TS Nguyễn Đức Thành, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu kinh tế và chính sách (CEPR - Đại học Quốc gia Hà Nội) cảnh báo: Đặt trong mối tương quan giữa tình hình kinh tế vĩ mô trong và ngoài nước với diễn biến của TTCK cho thấy, việc sử dụng ĐBTC đang có dấu hiệu "vung tay quá trán". Nếu không có biện pháp điều chỉnh hợp lý liều lượng sử dụng ĐBTC, thì NĐT lẫn nền kinh tế dễ đối mặt với nhiều hệ luỵ khó lường.
Dựa vào đâu mà ông nhận định ĐBTC đang có dấu hiệu bị lạm dụng?
Thực ra, để có được con số chứng minh ĐBTC đang bị sử dụng thái quá không đơn giản. Hầu như không một NĐT nào công khai việc họ đi vay tiền ngân hàng, hay của người thân để "đổ" vào TTCK. Tuy nhiên, qua theo dõi diễn biến của thị trường, nếu ĐBTC không được sử dụng ở mức cao, thì thị trường khó có được tốc độ tăng như hiện nay.
TIN LIÊN QUAN * Kỳ vọng và đòn bẩy tài chính: Động lực kéo thị trường * Sử dụng đòn bẩy tài chính: Cần thận trọng Dấu hiệu sử dụng ĐBTC cao còn thể hiện qua giá trị giao dịch trên hai sàn thời gian gần đây liên tục đạt trung bình 4.000 - 5.000 tỷ đồng/phiên. Thậm chí, còn có dấu hiệu cho thấy, luồng tiền "đổ" vào TTCK tiếp tục tăng. Điều này tạo ra tính thanh khoản cao cho thị trường. Tuy nhiên, xét trong tương quan với tình hình kinh tế vĩ mô hiện nay, nếu việc sử dụng ĐBTC vẫn được đẩy lên ở mức cao, dễ kéo theo tác động không lành mạnh đến thị trường.
Đâu là hệ luỵ của việc lạm dụng ĐBTC, thưa ông?
Khi ĐBTC được "say sưa" sử dụng, thì sẽ liên tục kích thị trường tăng nóng. Lúc đó, thị trường giống như một cơn lốc kéo NĐT lao vào với kỳ vọng thu lợi lớn, mà ít chú ý đến thực tế hiệu quả sản xuất - kinh doanh của DN, diễn biến kinh tế vĩ mô. Nếu không được "hãm phanh" kịp thời, đến một lúc nào đó, trạng thái này dễ đẩy thị trường vào tình trạng bong bóng và có nguy cơ "xẹp" bất cứ lúc nào. Hệ quả là NĐT sẽ bị thiệt đơn, thiệt kép: không những không đạt lợi nhuận kỳ vọng, mà còn bị âm vốn. Còn dưới góc độ của nền kinh tế, khi TTCK rơi vào trạng thái bong bóng, tất sẽ buộc cơ quan quản lý vào cuộc với hàng loạt biện pháp được đưa ra, trong đó nhiều khả năng tăng lãi suất để giảm tín dụng bơm vào thị trường sẽ được áp dụng. Khi điều này xảy ra, không chỉ các thành viên tham gia thị trường, mà cả nền kinh tế sẽ chịu vạ lây, bởi DN phải tăng chi phí cho đồng vốn… Đặc biệt, nếu tình huống không mong muốn này xuất hiện, hệ thống ngân hàng sẽ phải "đau đầu" với khoản nợ xấu gia tăng. Một khi "mạch máu" có vấn đề, rõ ràng sẽ tác không lành mạnh lên "sức khoẻ" của nền kinh tế.
Vậy ông có khuyến cáo gì với NĐT?
Theo nghiên cứu của CEPR, năm 2009, nếu TTCK rất lạc quan, VN-Index có thể đạt gần 640 điểm. Để chạm mốc này, tất cả DN niêm yết phải đạt tốc độ tăng trưởng 20% trong năm nay. Đây là điều rất khó xảy ra. Bởi vậy, trong khi TTCK chưa có được nền tảng hỗ trợ vững chắc, nhất là sự phục hồi của kinh tế thế giới ít nhất cũng phải mất vài năm, thì với tốc độ tăng như hiện nay, TTCK đang bước vào vùng rất lạc quan. Nếu NĐT không tỉnh táo, dễ bị cuốn vào thị trường bong bóng. Sử dụng ĐBTC giống như con dao 2 lưỡi, bởi vậy trước khi quyết định dùng nó, NĐT cần tìm hiểu kỹ thị trường. Việc sử dụng ĐBTC phải trong tầm kiểm soát, để tránh tâm lý không tích cực khi thị trường điều chỉnh rơi vào thời điểm các khoản vay đáo hạn. Đối với NĐT nhỏ lẻ, ít kinh nghiệm, càng phải thận trọng khi sử dụng ĐBTC. Khi mới vào thị trường, tốt hơn cả là hãy đi từng bước vững chắc bằng cách sử dụng nguồn vốn của mình để đầu tư, đừng sốt ruột khi thấy NĐT "gạo cội" sử dụng ĐBTC kiếm lời nhanh mà hùa theo. Thực ra, khi thị trường điều chỉnh sâu chính là lúc cần sử dụng ĐBTC nhất để xâm nhập thị trường. Thế nhưng, do tâm lý sợ hãi sau khi bị thị trường điều chỉnh sâu, đa phần NĐT không dám sử dụng ĐBTC. Trên thực tế, nếu sử dụng ĐBTC khôn ngoan trong lúc thị trường điều chỉnh, thì sẽ mang lại thành công cho NĐT.
Trong bối cảnh thị trường hiện nay, theo ông, nhà quản lý nên ứng xử ra sao với ĐBTC? Việc cấm đoán bằng biện pháp hành chính là không phù hợp, thay vào đó, nên sử dụng giải pháp kinh tế, để điều tiết liều lượng sử dụng ĐBTC mỗi khi thị trường có những biến động khác nhau. Điều quan trọng là nhà quản lý, các cơ quan chuyên môn cần giúp NĐT nhìn nhận đúng bản chất của việc sử dụng ĐBTC. Từ đó, giúp NĐT lựa chọn phương thức đầu tư phù hợp, góp phần giảm thiểu rủi ro cho thị trường.