Sứ mạng của doanh nhân

(ĐTCK) “Đến một lúc nào đó, làm giàu không còn vì nhu cầu bản thân và gia đình mà trở thành niềm hạnh phúc khi được phục vụ cho nhân dân và xã hội”, ông Vũ Văn Tiền, Chủ tịch Tập đoàn Geleximco chia sẻ.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng gặp gỡ doanh nhân tại Phòng Thương mại và Công nghiệp (VCCI) Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng gặp gỡ doanh nhân tại Phòng Thương mại và Công nghiệp (VCCI)

Trong suốt quá trình phát động, bình chọn và trao giải 100 doanh nhân khởi nghiệp xuất sắc năm 2015 do Hội Doanh nghiệp trẻ Việt Nam thực hiện, cánh báo chí nhận xét rằng ông Vũ Văn Tiền, Chủ tịch Câu lạc bộ Sao Đỏ là người rất tích cực.

Bỏ sang một bên rất nhiều công việc bộn bề của người đứng đầu các tập đoàn tư nhân lớn, ông Tiền và nhiều lãnh đạo doanh nghiệp khác, thành viên câu lạc bộ Sao Đỏ, đã dành rất nhiều thời gian, tâm sức cho hoạt động này.

Ông bảo: “Tiền hay dự án không thực sự là vấn đề lớn với chúng tôi nếu nói để hỗ trợ các doanh nhân trẻ. Là doanh nhân, yêu cầu đầu tiên và xuyên suốt quá trình kinh doanh là khả năng phát hiện, tiếp cận các cơ hội, cả về tài chính và dự án cụ thể; khả năng huy động và sử dụng vốn. Nếu thiếu các tố chất này, không thể đi dài trên chặng đường kinh doanh đầy cạnh tranh. Bởi vậy, chúng tôi sẽ không chọn cách này hỗ trợ các doanh nhân trẻ mà sẵn sàng hỗ trợ bằng tư vấn, bằng chia sẻ trải nghiệm, bằng các khóa đào tạo, tọa đàm…”.

Lớp doanh nhân đàn anh, thuộc thế hệ Sao Đỏ đi trước, quan niệm, doanh nhân trẻ có sức khỏe, có ước vọng, nhưng thiếu thời gian trải nghiệm. Còn lớp doanh nhân đàn anh lại có thời gian và trải nghiệm. Sự kết hợp này sẽ tạo nên những doanh nhân khởi nghiệp tự tin, vững vàng.

“Truyền “lửa” thế hệ trẻ, giúp họ có được tinh thần, ý chí quyết tâm như mình đã từng có. Tôi tin, họ sẽ thành đạt trong tương lai”, Sao Đỏ Vũ Văn Tiền chia sẻ. Ông nhấn mạnh thêm “Kinh doanh là một hành trình đầy rủi ro, có nhiều mạo hiểm và gian khổ. Phải có ý chí quyết tâm, mới lựa chọn nghề đầy chông gai như vậy. Trên đường lập nghiệp đều có không ít khó khăn, nếu đường đi không chuẩn, sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro”.

Không phải vô cớ mà trong các cuộc gặp gỡ với Phó thủ tướng Vũ Văn Ninh mới đây hay các cuộc trao đổi, tọa đàm bên lề sự kiện, hai yếu tố niềm tin và tinh thần kinh doanh lại được nhắc đến nhiều lần. Hai yếu tố này được đề cập như một yêu cầu quan trọng cho sự phát triển tới đây của cộng đồng doanh nhân Việt Nam. Những khó khăn của nền kinh tế, của hoạt động sản xuất - kinh doanh cũng như những đòi hỏi mới của nền kinh tế trong thời gian tới đòi hỏi doanh nhân phải có tinh thần thép nếu không rất dễ buông chèo, gác mái.

Môi trường kinh doanh biến động từ đầu năm đến nay cho thấy những áp lực cạnh tranh lớn, những thách thức khó lường trong thời gian tới, nhất là khi thời điểm thực thi cam kết trong các hiệp định thương mại mà Việt Nam đã và đang ký kết ngay trước mắt, bối cảnh tình hình kinh tế - chính trị trong nước và khu vực đang có thay đổi lớn, doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam sẽ bước tiếp vào giai đoạn thử thách, sàng lọc mới gay gắt hơn.

“Trong lúc này, các doanh nghiệp cần thêm sự hỗ trợ bằng tinh thần, sự đồng cảm và chia sẻ của xã hội, người dân. Việc vinh danh những doanh nghiệp hoạt động tốt, phát triển sự nghiệp dựa trên sự năng động, sáng tạo và tận dụng tốt cơ hội từ hội nhập kinh tế là vô cùng cần thiết “, ông Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam nói.

Trong câu chuyện về các doanh nhân Việt, ông Tiền nhắc đến những nhân vật như Trương Gia Bình, Phạm Nhật Vượng, Trần Đình Long, Võ Quốc Thắng. Dù cũng là một doanh nhân thành đạt song ông cho hay, bản thân luôn khâm phục những doanh nhân làm ăn bài bản, tiềm lực dồi dào. Những người như vậy lại sống rất giản dị và dành nhiều tâm sức cho các dự án lớn, các công trình đóng góp nhiều cho nền kinh tế, cho xã hội. Một dự án thành công, tạo ra rất nhiều công ăn việc làm, đóng góp không nhỏ cho từng địa phương và đất nước. Còn bản thân họ và gia đình không cần nhiều đến thế.

Bên cạnh hoạt động kinh doanh, đầu tư, đồng hành với sự thành đạt, danh tiếng và thương hiệu, nhiều các doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam luôn tìm cách để giúp cho những phận đời trên khắp đất nước bớt khó khăn. Không công bố ồn ào, họ làm từ thiện và công tác xã hội một cách lặng lẽ. Họ quan niệm “Xã hội phân công mỗi người một nghề, kinh doanh không chỉ là nghề mà còn là lẽ sống và cống hiến. Phân chia lợi nhuận hợp lý không chỉ góp phần để doanh nghiệp phát triển bền vững mà còn là đạo lý ở đời”.

Chưa bằng lòng với những gì mình đã làm được, các doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam vẫn đang nỗ lực để ngày càng phát triển, trở thành những tập đoàn lớn mạnh có uy tín trong nước và quốc tế, góp phần làm giàu cho đất nước. Nhiều ý tưởng táo bạo của họ còn đang chờ được hiện thực hóa bởi khát khao đóng góp cho xã hội luôn là động lực cho những người lính thời bình hướng về phía trước.

Việt An

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục