Sử dụng khí thiên nhiên LNG – Lời giải cho bài toán năng lượng và môi trường

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Thế giới và Việt Nam đang đối mặt với tình huống lo ngại khi lượng phát thải khí carbon tăng cao. Tăng dân số và kinh tế dẫn đến nhu cầu tiêu thụ năng lượng tăng, gây ra lượng phát thải khí carbon vượt mức báo động. Hậu quả là biến đổi khí hậu và thời tiết cực đoan (hạn hán, nắng nóng, lũ lụt, nước biển dâng) xảy ra ngày càng thường xuyên, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự tồn vong của nhân loại.
Hình ảnh về đường truyền dẫn lng từ cảng nhập về kho chứa tại Thị Vải Hình ảnh về đường truyền dẫn lng từ cảng nhập về kho chứa tại Thị Vải

Dân số toàn cầu đã vượt 8 tỷ người và dự kiến sẽ tiếp tục tăng. Tiêu thụ năng lượng toàn cầu dự báo tăng 1,3% trong năm 2023. Ở Đông Nam Á, nhu cầu năng lượng tăng trung bình 3%/năm trong hai thập kỷ qua và dự kiến tiếp tục đến năm 2030.

Để đáp ứng nhu cầu năng lượng, việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch như dầu mỏ, than đá đã gây ra lượng phát thải khí carbon lớn. Lượng phát thải này đã đạt 36,8 tỷ tấn vào năm 2022, khiến thế giới rơi vào trạng thái báo động. Để giảm phát thải, cần tăng cường sử dụng khí tự nhiên và phát triển năng lượng tái tạo. Tuy nhiên, việc sử dụng năng lượng tái tạo vẫn còn hạn chế do tính khả dụng kinh tế và kỹ thuật chưa cao.

Khí tự nhiên là một giải pháp quan trọng để thay thế và giảm phát thải carbon. So với than đá, khí đốt chỉ tạo ra 1/2 lượng CO2 và 1/10 chất gây ô nhiễm không khí khác. Nhiều quốc gia, bao gồm Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc, đã tăng sử dụng khí đốt để sản xuất điện, nhằm giảm phát thải và đạt được mục tiêu hạn chế biến đổi khí hậu.Tại Việt Nam, Chính phủ đã khẳng định: “Không đánh đổi môi trường, an sinh xã hội lấy tăng trưởng kinh tế đơn thuần”. Bên cạnh đó, Nghị quyết số 55-NQ/TW của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, cùng với Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch điện VIII) của Bộ Công Thương, đã thể hiện sự quyết tâm của toàn Đảng, Chính phủ và nhân dân Việt Nam trong việc phát triển kinh tế đất nước song song với hiện thực hóa những cam kết của Việt Nam tại Hội nghị COP26 về việc phấn đấu đạt phát thải ròng bằng ‘0’ (Net zero) vào năm 2050. Để thực hiện mục tiêu này, nhập khẩu và tiêu thụ khí tự nhiên hoá lỏng (LNG) chính là ưu tiên hàng đầu của Việt Nam trong giai đoạn hiện nay.

Kho chứa LNG Thị Vải của PV GAS đã sẵn sàng đưa vào vận hành

Kho chứa LNG Thị Vải của PV GAS đã sẵn sàng đưa vào vận hành

Với vai trò là đơn vị chủ đạo của ngành công nghiệp khí Việt Nam, Tổng Công ty Khí Việt Nam – CTCP (PV GAS) - một công ty thành viên của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), hoàn toànnhận thức được tính cấp thiết trong việc sử dụng LNG. Việc nhập khẩu LNG là hướng đi đúng đắn để bổ sung kịp thời lượng khí thiếu hụt mà nguồn khí nội địa đang suy giảm nên không đủ đáp ứng, hiện thực hóa quá trình chuyển dịch dài hạn từ các nhiên liệu cho phát điện khác (như than, dầu) sang khí tự nhiên, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng của quốc gia, thúc đẩy sự phát triển của các ngành công nghiệp trong nước, đồng thời đảm bảo được “Cam kết Xanh” của Việt Nam với thế giới.

LNG dự kiến được PV GAS nhập khẩu và phân phối tại Việt Nam từ tháng 7/2023, phục vụ cho các nhà máy điện khí và khách hàng công nghiệp tại khu vực Đông Nam Bộ và Nam Trung Bộ. LNG nhập khẩu sẽ được phân phối đến các khách hàng theo 2 phương thức: qua đường ống (LNG được tái hóa khí và nén vào đường ống dẫn khí hiện hữu đến các khách hàng) hoặc cung cấp bằng xe bồn vận chuyển đến khách hàng xa hệ thống đường ống.

Việc nhập khẩu, kinh doanh LNG trong năm 2023 sẽ là khởi đầu mới nhiều triển vọng cho PV GAS, xác lập vị trí quan trọng trong quá trình chuyển dịch sang điện khí LNG trong dài hạn với nhiều dự án kho cảng LNG đã và đang được triển khai; đánh dấu một bước phát triển mới của PV GAS, cũng như của ngành công nghiệp khí nước nhà.

Ngân Hà

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục