến tranh Lạnh khác, lần này khiến hai nền kinh tế lớn nhất thế giới là Mỹ và Trung Quốc đối đầu nhau.

“Các mối đe dọa đối với dòng vốn và hàng hóa tự do ngày càng gia tăng khi rủi ro địa chính trị ngày càng gia tăng”, bà cho biết.

Điều đó sẽ nâng cao sự phối hợp giữa các nhà hoạch định chính sách tài chính và tiền tệ độc lập mà trước đây chỉ thấy trong các trường hợp khẩn cấp về kinh tế như đại dịch.

Trong môi trường tiết kiệm khan hiếm, các chính phủ sẽ tìm cách tài trợ cho các chương trình đầy tham vọng như chuyển đổi sang lượng khí thải carbon bằng 0, trong khi các ngân hàng trung ương sẽ cảnh giác trước nguy cơ chi tiêu tăng cường như vậy có thể gây ra lạm phát bùng nổ.

Mong muốn tăng cường phối hợp như vậy còn mở rộng sang nền kinh tế lớn nhất thế giới, và lợi suất tăng cao đã đẩy chi phí lãi vay của chính phủ lên mức kỷ lục.

“Trong một thế giới cạnh tranh gay gắt để giành được khoản tiết kiệm có giới hạn, thành công sẽ đòi hỏi Fed và Quốc hội phải chú ý đến nguồn tiết kiệm sẵn có trên thế giới và hợp tác cùng nhau một cách cởi mở và liên tục”, ông Robert Dugger cho biết.

Tuy nhiên, không phải tất cả các nhà kinh tế đều tin rằng nền kinh tế thế giới đang bước vào một kỷ nguyên mới với lãi suất cao hơn. Mặc dù xã hội đang già đi, nhưng nhìn chung tuổi thọ cũng cao hơn. Điều đó thúc đẩy người già chi tiêu tiền tiết kiệm một cách thận trọng hơn và người trẻ thậm chí còn tiết kiệm nhiều hơn để nghỉ hưu.

Hạc Hiên
Theo báo chí nước ngoài

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục