Sự đổ vỡ của chuỗi nhà hàng Món Huế có vẻ như đã được báo trước

Sự đổ vỡ của chuỗi nhà hàng Món Huế trên thị trường ẩm thực có vẻ như đã được báo trước.
Một cửa hàng Món Huế của Công ty Huy Việt Nam. Một cửa hàng Món Huế của Công ty Huy Việt Nam.

Chinh phục thị trường và màn gọi vốn triệu USD

Công ty TNHH Nhà hàng Món Huế thuộc Công ty TNHH Chế biến thực phẩm Huy Việt Nam - doanh nghiệp chuyên về chuỗi nhà hàng với mô hình khá khác biệt. Huy Việt Nam sở hữu nhà hàng Món Huế, Phở Hùng, Cơm Thố Cháy, Iki Sushi, House of Phở và Great Bánh Mì. Trong đó, 3 thương hiệu chính là Món Huế (ẩm thức Huế, miền Trung), Phở ông Hùng (miền Bắc) và Cơm Express (miền Nam).

Thương hiệu Món Huế ra đời sớm nhất và có độ phủ trên cả nước. Vào lúc cao điểm, hệ thống này lên đến 100 chi nhánh, hơn 80 điểm ở TP.HCM. Cơm Express và Phở ông Hùng có ít nhà hàng hơn. Nhóm khách hàng mà chuỗi nhà hàng này “chinh phục” là những người trung lưu trẻ tuổi, chịu chi.

Thế nhưng, hàng loạt cửa hàng Món Huế tại TP.HCM và Hà Nội đã đóng cửa, trả mặt bằng trong thời gian gần đây. Trong khi đó, nhiều nhà cung cấp đã đến trụ sở của Công ty Huy Việt Nam - công ty mẹ của chuỗi nhà hàng này - tại TP.HCM tố cáo doanh nghiệp nợ tiền nhiều tháng không trả. Chiều tối ngày 22/10, website của Huy Việt Nam dừng hoạt động.

Xuất hiện trên thị trường từ năm 2007, đến tháng 4/2015, Huy Việt Nam đã gọi vốn thành công vòng series C (thời điểm đầu tư để thúc đẩy bán hàng và gia tăng lợi nhuận), với số tiền lên tới 15 triệu USD (hơn 300 tỷ đồng). Khoản tiền này được rót từ Quỹ Templeton Strategic Emerging Markets Fund IV do nhà đầu tư Mark Mobius (Mỹ) quản lý.

Huy Việt Nam từng 3 lần được các quỹ đầu tư ngoại rót vốn, với tổng số tiền 65 triệu USD, trong đó, lớn nhất là Quỹ Templetin Asset Management.

Huy Việt Nam được giới đầu tư chú ý bởi những kế hoạch kinh doanh, gọi vốn khủng và người tiêu dùng ấn tượng về món ăn.

Đầu năm 2016, Huy Việt Nam lại gây xôn xao thị trường chứng khoán Việt Nam khi nộp hồ sơ xin phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) ở Sở Giao dịch chứng khoán Hồng Kông (HKEx), với vốn huy động dự kiến lên tới 100 triệu USD.

Huy Việt Nam không đăng ký hoạt động tại Việt Nam, mà là đảo Cayman (thuộc lãnh thổ hải ngoại của Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ireland). Lý do là, HKEx chưa công nhận Việt Nam là thị trường đạt chuẩn cho việc đăng ký hoạt động của các công ty muốn niêm yết tại đây. Do vậy, việc đăng ký tại đảo Cayman sẽ giúp Công ty dễ dàng hơn trong việc tiếp cận thị trường chứng khoán hàng đầu châu Á này.

Nhiều người tò mò về tỷ lệ cổ phần Huy Việt Nam sẽ bán ra, nhưng cũng đặt câu hỏi, đây có phải là chiêu PR của Huy Việt Nam? Thời điểm đó, ông Huy Nhật - người sáng lập Huy Việt Nam lý giải, bất cứ công ty nào có vốn đầu tư của nước ngoài đều có cam kết với các nhà đầu tư về thời điểm IPO. Ngay từ khi có ý định kéo vốn đầu tư, ông đã có chiến lược chuẩn bị niêm yết ở Hồng Kông, vì đây là nơi niêm yết lý tưởng nhất ở châu Á về thanh khoản, vốn, pháp lý, tên tuổi.

Vì sao ngã ngựa?

Huy Việt Nam được giới đầu tư chú ý bởi những kế hoạch kinh doanh, gọi vốn khủng và người tiêu dùng ấn tượng về món ăn, nên cú ngã ngựa của chuỗi nhà hàng Món Huế cũng được nhiều người quan tâm.

Đặc biệt, 2 năm trước, Huy Việt Nam động thổ hai dự án nhà máy chế biến thực phẩm tại Long An và Hà Nội, nhằm trở thành công ty chế biến thực phẩm và nhà hàng tự cung cấp thực phẩm lớn nhất Việt Nam. Trong đó, nhà máy tại Long An được xây dựng trên khu đất có diện tích 20.000 m2, tổng mức đầu tư khoảng 26 triệu USD; nhà máy tại Hà Nội được xây dựng trên khu đất có diện tích 6.000 m2, tổng mức đầu tư 14 triệu USD.

Với hai nhà máy trên, Tập đoàn Huy Việt Nam kỳ vọng trở thành đơn vị sản xuất và cung cấp thực phẩm hàng đầu với các sản phẩm tiêu chuẩn đặc thù trong lĩnh vực thực phẩm đóng gói. Huy Việt Nam đặt mục tiêu đạt 1.000 cửa hàng trên cả nước vào năm 2020.

Thế nhưng, cuộc chơi nào cũng chỉ ít người biết được thực chất, mọi chuyện giờ chỉ là đồn đoán. Theo giới chuyên môn, sự đổ vỡ của Món Huế có vẻ như đã được báo trước ngay trong những ngày đầu hoạt động.

Giống như nhiều start-up trong lĩnh vực thực phẩm - ăn uống, Món Huế và những thương hiệu khác của Huy Việt Nam khởi đầu với số lượng nhà hàng khiêm tốn, chủ yếu dồn lực cho một số vị trí đắc địa nhằm xây dựng hình ảnh và tạo dựng tập khách hàng thân thiết.

Với số tiền đầu tư vài chục triệu USD, số lượng cửa hàng nhiều và một số cửa hàng rất đông khách. Nhưng theo ông Nguyễn Bá Ngọc, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Truyền thông NBN Media, chuỗi này vẫn “chết”, vì nhiều vấn đề bề nổi có thể khá dễ nhận thấy. Chẳng hạn, sản phẩm cốt lõi bình thường hoặc kém; mở cửa hàng ồ ạt và số cửa hàng hoạt động không hiệu quả quá cao, tỷ số giữa cửa hàng phải đóng và cửa hàng mở mới ở mức báo động; quản trị kém, nhất là mua hàng và quản lý nội bộ; marketing và quản trị thương hiệu không xứng tầm với việc làm một chuỗi lớn…

Trong khi đó, sức hút của mô hình kinh doanh ẩm thực theo đặc trưng vùng miền, được ông Huy Nhật đưa về hơn thập kỷ trước, đang gặp nhiều thách thức. Ví dụ, với Món Huế, những mô hình tương tự với chất lượng và cách bài trí bắt mắt hơn đã nhanh chóng giành lấy miếng bánh thị phần từ chuỗi nhà hàng này. Mặc dù Công ty đã có những chính sách thay đổi, như hình thành những khu phức hợp ăn uống hội tụ các thương hiệu, song hiệu quả cũng không cao như trước.

Mở rộng với quy mô lớn, đầu tư cao, tham vọng xây dựng cả chuỗi cung ứng khép kín, song nhu cầu từ thị trường đang bão hòa. Đó là lý do khiến các chuyên gia dự báo, nhiều khó khăn sẽ đến với chuỗi nhà hàng này.

Đầu tháng 10/2019, Công ty TNHH Chế biến thực phẩm Huy Việt Nam đã thay đổi người đại diện theo pháp luật từ ông Huy Nhật sang ông Nguyễn Quỳnh Anh.

Trước đó, tháng 4/2019, Huy Việt Nam đã giảm vốn điều lệ từ 1.200 tỷ đồng xuống 600 tỷ đồng, trong khi vốn của Công ty TNHH Nhà hàng Món Huế được tăng từ 22 tỷ đồng lên hơn 657 tỷ đồng.

Anh Hoa
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục