Sự nhầm lẫn tai hại

Muốn trị lạm phát phải thắt chặt chính sách tiền tệ, nhưng đừng nhầm lẫn việc thắt chặt tiền tệ với việc đẩy lãi suất lên cao khủng khiếp như hiện nay.
Còn một cách để hạn chế lạm phát là gia tăng cung hàng hóa để tạo sự cân bằng Còn một cách để hạn chế lạm phát là gia tăng cung hàng hóa để tạo sự cân bằng

Hôm rồi, tôi có dịp gặp gỡ lại một số bạn bè lâu ngày không gặp (do bận công việc). Hầu hết chúng tôi đều là ông chủ của các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Câu chuyện bên tách càphê được bắt đầu bằng đủ các thể loại, nhưng sau một lúc cũng chuyển qua đề tài kinh tế.

Điều ngạc nhiên và khá buồn là hầu hết chúng tôi đều có chung một điểm trong kinh doanh là hạn chế đầu tư hoặc ngưng sản xuất - kinh doanh để chuyển tiền qua kênh tiết kiệm lấy lãi sống và… đi chơi.

Ai cũng biết, nền kinh tế nước ta hiện đang phải đối mặt với lạm phát cao, nên chính sách điều hành của Chính phủ đi theo hướng thắt chặt tiền tệ là điều dễ hiểu. Tất cả những nhà kinh tế đều biết, lạm phát bắt nguồn từ sự gia tăng cung tiền quá mức, vì vậy để kiềm chế lạm phát thì đương nhiên phải hạn chế cung tiền. Nhưng có một vấn đề phát sinh, mà tôi cho là rất nguy hiểm cho nền kinh tế là lãi suất của chúng ta hiện quá cao.

Gần đây, có rất nhiều ý kiến tranh luận của các chuyên gia, các doanh nghiệp, các nhà quản lý về chính sách tiền tệ của Việt Nam. Một số cho rằng, nên tiếp tục thắt chặt vì nguy cơ lạm phát vẫn còn, trong khi một số khác cho rằng, lạm phát đã dần được kiểm soát, trong khi doanh nghiệp đang khốn đốn, vì vậy cần phải nới lỏng một cách vừa phải để cứu doanh nghiệp. Tuy nhiên, cả 2 luồng ý kiến trên trên đều quên đi một điều vô cùng quan trọng đó là lãi suất.

Rõ ràng, lạm phát là do sự gia tăng cung tiền quá mức, vì vậy về nguyên tắc, muốn trị lạm phát phải thắt chặt chính sách tiền tệ, nhưng chúng ta đừng nhầm lẫn việc thắt chặt tiền tệ với việc đẩy lãi suất  lên cao khủng khiếp như hiện nay.

Cũng như các loại thuốc chữa bệnh, thường ít nhiều có tác dụng phụ ngoài ý muốn, vì vậy bác sỹ kê toa thường tìm cách hạn chế tác dụng phụ này. Lãi suất cũng vậy, nó là tác dụng phụ của việc hạn chế cung tiền. Nhưng hiện nay có nhiều người nhầm lẫn rằng, cứ điều trị lạm phát là phải tăng lãi suất và thắt chặt tiền tệ. Xin nhớ rằng, căn nguyên của lạm phát là do sự mất cân đối giữa Tiền - Hàng (tiền tệ và hàng hóa).

Lạm phát xảy ra khi tương quan này mất cân đối về vế cung tiền. Còn nếu vế hàng hóa có sự gia tăng quá mức, dẫn đến dư cung, để tránh khủng hoảng dư cung, thường các chính phủ sẽ cung ra một lượng tiền tệ tương đồng để tạo sự lưu thông hàng hóa, tạo sự quay vòng vốn cho sản xuất - kinh doanh và sự phát triển cho nền kinh tế.

Hiện nay, chúng ta đang phải đối phó với lạm phát, vì vậy nguyên tắc hút tiền ra khỏi lưu thông là tất yếu. Tuy nhiên, vẫn còn một cách để hạn chế lạm phát, chính là tìm cách gia tăng cung hàng hóa để tạo sự cân bằng (Tiền - Hàng). Nếu hàng hóa thiết yếu bị thiếu hụt so với dân số thì thử hỏi hút tiền về có giải quyết được không? Với thực trạng hiện nay, chúng tôi - những doanh nghiệp người sản xuất, là những người đóng vai trò cung ứng hàng hóa cho xã hội, nhưng không làm công việc của mình mà đồng loạt gửi tiền vào ngân hàng thì thử hỏi nền kinh tế nước nhà sẽ đi đến đâu? Việc kiềm chế lạm phát có đạt kết quả như kỳ vọng của Chính phủ?

Cần phải hiểu rằng, lãi suất tăng cao là một tác dụng phụ có hại trong quá trình điều trị căn bệnh lạm phát để có những đối phó thích hợp.

Vì vậy, theo tôi, điều hành chính sách tiền tệ phải làm sao để những doanh nghiệp sản xuất như chúng tôi không muốn gửi tiền vào ngân hàng, mà phải đầu tư vào sản xuất - kinh doanh, tạo ra hàng hóa cho xã hội. Khi đó, không những nền kinh tế phát triển, mà lạm phát cũng được kiềm chế.

Phạm Đình Thuận, 10A-4-6 Sky Garden, Phú Mỹ Hưng Q.7, TP. HCM
Phạm Đình Thuận, 10A-4-6 Sky Garden, Phú Mỹ Hưng Q.7, TP. HCM