Có phải quỹ này đang sao nhãng mục tiêu hoạt động?
Quỹ cơ sở đói vốn
Tại Công văn số 06/2007/TT- NHNN, ngày 6/11/2007, Ngân hàng Nhà nước quy định về sử dụng vốn của Quỹ Tín dụng nhân dân Trung ương như sau: bảo đảm ưu tiên đáp ứng nhu cầu vay vốn hợp lý của các quỹ tín dụng nhân dân cơ sở thành viên; việc cho vay đối tượng khác, tức ngoài hệ thống, (không kể dư nợ cho vay từ nguồn vốn ủy thác) không được vượt quá 50% tổng nguồn vốn hoạt động.
Chiểu theo quy định, nếu so sánh con số cho vay ngoài hệ thống là 3.841 tỷ đồng với tổng nguồn vốn đến 31/12/2009 là 8.274,3 tỷ đồng thì tỷ lệ này mới chỉ 46,4%, thấp hơn mức khống chế 50% của Ngân hàng Nhà nước. Tuy nhiên, nếu xét trên cơ sở “bảo đảm ưu tiên đáp ứng nhu cầu vay vốn hợp lý của các Quỹ tín dụng nhân dân cơ sở” khi thực tế cho vay ngoài hệ thống nhiều hơn trong hệ thống (gồm 987 Quỹ tín dụng nhân dân cơ sở) tới 855,3 tỷ đồng thì rất đáng suy nghĩ về hai chữ “ưu tiên”.
Trong khi đó, ông Vũ Mạnh Toàn, Giám đốc Quỹ tín dụng nhân dân cơ sở Thanh Giang, Thanh Miện, Hải Dương cho biết, năm 2009, Quỹ tín dụng nhân dân cơ sở Thanh Giang chỉ vay Quỹ Tín dụng nhân dân Trung ương 800 triệu đồng, mặc dù trước đó gửi ngược lại cho Quỹ Tín dụng nhân dân Trung ương 2 tỷ đồng.
Còn theo ông Vũ Quang Thiệp, Giám đốc Quỹ tín dụng nhân dân cơ sở Yên Phú, xã Yên Phú, Yên Mỹ (Hưng Yên), nói: “Mỗi năm chúng tôi cho vay với tổng dư nợ từ 26- 27 tỷ đồng. Tổng nguồn vốn hoạt động hiện nay 34 tỷ đồng nhưng nhưng vốn vay từ Quỹ Tín dụng nhân dân Trung ương hầu như không đáng kể. Năm 2009 không vay một đồng nào, năm 2010, được vay 2 khế ước, trong đó có một khế ước 300 triệu đồng”.
Thử làm phép tính sơ sơ, nếu dành số tiền 4.137 tỷ đồng (một nửa trong số tổng nguồn vốn) cho vay 987 quỹ tín dụng nhân dân cơ sở nói trên thì bình quân mỗi quỹ sẽ tiếp cận được hơn 4 tỷ đồng.
Dĩ nhiên, cho vay bao nhiêu còn tùy thuộc vào năng lực tài chính, khả năng quản trị rủi ro của từng quỹ. Nhưng với hai quỹ Thanh Giang và Yên Phú nói trên, họ quản lý tổng nguồn lên tới hàng chục tỷ đồng thì so với việc tiếp cận 300 triệu hay 800 triệu đồng từ Quỹ Tín dụng nhân dân Trung ương là quá ít.
Một điểm khác đáng lưu ý, hai ông đều phân trần rằng, lãi suất vay Quỹ Tín dụng nhân dân Trung ương là 1,2%/tháng, tương đương với 14,4%/năm, trong khi mức trần khống chế của Ngân hàng Nhà nước đối với hoạt động cho vay của các tổ chức tín dụng không được vượt quá 12%/năm.
Làm sao để hiệu quả gắn với an toàn?
Xuất phát từ thực tế này, giám đốc một quỹ tín dụng nhân dân cơ sở cho rằng, Quỹ Tín dụng nhân dân Trung ương nên tập trung nguồn cho vay trong hệ thống, xuất phát từ nhiều lý do sau.
Thứ nhất, nếu tập trung cho vay trong hệ thống, Quỹ Tín dụng nhân dân Trung ương vẫn thu được lãi, đồng thời vẫn củng cố được hệ thống của mình. Ví dụ, Quỹ Tín dụng nhân dân Trung ương cho các quỹ tín dụng nhân dân cơ sở vay 1%/tháng trong khi cho vay ngoài là 1,2%/tháng thì số chênh lệch lãi 0,2% kia nên chia đôi, mỗi bên hưởng một nửa.
Nói cách khác, Quỹ Tín dụng nhân dân Trung ương sẽ cho các quỹ tín dụng nhân dân cơ sở vay với giá vốn là 1,1%. Cách làm này, một mặt Quỹ Tín dụng nhân dân Trung ương vẫn có thêm lãi, mặt khác không bỏ quên nhiệm vụ của mình là hỗ trợ vốn cho các quỹ tín dụng nhân dân cơ sở.
Thứ hai là vấn đề sử dụng vốn của Quỹ Tín dụng nhân dân Trung ương còn liên quan đến một câu chuyện khác là hoạt động trên thị trường liên ngân hàng.
Trao đổi với bà Hồ Thị Tuyết Lan, Trưởng ban Kiểm soát Quỹ Tín dụng nhân dân Trung ương, bà Lan thừa nhận: “Quỹ Tín dụng nhân dân Trung ương đã vay một lượng vốn khá lớn từ Ngân hàng Nhà nước nhưng rất ít hỗ trợ thanh toán cho các quỹ tín dụng nhân dân cơ sở; ngược lại, quỹ này đem cho vay lại trên thị trường liên ngân hàng trong khi các quỹ tín dụng nhân dân cơ sở đói vốn và phải tự huy động”.
Cũng chính vì cách thức sử dụng vốn ngoài hệ thống lớn hơn trong hệ thống nên tỷ lệ nợ xấu của Quỹ Tín dụng nhân dân Trung ương cũng vì thế mà tăng thêm. Số liệu báo cáo cho thấy, tổng số nợ xấu của Quỹ Tín dụng nhân dân Trung ương đến 31/12/2009 là 197.538 triệu đồng, chiếm 3%/tổng dư nợ.
Trong đó, nợ nhóm 5 là loại nợ có khả năng mất cả “gốc” lẫn “củ” chiếm 65% tổng nợ xấu (129.088 triệu đồng), tăng 60% so với nợ xấu cùng nhóm tại thời điểm cuối năm 2008. Mặc dù nợ xấu chỉ chiếm 3% là ngưỡng tạm thời được Ngân hàng Nhà nước chấp nhận nhưng điều đáng lo là trong khi nợ xấu cho vay trong hệ thống chỉ 19.827 triệu đồng (chiếm 0,3%/tổng dư nợ) thì nợ xấu ngoài hệ thống lên tới 177.711 triệu đồng (2,7%/tổng dư nợ).
Từ việc bóc tách hai con số này cho thấy, nếu tiếp tục gia tăng cho vay ngoài hệ thống, số nợ xấu sẽ còn tăng thêm và đó là sự cảnh báo rất đáng lo ngại.
Một yếu tố khác để Quỹ Tín dụng nhân dân Trung ương cần phải chấn chỉnh quản trị rủi ro theo hướng lành mạnh là củng cố lại hệ thống kiểm toán, kiểm tra nội bộ.
Với một khối lượng công việc ngày càng lớn nhưng hiện tại, nhân lực của Quỹ Tín dụng nhân dân Trung ương khá mỏng, trong khi đó, bộ máy cảnh báo (kiểm toán, kiểm tra nội bộ) vừa ít người, vừa trực thuộc Ban Điều hành thay vì trực thuộc Hội đồng Quản trị.
Một điều ai cũng biết, nếu duy trì cơ chế tồn tại các bộ phận này như hiện nay thì các số liệu báo cáo rất có cơ sở để nghi ngờ tính khách quan, trung thực và đó là một rủi ro tiềm ẩn ngay từ trong bộ máy.