Kể từ khi nhậm chức năm 2016, Tổng thư ký Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC), ông Mohammad Barkindo đã và đang cố gắng xây dựng mối quan hệ với chính đối thủ lớn nhất của tổ chức này: các công ty dầu đá phiến cỡ nhỏ và trung bình, từng được coi là động lực mới của ngành năng lượng toàn cầu thế kỷ 21.
Phát biểu tại một hội nghị dầu khí tổ chức tại London (Anh) hồi tháng 2 vừa qua, ông Barkindo thừa nhận các doanh nghiệp dầu đá phiến Mỹ đã tạo ra một cuộc cách mạng năng lượng thực sự và họ xứng đáng được khen ngợi vì điều đó.
“Tuy nhiên, thật không may khi nhiều doanh nghiệp này đã rơi vào tình trạng phá sản”, ông Barkindo nói.
Nhưng tin không vui đã đến sớm với OPEC, những công ty từng sụp đổ này đang chứng kiến sự hồi sinh đáng kinh ngạc từ đống tro tàn.
Trong số 10 doanh nghiệp lớn nhất của Mỹ từng đệ đơn xin bảo hộ phá sản, thì nay 8 trong số đó bắt đầu hồi sinh và duy trì hoạt động, thậm chí đã giảm được số nợ trị giá hàng tỷ USD. Sau giai đoạn bảo hộ phá sản, nhiều doanh nghiệp này vẫn giữ nguyên đội ngũ quản lý như trước, các sáng kiến và khôi phục kế hoạch tăng trưởng trở lại.
“Theo nhiều cách, chúng tôi vẫn hoạt động như cũ và trên một số khía cạnh, chúng tôi còn phát triển tốt hơn trước”, Michael Watford, Giám đốc điều hành Ultra Petroleum, một công ty dầu mỏ Mỹ đã hồi sinh sau bảo hộ phá sản, cho biết.
OPEC tin rằng điều đó sẽ khiến các doanh nghiệp này thua lỗ và hạn chế khả năng tiếp cận vốn trên thị trường.
Đến nay, mọi chuyện hóa ra không diễn ra hoàn toàn như tính toán của OPEC. Các công ty dầu đá phiến Mỹ vẫn có thể cắt giảm chi phí, đồng thời tăng sản lượng khai thác thêm đáng kể. Mức thua lỗ của họ dù là không nhỏ, song chưa đủ lớn để khiến các nhà đầu tư xa lánh. Làn sóng phá sản trước đây thậm chí khiến ngành dầu khí Mỹ trở nên mạnh mẽ hơn và loại bỏ được gánh nặng nợ nặng nề.
Công ty SandRidge Energy (có trụ sở tại Oklahoma City) là một ví dụ. Họ từng đệ đơn bảo hộ phá sản tháng 5/2016. Tuy nhiên, đến tháng 10/2016, công ty thông báo đã loại bỏ được số nợ lên tới 3,7 tỷ USD và tái niêm yết trên thị trường chứng khoán New York. Tuần trước, họ thông báo mức lợi nhuận ròng 51 triệu USD trong quý I/2017 so với mức lỗ 324 triệu USD cùng kỳ năm 2016. Trong vòng một năm qua, chi phí sản xuất của hãng trên mỗi thùng dầu đã giảm khoảng 27%, một con số vô cùng ấn tượng.
Dù sản lượng của hãng đã giảm và chưa thể khôi phục như trước kia, song Giám đốc điều hành SandRidge Energy, James Bennett cho biết, sản lượng dầu mỏ công ty sẽ bắt đầu tăng trở lại nửa cuối năm 2017.
Một công ty khác cũng đang chứng kiến sự hồi sinh là Halcon Resources. Tương tự như SandRidge, họ đệ đơn phá sản tháng 7 năm ngoái, và quay trở lại hoạt động tháng 9/2016. Halcon cũng ghi nhận sự xoay chuyển đáng kinh ngạc từ mức lỗ ròng 567 triệu USD quý I/2016 sang lãi ròng 189 triệu USD trong quý I/2017 vừa qua.
Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng, sự hồi sinh của các doanh nghiệp dầu khí Mỹ cũng không chỉ toàn màu hồng. Họ sẽ phải chịu sức ép tăng trưởng mạnh mẽ sau giai đoạn tái cơ cấu nợ. Các nhà đầu tư và cổ đông mới dường như không có đủ kiên nhẫn. Họ muốn công ty phải có những màn trình diễn thuyết phục và tạo ra bước ngoặt nhanh chóng. Điều này là thách thức không nhỏ cho quá trình phục hồi của các doanh nghiệp này.