Trả lời cho câu hỏi, hãy lựa chọn những doanh nhân Việt Nam đang làm nên những giá trị lớn cho cộng đồng, xã hội, nhiều cái tên đã được nhắc đến: doanh nhân Phạm Nhật Vượng, Trần Bá Dương, Thái Hương, Đặng Văn Thành, Nguyễn Thị Phương Thảo…
Đây không phải câu trả lời từ các chuyên gia kinh tế như thường lệ, mà là của chính các doanh nhân cũng không hề kém cạnh về danh tiếng, giá trị tài sản và cả giá trị đóng góp.
Lý giải về sự lựa chọn của mình, nhiều doanh nhân nói đến cảm xúc khi thực sự nhìn thấy sự phụng sự xã hội trong các nỗ lực kinh doanh, chia sẻ khát vọng về một Việt Nam không chỉ giàu có, mà còn hạnh phúc của những doanh nhân đó.
Trên thực tế, không dễ có sự công nhận trong chính giới kinh doanh. Và cũng không phải dễ để doanh nhân nói về lý tưởng, về sự tử tế, về giá trị nhân văn trong kinh doanh, mà không bị cho là sáo rỗng.
Cách đây vài năm, cũng câu hỏi này, không nhiều doanh nhân đưa ra lựa chọn nhanh và rõ ràng. Lý giải, họ nói đến những doanh nhân lớn lên nhờ cơ chế, nhờ quan hệ, nhờ địa tô… và cả lý do nhiều doanh nhân không muốn lớn, thậm chí không muốn lộ diện.
Khi đó, bất cứ một kế hoạch kinh doanh dù có mục tiêu xã hội nào được công bố, cũng bị đặt ngược rằng, lợi nhuận là quá lớn và đương nhiên phải chia sẻ.
Thực ra, dù có tính toán hay không, thì doanh nhân luôn tạo ra những giá trị cho xã hội. Đó là công ăn, việc làm cho mọi người, đó là sản phẩm, dịch vụ, đó là từng điểm phần trăm GDP trong nền kinh tế…
Ở góc nhìn này, không có doanh nhân nào không phụng sự xã hội, dù doanh nghiệp của họ là tập đoàn hay, hộ gia đình hay giới start-up…
Thậm chí, ngay cả việc chọn mô hình phát triển bền vững hay tìm kiếm các mô hình phát triển mới, cách đi mới cũng có thể được lý giải là do phải cạnh tranh khắc nghiệt của thị trường, nhất là khi Việt Nam đang hội nhập sâu rộng vào kinh tế thế giới.
Dường như đang có sự thay đổi lớn trong tư duy, trong lý tưởng, trong khát khao làm được những điều mà thế giới làm, thậm chí làm hơn cả những điều mà thế giới đang làm của nhiều doanh nhân.
Giới doanh nhân biết rõ hơn ai hết, trong nền kinh tế đang chuyển đổi, cơ chế, chính sách chưa hoàn thiện thì làm lớn, làm khác là đối mặt với rủi ro, thậm chí rất dễ thất bại. Khi đó, không chỉ trắng tay mà có thể đổi mặt với sự vô tình của pháp luật. Họ cũng biết rõ, nếu chọn con đường cũ thì vẫn có một cuộc sống đầy đủ, an toàn.
Nhưng chọn con đường khó, họ sẽ thúc đẩy sự phát triển của từng doanh nghiệp, của từng lao động trong doanh nghiệp, kích thích mong muốn được sống hạnh phúc, tử tế của từng người, dù doanh nghiệp có thể đi chậm hơn, khó khăn hơn.
Đặc biệt, vào thời điểm này, nhiều doanh nghiệp đã bước vào giai đoạn chuyển giao thế hệ lãnh đạo. Những người đi trước đã chuẩn bị cho thế hệ kế tiếp không chỉ giá trị tài sản, mà quan trọng hơn, là giá trị nhân văn trong kinh doanh, trong tìm kiếm lợi nhuận.
Từng doanh nhân, doanh nghiệp, người lao động tử tế, hạnh phúc sẽ tạo ra xã hội tử tế, hạnh phúc. Đó là nền tảng của phát triển bền vững. Đó là sứ mệnh mà thế hệ doanh nhân Việt Nam hiện tại đang đặt lên vai.