Sự liêm chính của pháp luật

0:00 / 0:00
0:00
Cuối tuần qua, Quốc hội khóa XIV đã thảo luận cả ở tổ và hội trường về Dự thảo báo cáo công tác nhiệm kỳ của chính mình.
Sự liêm chính của pháp luật

Đầu tuần này, lần lượt các báo cáo tổng kết nhiệm kỳ của của Chủ tịch nước, Chính phủ, Tòa án Nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao, Kiểm toán Nhà nước sẽ được đặt lên bàn nghị sự.

Chịu trách nhiệm giám sát tối cao đối với hoạt động của Nhà nước, đương nhiên Quốc hội cần khách quan nhất có thể khi xem xét các báo cáo đó. Hàng trăm ý kiến từ tổ đến hội trường trong phiên họp được truyền hình trực tiếp đã nhiều lần khẳng định dấu ấn nổi bật của nhiệm kỳ này với những cụm từ như “thành công”, “xuất sắc”, “nhất trí”, “đồng lòng”... Và cũng có những cụm từ dù ít xuất hiện hơn, nhưng lại có sức nặng không kém, đó là hai từ “liêm chính” trong xây dựng và thi hành pháp luật.

Cần phải nhấn mạnh rằng, dù chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn có khác nhau, thì xây dựng pháp luật và hoàn thiện thể chế là nhiệm vụ cực kỳ quan trọng của tất cả các cơ quan, cá nhân có trách nhiệm báo cáo công tác trước Quốc hội. Nhiệm vụ này, tại các báo cáo nhiệm kỳ, đều được đánh giá rất cao về mức độ hoàn thành.

Nhưng, ngay từ đầu phiên thảo luận báo cáo tổng kết công tác nhiệm kỳ của Quốc hội, các ý kiến về sự liêm chính của pháp luật đã được nối tiếp nêu ra.

Đại biểu Nguyễn Mai Bộ (An Giang) nhấn mạnh một trong những khuyết tật của văn bản pháp luật thiếu liêm chính, đó là văn bản ấy sẽ là công cụ để cơ quan soạn thảo hoặc là hiện thực hóa lợi ích của bộ, ngành mình, trong đó có lợi ích xung đột với lợi ích của nhân dân; hoặc là công cụ để chiếm quyền của bộ, ngành khác. Và dù là rất ít, thì trong nhiệm kỳ này, vẫn còn có hồ sơ dự án luật chất lượng rất thấp được trình ra Quốc hội, thể hiện hoạt động soạn thảo, thẩm tra, thảo luận, xây dựng luật vẫn còn thiếu liêm chính.

Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) cũng khẳng định, một số dự án luật vẫn để lọt lưới những chính sách không phù hợp, có dấu hiệu của “lobby” không lành mạnh, lợi ích nhóm trong xây dựng chính sách.

Theo quan điểm của đại biểu Vũ Thị Lưu Mai (Hà Nội), tham nhũng chính sách là hành vi đặc biệt nguy hiểm, vì nó tạo ra khung pháp lý bảo vệ cho hành vi tham nhũng có hệ thống.

Lấy ví dụ về các quỹ tài chính ngoài ngân sách được quy định trong nhiều đạo luật, bà Mai nhấn mạnh, trên cơ sở giám sát, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành nghị quyết đề nghị rà soát và loại bỏ tất cả những quỹ hoạt động không hiệu quả, nhưng trên thực tế vẫn tồn tại hơn 40 quỹ tài chính ngoài ngân sách, trong đó có những quỹ gây lãng phí ngân sách nhà nước rất lớn.

Và điều đáng băn khoăn, theo đại biểu này, là vẫn có đến 1/4 trong 72 đạo luật được Quốc hội khoá XIV thông qua có quy định đề xuất thành lập và duy trì các quỹ tài chính ngoài ngân sách.

Khá nhiều giải pháp để tăng cường sự liêm chính trong xây dựng chính sách cũng được đề cập tại nghị trường. Đó là cần tăng cường giám sát các nghị định, thông tư hướng dẫn thi hành luật, trong bối cảnh còn nhiều điều khoản tại nhiều đạo luật giao Chính phủ quy định chi tiết. Đó còn là phòng ngừa tình trạng “làm việc cho cây táo, nhưng lại đi rào cho cây sung”, khi mà “có một số đại biểu chuyên trách làm việc cho Quốc hội, nhưng lại không ăn cơm Quốc hội. Việc đề bạt, cất nhắc vẫn do cơ quan Chính phủ quyết định, làm sao họ có thể toàn tâm, toàn ý hoạt động cho Quốc hội, toàn tâm, toàn ý vì lợi ích của nhân dân” như phát biểu của đại biểu Phùng Văn Hùng (Cao Bằng) trước Quốc hội.

Khái quát lại, theo Phó trưởng ban Nội chính Trung ương Nguyễn Thái Học, để chính sách được xây dựng liêm chính, phải chọn được những đại biểu thực sự liêm chính vào Quốc hội - cơ quan vừa có chức năng lập pháp, vừa giám sát tối cao mọi hoạt động của Nhà nước, thay mặt nhân dân quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước.

Việc này, phụ thuộc rất nhiều vào quy trình lựa chọn các ứng viên đại biểu Quốc hội nhiệm kỳ mới, mà theo đại biểu Hoàng Đức Thắng (Quảng Trị), cần được chuẩn bị từ đầu nhiệm kỳ của Quốc hội đương nhiệm, tránh tình trạng trước kỳ bầu cử mới đi tìm nhân sự.

Đại biểu liêm chính sẽ xây dựng được pháp luật liêm chính, pháp luật liêm chính chính là điểm tựa của nền kinh tế, của khát vọng xây dựng đất nước. Đây chính là nền tảng vững chãi nhất để hạn chế thấp nhất những hạn chế cả trong các lĩnh vực lập pháp, hành pháp và tư pháp đã được chỉ ra trong các báo cáo nhiệm kỳ.

Nguyên An ,
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục