Sự minh bạch của BCTC

(ĐTCK-online) Chúng ta lại chuẩn bị bước vào mùa công bố báo cáo tài chính (BCTC) năm 2009. Chúng tôi xin giới thiệu cùng NĐT một số vấn đề tham khảo trong khi xem xét các BCTC của DN. Bài dịch từ tài liệu CFA Kaplan Schweser.
Sự minh bạch trong việc lập BCTC bao hàm việc công bố các thông tin của DN một cách dễ hiểu và đáng tin cậy Sự minh bạch trong việc lập BCTC bao hàm việc công bố các thông tin của DN một cách dễ hiểu và đáng tin cậy

Sự minh bạch trong việc lập BCTC bao hàm việc công bố các thông tin của DN một cách dễ hiểu và đáng tin cậy.

Các nguyên tắc kế toán được thừa nhận chung (GAAP) yêu cầu mức tối thiểu đối với thông tin phải được công bố và hiện tại có rất nhiều công ty chọn việc công bố nhiều thông tin hơn so với yêu cầu tối thiểu đó. Những năm gần đây, phần báo cáo của ban giám đốc và phân tích BCTC của DN vì thế được mở rộng đáng kể.

Cho dù chất lượng của các thông tin công bố đã được nâng lên, nhưng người đọc BCTC vẫn cần phải đánh giá chất lượng của các thông tin này. Có nhiều bài học được rút ra từ các vụ bê bối về kế toán vừa qua.

 

Đọc toàn bộ Báo cáo thường niên

Báo cáo thường niên không chỉ bao gồm các BCTC. Các thuyết minh BCTC, báo cáo của ban giám đốc và phân tích BCTC là nơi mà NĐT có thể tìm thấy nhiều lý giải chi tiết tại báo cáo này.

Thuyết minh BCTC cung cấp thông tin về các nguyên tắc kế toán được áp dụng của DN, ước đoán và giả định cùng với các thông tin quan trọng khác. Báo cáo của ban giám đốc cung cấp thông tin về thanh khoản, nguồn vốn và kết quả hoạt động của DN. Một số DN tự nguyện sử dụng mục này để cung cấp thêm thông tin về đặc thù của chính sách kế toán được họ áp dụng.

Nhưng không may là không có một tiêu chuẩn nào về khuôn mẫu và nội dung đối với báo cáo của ban giám đốc và phần ghi chú. Chính vì vậy, đây là phần mà tính minh bạch của BCTC thể hiện rõ nét nhất. Khi thuyết minh BCTC và phần chú thích khó hiểu thì người đọc cần đánh giá một cách cẩn trọng.

 

Thận trọng

Thông thường, BCTC thể hiện thông tin tài chính trung thực. Tuy nhiên, đối với những trường hợp ngoại lệ thì cần phải đánh giá một cách cẩn trọng, khi mà thu nhập của DN tăng trưởng nhanh hơn ngành và nền kinh tế.

Xét về dài hạn, tăng trưởng của DN sẽ không bền vững nếu dòng tiền từ hoạt động kinh doanh (operating cash flow) không tăng trưởng tương ứng. Trong ngắn hạn, nguồn vốn phục vụ cho tăng trưởng có thể huy động qua các khoản vay nợ. Tuy nhiên, thị trường tín dụng có thể bị cạn kiệt, dẫn đến việc DN không có sự hỗ trợ của nguồn tiền mặt tương ứng. Đây là một trong nhiều vấn đề đã từng xảy ra với Enron.

 

Đánh giá các thông tin công bố

 

Một số thông tin đòi hỏi phải được công bố phù hợp với các nguyên tắc kế toán được chấp nhận chung - GAAP, trong khi các thông tin khác thuộc loại thông tin không chuẩn mực.

Thông thường, thông tin được công bố đề cập tới thu nhập của DN hay các hợp phần của nó. Trong kế toán, "thu nhập" hay "lợi nhuận" thường được sử dụng tương tự nhau. Tuy nhiên, chúng không hẳn giống nhau. Vì vậy, cần hiểu như thế nào về định nghĩa thu nhập của DN vô cùng quan trọng.

 

Một số chỉ tiêu về lợi nhuận

Lợi nhuận trước chi phí lãi, thuế, khấu hao và chi phí phân bổ (EBITDA) thường được sử dụng như một chỉ tiêu thay thế cho dòng tiền từ hoạt động kinh doanh, mặc dù số liệu này được tính toán dựa vào thu nhập. EBITDA không tính đến những thay đổi trong các khoản mục công nợ bảng cân đối kế toán và phụ thuộc vào rất nhiều ước đoán và đánh giá được áp dụng trong kế toán dồn tích.

Lợi nhuận trước lãi và thuế (EBIT) thường dùng để chỉ thu nhập hoạt động hay lợi nhuận hoạt động, ngoại trừ ảnh hưởng của các hoạt động tài chính và thuế.

Lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh là phần lợi nhuận từ các hoạt động kinh doanh thông thường của DN, không tính tới các khoản mục khác (lợi nhuận từ hoạt động khác bao gồm các hoạt động bất thường và rất bất thường - theo US GAAP, mục này được trình bày sau thuế và bên dưới hoạt động kinh doanh thường - ND). Nếu không có các khoản lợi nhuận khác bất thường này, lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh và tổng lợi nhuận ròng là như nhau.

Lợi nhuận ròng là dòng cuối cùng của báo cáo kết quả kinh doanh. Nó bao gồm tất cả doanh thu, chi phí, lời, lỗ và các khoản mục khác.

Trong các công bố thông tin không theo chuẩn mực, một số công ty sử dụng cách đánh giá riêng. Cụ thể là họ loại bỏ một số giao dịch không thường xuyên và không lặp lại (các khoản mục bất thường). Ví dụ, DN có thể loại bỏ khoản chi phí tái cấu trúc ra khỏi hoạt động thông thường và ghi nhận nó như là các khoản mục không lặp lại. Ở một số công ty, các chi phí tái cấu trúc dường như có thể lặp lại trong vài năm một lần. Vì vậy, cần kiểm tra trong thuyết minh BCTC và các công bố khác xem các giao dịch đó có nên loại trừ để phục vụ cho việc đánh giá phân tích hay không.

 

Kiểm tra dòng tiền

Xu thế của dòng tiền từ hoạt động kinh doanh thường đáng tin cậy hơn xu thế của thu nhập. Độ tin cậy của dòng tiền hoạt động thường cao hơn chỉ tiêu thu nhập DN, bởi vì nó ít chịu ảnh hường của các ước tính kế toán. Tuy nhiên, theo thời gian, cần có sự tương quan ổn định và mật thiết giữa tăng trưởng của dòng tiền và thu nhập. Nếu không, công ty có thể đã sử dụng các "thao tác kỹ thuật" để bóp méo số liệu về lợi nhuận của DN. Trong dài hạn, tăng trưởng của thu nhập không có sự hỗ trợ của dòng tiền hoạt động thì sẽ không bền vững.

Tiêu biểu như trường hợp của Enron, có sự khác biệt lớn giữa dòng tiền từ hoạt động kinh doanh và lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh. Dòng tiền hoạt động âm trong khi lợi nhuận hoạt động vẫn dương, sự tăng trưởng của lợi nhuận vượt quá xa sự tăng trưởng của dòng tiền hoạt động.

 

Hiểu về rủi ro

Ba loại phòng vệ thông thường

 

Mục đích

Cách nhận biết

Phòng vệ giá trị hợp lý

Đối phó với việc thay đổi của giá trị hợp lý của tài sản hay nợ

Lãi và lỗ được thể hiện trong báo cáo kết quả kinh doanh

Phòng vệ dòng tiền

Đối phó với sự thay đổi của dòng tiền từ các giao dịch được báo trước

Lãi và lỗ được báo cáo trong báo cáo vốn cổ đông và báo cáo kết quả kinh doanh nếu giao dịch có ảnh hưởng đến thu nhập của DN.

Phòng vệ đầu tư vào công ty con ở nước ngoài

Đối phó với khoản đầu tư thực tế của chi nhánh hoạt động ở nước ngoài

Lãi và lỗ được thể hiện trong phần vốn cùng với giao dịch lãi lỗ

 

DN phải đối mặt với nhiều rủi ro như rủi ro kinh doanh và rủi ro về tài chính. NĐT cần xem xét chính sách quản lý rủi ro của DN. Không phải DN nào cũng đối mặt với những rủi ro giống nhau.

Một số rủi ro thông thường như: rủi ro lãi suất; rủi ro tỷ giá hối đoái; rủi ro nợ phải thu; rủi ro giá cả nguyên vật liệu đầu vào.

DN thường xuyên sử dụng các công cụ phái sinh để quản lý rủi ro. Thông thường, các giao dịch này bao gồm một số loại phòng vệ như phòng vệ giá trị hợp lý (fair value) hay dòng tiền (cash flow) để đối phó với việc thay đổi của giá trị hợp lý hay dòng tiền làm phát sinh rủi ro tài sản và nợ của DN.

Phái sinh được phản ánh trên bản cân đối kế toán theo giá trị hợp lý. Nếu công ty sử dụng công cụ phái sinh để đầu cơ, các khoản lãi và lỗ (đã hiện thực hoặc chưa hiện thực) được ghi nhận vào báo cáo kết quả kinh doanh. Nếu các phái sinh được sử dụng cho mục đích phòng vệ, lãi hay lỗ sẽ được ghi nhận dựa vào mục đích của các phòng vệ này (giá trị hợp lý, dòng tiền hay là khoản đầu tư ròng vào chi nhánh ở nước ngoài).

Phòng vệ giá trị hợp lý: DN sử dụng các phái sinh để phòng vệ cho các thay đổi trong giá trị hợp lý của các tài sản và các khoản nợ. Ví dụ, DN có thể sử quyền chọn bán để phòng vệ cho khoản đầu tư cổ phần. Nếu phòng vệ là hoàn hảo, khoản lãi hay lỗ của phái sinh sẽ bù trừ hoàn toàn với lãi hay lỗ của tài sản hay nợ đã được phòng vệ đó. DN báo cáo các phái sinh và tài sản hay khoản nợ đã được phòng vệ trên bảng cân đối kế toán ở mức giá trị hợp lý. Bên cạnh đó, khoản lãi hay lỗ chưa hiện thực hóa từ phái sinh và từ tài sản hay nợ đã được phòng vệ được ghi nhận ngay trong báo cáo kết quả kinh doanh.

Phòng vệ dòng tiền: DN sử dụng công cụ phái sinh để phòng vệ biến động của dòng tiền. Ví dụ, có thể sử dụng hợp đồng kỳ hạn để phòng vệ cho dòng tiền tương lai của một giao dịch đã định trước. Giống như phòng vệ giá trị hợp lý, DN báo cáo công cụ phái sinh theo giá trị hợp lý trong bản cân đối kế toán. Tuy nhiên, các khoản lãi lỗ chưa hiện thực không được thể hiện trong báo cáo kết quả kinh doanh, mà được báo cáo trong phần vốn cổ đông như là một phần bổ sung khác của thu nhập (other comprehensive income - ND, phần này khác biệt với các quy định về kế toán tại Việt Nam). Lợi nhuận hoặc lỗ lũy kế sẽ được thể hiện trong báo cáo kết quả kinh doanh, khi giao dịch được phòng vệ đó gây ảnh hưởng đến thu nhập của DN.

Phòng vệ khoản đầu tư các chi nhánh ở nước ngoài: DN có công ty con ở nước ngoài có thể tham gia ký kết hợp đồng trao đổi ngoại tệ và các giao dịch, nhằm hạn chế những ảnh hưởng của biến động của đồng ngoại tệ đến khoản đầu tư vào công ty con. Khoản lãi lỗ của các giao dịch ngoại tệ đó không thể hiện trong báo cáo kết quả kinh doanh, mà được báo cáo trong phần vốn cổ đông và là một phần trong thu nhập bổ sung khác.

Phòng vệ được đánh giá hiệu quả khi mà sự thay đổi trong giá trị hợp lý, dòng tiền và khoản đầu tư được loại trừ vừa đúng bởi sự thay đổi của công cụ phòng vệ. Nếu như sự thay đổi về công cụ phòng vệ chênh lệch so với sự thay đổi về giá trị, dòng tiền hay khoản đầu tư, phần chênh lệch đó được coi là phần phòng vệ không hiệu quả. Trong tất cả các loại phòng vệ, phần phòng vệ không hiệu quả được thể hiện trong báo cáo kết quả kinh doanh.

Bộ phận Tư vấn và Phân tích, CTCK Hà Nội - HSSC
Bộ phận Tư vấn và Phân tích, CTCK Hà Nội - HSSC

Tin cùng chuyên mục