Sự sụp đổ của Silicon Valley Bank (SVB) có tác động thế nào tới hệ thống tài chính?

(ĐTCK) Liệu những rắc rối liên quan tới Silicon Valley Bank (SVB) chỉ đơn giản là một sự bất thường hay là điềm báo về sự diệt vong của các tổ chức tài chính.

SVB là một ngân hàng cho vay trong lĩnh vực khởi nghiệp. Đây là mảng mà nhiều ngân hàng khác không muốn thực hiện vì rất ít công ty khởi nghiệp có tài sản đảm bảo. Khi Thung lũng Silicon bùng nổ trong 5 năm qua, quy mô tài sản của SVB cũng bùng nổ. Các khách hàng của ngân hàng do đó rủng rỉnh tiền mặt nên họ không cần phải đẩy mạnh đi vay.

Do đó, tiền gửi của SVB đã tăng hơn gấp bốn lần từ 44 tỷ USD vào cuối năm 2017 lên 189 tỷ USD vào cuối năm 2021, trong khi dư nợ cho vay của SVB chỉ tăng từ 23 tỷ USD lên 66 tỷ USD. Vì các ngân hàng kiếm tiền dựa trên chênh lệch giữa lãi suất tiền gửi và lãi suất cho vay, nên việc có một cơ sở tiền gửi lớn hơn nhiều so với dư nợ cho vay là một vấn đề. Do đó SVB cần có các tài sản sinh lãi khác. Đến cuối năm 2021, ngân hàng đã đầu tư 128 tỷ USD chủ yếu vào trái phiếu thế chấp và trái phiếu Kho bạc Mỹ.

Sau đó, thế giới đã thay đổi. Lãi suất tăng vọt khi lạm phát trở nên nghiêm trọng. Điều này đã huỷ đi vận may trong đầu tư mạo hiểm và khiến giá trái phiếu giảm mạnh, khiến ngân hàng chịu ảnh hưởng đáng kể. Vì ngân hàng thực hiện đầu tư trong thời gian lãi suất thấp nên đã mua trái phiếu ở mức giá cao nhất. Khi việc huy động vốn đầu tư mạo hiểm cạn kiệt, các khách hàng của SVB cạn kiệt tiền gửi, ngân hàng buộc phải bán toàn bộ danh mục đầu tư trái phiếu thanh khoản của mình với giá thấp hơn so với thực tế. Khoản lỗ mà ngân hàng phải chịu đối với những khoản đầu tư này là khoảng 1,8 tỷ USD và là một lỗ hổng mà ngân hàng đã cố gắng bù đắp bằng việc huy động vốn.

Câu hỏi bây giờ là liệu sẽ có một gói cứu trợ hay không và nếu có thì gói cứu trợ đó cần lớn đến mức nào để giúp người gửi tiền được an toàn. Biện pháp can thiệp sẽ không phổ biến. Nhưng nếu không có những người gửi tiền cứng rắn thì đó có thể là lựa chọn duy nhất, vì SVB rõ ràng không nắm giữ đủ tài sản để bù đắp những tổn thất.

Larry Summers, cựu Bộ trưởng Tài chính Mỹ đã nói rằng, chừng nào chính phủ còn can thiệp, thì không có lý do gì phải lo lắng rằng SVB sẽ gây hại cho các bộ phận khác của hệ thống tài chính.

Nỗi sợ hãi về rủi ro hệ thống đã lan rộng khắp các thị trường trong tuần này sau khi các nhà đầu tư nghĩ rằng họ đã sống sót sau cuộc chiến chống lạm phát tồi tệ nhất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed).

Cổ phiếu ngân hàng của Mỹ được cho là nơi trú ẩn an toàn trong một thế giới có lãi suất tăng cao, đã dẫn đầu đợt lao dốc và có tuần tồi tệ nhất kể từ vụ sụp đổ Covid.

Kỳ vọng Fed sớm ngừng tăng lãi suất

Mặc dù thị trường chưa biết được liệu sự thất bại của SVB có gây ra rủi ro lan rộng đối với hệ thống tài chính hay không, nhưng gợi ý rằng điều đó đủ gây lo sợ cho các nhà đầu tư.

Alec Young, chiến lược gia trưởng về đầu tư tại MAPsignals cho biết: “Tình hình này sẽ khiến Fed có những động thái chậm rãi trong việc tăng lãi suất hơn”.

Đối với các nhà đầu tư nói chung, câu hỏi đặt ra là liệu sự lo lắng đối với hệ thống ngân hàng có đủ để thúc đẩy một đợt giảm giá lớn khác trong thị trường giá xuống bắt đầu từ 14 tháng trước hay không. Các nhà đầu tư nhận thức được rằng cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 không phải là giai đoạn tồi tệ nhất cho đến khoảng một năm sau đợt bán tháo, khi sự thất bại của Lehman Brothers khiến chỉ số S&P 500 giảm 30% bắt đầu từ tháng 9 năm đó.

Hiện tại, các nhà đầu tư lại một lần nữa định giá khả năng ngân hàng trung ương có thể sớm ngừng tăng lãi suất và thực sự hạ lãi suất vào cuối năm nay. Điều đó dẫn đến việc lợi tức trái phiếu kho bạc kỳ hạn 2 năm giảm mạnh nhất trong hai ngày kể từ năm 2008, sau khi vượt qua mức 5% lần đầu tiên kể từ năm 2007 vào đầu tuần này.

Sau bài phát biểu của Chủ tịch Fed, Jerome Powell trước Quốc hội Mỹ vào thứ Tư (8/3), việc tăng lãi suất 50 điểm cơ bản trong tháng này được xem là có khả năng xảy ra hơn một động thái tăng lãi suất 25 điểm cơ bản khác. Nhưng với việc lãi suất tăng sau đó được cho là nguyên nhân gây ra sự cố sụp đổ của SVB, thị trường hiện đang định giá mức lãi suất chính sách của ngân hàng trung ương sẽ đạt đỉnh khoảng 5,3% vào tháng 6 và kết thúc năm dưới 5%. Mức lãi suất cao nhất dự kiến ​​hiện đã giảm mạnh so với mức 5,7% được định giá vào đầu tuần này sau khi Chủ tịch Fed trong phiên điều trần trước Quốc hội dường như mở ra cơ hội cho tốc độ tăng lãi suất trở lại.

Tony Farren, Giám đốc điều hành của Mischler Financial Group cho biết: “Các quan chức Fed phải chú ý đến điều này vì dường như có điều gì đó đang bắt đầu rạn nứt và họ đã tăng lãi suất rất nhiều”.

Ngay cả khi không có rủi ro hệ thống nào xảy ra, những khó khăn của SVB là một lời nhắc nhở rằng các ngân hàng có thể gặp khó khăn trong việc tạo ra lợi nhuận ngay cả trong môi trường lãi suất tăng. Đó có thể là vấn đề đau đầu đối với tất cả mọi người, do nhóm này được các nhà phân tích dự báo sẽ có mức tăng trưởng lợi nhuận cao thứ hai trong số các ngành thuộc S&P 500 trong năm nay.

Mặc dù lãi suất cao hơn thường được cho là sẽ hỗ trợ thu nhập lãi thuần, nhưng vấn đề trở nên phức tạp vào năm 2023 do đường cong lợi suất đảo ngược làm giảm lợi suất của tài sản dài hạn so với nợ ngắn hạn.

SVB cuối cùng lại trở thành hậu quả của vấn đề đó vì ngân hàng phục vụ cho nhiều công ty được hỗ trợ bởi vốn đầu tư mạo hiểm và các công ty khởi nghiệp đang phải vật lộn với khủng hoảng tiền mặt khi Fed thắt chặt các quy định.

“Đây chỉ là một ví dụ khác về những điều đổ vỡ trong một nền kinh tế đã quen với lãi suất thấp trong một thập kỷ rưỡi. Khi lãi suất bắt đầu tăng, cả danh nghĩa và thực tế, đó là những gì đã xảy ra trong năm ngoái, mọi thứ sẽ đổ vỡ, bởi vì có toàn bộ mô hình kinh doanh được xây dựng trên tiền rẻ”, Ellen Hazen, chiến lược gia trưởng tại F.L. Putnam Investment Management cho biết.

Vũ Duy Bắc
Theo báo chí nước ngoài

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục