Ông nhận định như thế nào về tình hình kinh tế Việt Nam năm 2018?
Năm nay, lạm phát được dự báo cao hơn năm ngoái, tuy nhiên vẫn thấp hơn mức 5%, do đó không ảnh hưởng lớn tới nền kinh tế. Bên cạnh đó, tăng trưởng kinh tế có triển vọng lạc quan ở nhiều khía cạnh.
Cụ thể, xuất khẩu gia tăng, cán cân thanh toán thặng dư, dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) chảy vào tích cực, dòng vốn đầu tư gián tiếp (FII) tăng trưởng, nhất là khi thị trường chứng khoán Việt Nam phát triển thêm về chiều sâu, ngoại hối ổn định.
Hiện Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tiếp tục lộ trình tăng lãi suất cơ bản đồng USD, song theo chu kỳ tăng trưởng kinh tế, đồng USD trên thế giới khó có khả năng tăng giá mạnh, nên không cần quá lo lắng về áp lực lên tỷ giá tiền đồng.
Các yếu tố bên ngoài sẽ tác động như thế nào tới kinh tế trong nước, theo ông?
Kinh tế thế giới trong vòng 12 tháng tới vẫn tăng trưởng mạnh, các chỉ số đều thể hiện tín hiệu sáng. Do đó, các yếu tố bên ngoài sẽ có ảnh hưởng tích cực tới nền kinh tế Việt Nam trong thời gian tới.
Thông thường, các yếu tố trên thị trường toàn cầu tác động tới Việt Nam qua 3 con đường: Lạm phát, Fed và xuất khẩu. Chu kỳ về hàng hóa tăng giá trên thế giới sẽ góp phần tác động đến lạm phát của Việt Nam. Tuy nhiên, dư địa và kinh nghiệm kiểm soát lạm phát của Việt Nam đã có một bước tiến xa, do đó lạm phát sẽ không là vần đề lớn.
TS. Lê Anh Tuấn
Còn đối với Fed, dù cơ quan này nhiều lần tăng lãi suất trong thời gian qua, song thị trường ngoại hối của Việt Nam vẫn được kiểm soát ổn định.
Riêng với xuất khẩu, việc kinh tế thế giới tăng trưởng sẽ là cơ hội cho Việt Nam.
Đáng chú ý, trong trường hợp cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung xảy ra, chưa chắc Việt Nam đã chịu ảnh hưởng tiêu cực, thậm chí có thể trở thành yếu tố tốt trong trung hạn. Dù vậy, điều này vẫn phụ thuộc vào cách nhìn của giới đầu tư về Việt Nam khi cuộc chiến diễn ra và các yếu tố này vẫn chưa được thể hiện rõ ràng.
Cùng với sự khởi sắc của chứng khoán toàn cầu, chứng khoán Việt Nam thời gian qua đã tăng trưởng trở lại. Đánh giá của ông về thị trường chứng khoán Việt Nam trong năm 2018 ra sao? Liệu thị trường có tăng trưởng bền vững?
Sự tăng trưởng của thị trường chứng khoán Việt Nam là điều dễ nhận thấy. Cách đây 3 - 4 năm, quy mô thị trường chỉ vào khoảng 50 tỷ USD. Hiện tại, con số này đã tăng mạnh lên khoảng 180 - 200 tỷ USD. Chính sức mạnh này đã tạo nên sự hấp dẫn đối với các nhà đầu tư cả trong và ngoài nước.
Tất nhiên, đi kèm với tốc độ tăng trưởng mạnh này là việc định giá của thị trường chứng khoán Việt Nam không còn rẻ như trước, thậm chí một số mã chứng khoán đã trở nên đắt đỏ. Dù vậy, nhận định thị trường chứng khoán Việt Nam đã quá đắt là chưa chính xác.
Bên cạnh đó, so với các thị trường chứng khoán trong khu vực, dù Việt Nam có tốc độ tăng trưởng tích cực, nhưng mặt pháp lý và vấn đề bảo vệ nhà đầu tư vẫn chưa có sự cải thiện nổi trội, làm ảnh hưởng tới lợi nhuận của nhà đầu tư. Để thị trường tăng trưởng bền vững, còn nhiều vấn đề cần được hoàn thiện và phụ thuộc vào nhiều yếu tố.
Ông có cho rằng, các doanh nghiệp Việt Nam đã qua giai đoạn khó khăn và đang trên đà tăng trưởng?
Trong quá trình hoạt động, tất cả các doanh nghiệp đều muốn vươn lên, vượt qua khó khăn và tốt dần, nhưng không phải tất cả đều như kỳ vọng. Bởi nếu như vậy thì thị trường tăng trưởng quá nóng. Tuy nhiên, hiện tại, phần lớn các doanh nghiệp Việt Nam đang phục hồi tốt và trên đà mở rộng.
Do đó, chúng ta có thể nói rằng, chu kỳ kinh tế Việt Nam đang là chu kỳ tăng trưởng, không còn là chu kỳ phục hồi. Chu kỳ phục hồi xảy ra từ năm 2014 - 2016 và bắt đầu tăng trưởng từ năm 2017.
Trong năm vừa qua, tài chính - ngân hàng là một trong những lĩnh vực phát triển tích cực, với lợi nhuận đạt khá. Trong năm nay, liệu các nhà băng có đang kỳ vọng quá cao khi đặt ra mục tiêu lợi nhuận khủng?
Thực tế, ngành ngân hàng của Việt Nam đã bị ảnh hưởng khá nặng nề từ cuộc khủng hoảng tài chính 2011 - 2014. Tuy nhiên, một số ngân hàng tốt đã bắt đầu phục hồi từ năm 2016 về mặt lợi nhuận, chất lượng tài sản. Sau đó, nhiều nhà băng tham gia vào xu hướng này từ năm 2017 và sẽ tiếp tục tăng trưởng trong năm nay.
Tuy nhiên, sự phục hồi của ngành ngân hàng có sự phân hóa mạnh mẽ giữa các nhà băng trong hệ thống. Trong đó, ngân hàng tốt phục hồi nhanh, nhà băng yếu phục hồi chậm.
Theo tôi, sự phục hồi của các ngân hàng sẽ mạnh mẽ hơn trong năm 2018 - 2019, khi chất lượng tài sản tốt lên, hoàn nhập dự phòng lớn. Vì vậy, lợi nhuận cũng được kỳ vọng ở mức tích cực hơn so với những năm trước. Nhưng trong số đó cũng không loại trừ có một số ngân hàng nhỏ, yếu kém sẽ khó có thể phục hồi, dù thời gian có kéo dài đến năm 2020. Với các nhà băng này, có thể nói, giai đoạn 2017 - 2019 sẽ là điểm rơi mạnh.
Theo ông, nợ xấu của ngành ngân hàng có còn là mối lo đối với nền kinh tế nói chung và hoạt động ngân hàng nói riêng?
Nợ xấu của ngành ngân hàng hiện nay không còn là mối lo lớn của nền kinh tế, cho dù các nhà băng vẫn đang trong quá trình đẩy mạnh xử lý, nhất là với các khoản nợ xấu đã bán cho VAMC vào các năm trước.
Thực tế, tình trạng nợ xấu của ngành ngân hàng phụ thuộc rất lớn vào từng nhóm nhà băng. Trong đó, nhóm ngân hàng lớn nằm ở top đầu không còn lo ngại nhiều về vấn đề này. Nhóm kế tiếp tuy vẫn đang đẩy mạnh xử lý nợ xấu song cần có thêm thời gian. Và nhóm còn lại là các ngân hàng nhỏ, yếu, chủ yếu cho vay một vài đối tác liên quan, đến nay các khách hàng này chưa hồi phục nên ngân hàng vẫn gặp khó.
Sự phân hóa trong lĩnh vực ngân hàng có mạnh mẽ hơn trong thời gian tới, nhất là khi giai đoạn tái cơ cấu đang về gần đích?
Quá trình tái cơ cấu của ngành ngân hàng Việt Nam đã có bước tiến tích cực. Tuy nhiên, theo tôi, để thành công thì việc tái cơ cấu sẽ còn mất một bước dài để hoàn thiện hệ thống ngân hàng.
Hiện các ngân hàng cũng đã có sự phân hóa mạnh mẽ, trong đó phải kể đến là phân hóa về mặt chất lượng tài sản, năng lực tài chính và sức cạnh tranh. Một số ngân hàng lớn sẽ vươn lên tăng trưởng, song các nhà băng nhỏ vẫn khó, chất lượng tài sản của những ngân hàng yếu kém chưa thể cải thiện.
Áp lực tiến tới các chuẩn của Basel II có lớn đối với các ngân hàng Việt Nam khi thời hạn thực hiện không còn nhiều hay không, thưa ông?
Tương tự như vấn đề nợ xấu, việc áp dụng Basel II phụ thuộc vào từng nhóm ngân hàng. Trong đó, các ngân hàng Top đầu có khả năng tiến tới các chuẩn Basel II một cách không quá khó khăn.
Tuy nhiên, các ngân hàng có vốn nhà nước gặp trở ngại hơn trong việc thực hiện Basel II, bởi hệ số an toàn vốn (CAR) của các ngân hàng này thấp, muốn đẩy nhanh tín dụng phải nâng hệ số CAR, nhưng không dễ để tăng vốn trong bối cảnh nhà nước nắm cổ phần chi phối lớn. Trong khi đó, đối với ngân hàng cổ phần thì để tiến tới áp dụng các chuẩn của Basel II là không quá khó.
Khá nhiều nhà băng đang có kế hoạch phát hành cổ phiếu để tăng vốn với khối lượng rất lớn. Việc này có tạo áp lực lên giá cổ phiếu ngân hàng và liệu cổ phiếu ngân hàng còn được nhà đầu tư quan tâm, nhất là với cổ đông nước ngoài?
Sở dĩ các nhà đầu tư quan tâm rót vốn vào lĩnh vực ngân hàng, vì ở một góc độ nào đó, ngân hàng là huyết mạch của nền kinh tế. Thứ hai là hoạt động ngành ngân hàng đang vào chu kỳ phục hồi, tăng trưởng. Nhưng điều quan trọng chính là vốn hóa của các ngân hàng rất lớn nên có nhiều cơ hội cho các nhà đầu tư, nhất là với nhà đầu tư nước ngoài ở lĩnh vực này. Nếu một ngân hàng có vốn hóa vài tỷ USD thì sẽ thu hút được nhà đầu tư rót vốn.
Do đó, các kế hoạch phát hành cổ phiếu tăng vốn được ngân hàng thực hiện cũng là điều được nhà đầu tư quan tâm. Điển hình là các thương vụ IPO của một số ngân hàng lớn thời gian gần đây (VPBank, Techcombank, HDBank…) đã thu hút lượng lớn nhà đầu tư quan tâm, trong đó có cả nhà đầu tư ngoại.
Bên cạnh đó, giá cổ phiếu ngân hàng đang trong chu kỳ tăng trưởng trước chu kỳ khởi sắc của ngành nên cũng không áp lực khi tiến hành IPO. Còn trong thời gian từ nay đến cuối năm 2018, có không ít ngân hàng sẽ phát hành cổ phiếu tăng vốn, song lượng cổ phiếu mới sẽ không quá lớn. Bởi các ngân hàng còn lại chủ yếu là các ngân hàng có quy mô vừa và nhỏ, do đó sẽ không tạo áp lực lớn lên nguồn cung và giá.
Nhà đầu tư rất quan tâm đến ngành tài chính - ngân hàng Việt Nam, trong đó mối quan tâm lớn đối với nhà đầu tư ngoại là vấn đề nới room. Theo quan điểm của tôi, việc nới room trong lĩnh vực ngân hàng có sự kiểm soát của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước nên không đáng lo ngại. Dù room có được nới lên 49% thì ngành ngân hàng vẫn phải chịu sự kiểm soát của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước, nhà đầu tư ngoại khó có thể chi phối hoàn toàn.