Sự cố tại sàn giao dịch vàng: ACB nói gì?

(ĐTCK-online) Sự cố lỗi hệ thống giao dịch xảy ra tại sàn giao dịch vàng của Ngân hàng Á Châu (ACB) chiều ngày 21/2, làm cho các lệnh giao dịch vàng của nhà đầu tư không được khớp, đã khiến cho nhiều nhà đầu tư phẫn nộ. Hơn nữa, sự cố này lại xảy ra đúng vào thời điểm sôi động nhất, vì vậy nhiều người đã đặt câu hỏi nghi vấn, liệu ACB có thao túng trong vụ việc này hay không. Tuy nhiên, phía ACB cho biết, lỗi đáng tiếc trên là do tình trạng lệnh giao dịch quá nhiều vào cùng thời điểm, dẫn đến tình trạng quá tải, nên thời gian xử lý lệnh vào sàn chính bị chậm lại. Để làm rõ hơn vụ việc trên, ĐTCK đã có cuộc trao đổi với ông Lý Xuân Hải – Tổng giám đốc ACB về vấn đề này.
Sàn giao dịch vàng Sài Gòn Sàn giao dịch vàng Sài Gòn

Xin ông cho biết cách thức giao dịch của sàn Vàng Sài Gòn hiện nay cũng như nói rõ về sự cố xảy ra chiều ngày 21/2?

Hiện sàn giao dịch vàng Sài Gòn bao gồm 9 thành viên, là những nhà kinh doanh vàng chuyên nghiệp, trong đó có ACB, SJC, VietA Bank… Quy trình giao dịch của sàn giao dịch vàng Sài Gòn hiện nay như sau: 9 thành viên sẽ tập trung giao dịch mua - bán các lệnh của nhà đầu tư đặt ngoài biên độ giá niêm yết của các sàn vàng của 9 thành viên trên. Có nghĩa, nếu các lệnh đặt của nhà đầu tư không thực hiện thành công ngay tại sàn giao dịch riêng lẻ của các thành viên trên sẽ được chuyển vào sàn để 9 thành viên này là người mua - bán cuối cùng cho nhà đầu tư. Chẳng hạn như ACB, cho dù là một trong 9 thành viên của sàn giao dịch vàng Sài Gòn, nhưng ACB vẫn được giao dịch mua - bán với khách hàng riêng lẻ của mình. Nếu các nhà đầu tư đến giao dịch tại sàn của ACB, với các lệnh mua bán nằm trong biên độ giá do ACB niêm yết thì sẽ được Ngân hàng đáp ứng ngay sau khi nhà đầu tư đặt lệnh, mà không cần chuyển vào sàn chung của 9 thành viên trên. Ví dụ: Nếu ông A đặt lệnh mua vàng với giá 1,78 triệu đồng/chỉ (nằm trong biên độ giá niêm yết của ACB) thì ngay lập tức giá này sẽ được khớp tại sàn ACB mà không cần chuyển lệnh vào sàn vàng Sài Gòn. Ngược lại, nếu ông A bán vàng với giá trên, nhưng lại nằm ngoài biên độ mua bán của ACB niêm yết tại thời điểm khách hàng giao dịch thì ngay lập tức lệnh này sẽ được chuyển vào sàn lớn – tức sàn vàng Sài Gòn. Tương tự, 8 thành viên còn lại của sàn vàng Sài Gòn cũng có thể giải quyết cách mua – bán theo hình thức trên.

  Chính vì vậy, sự cố vào chiều ngày 21/2 xảy ra một phần do số lượng lệnh nhà đầu tư giao dịch tập trung quá nhiều trong một thời gian ngắn (khoảng 14h30 - 16h) đúng lúc thời điểm các sàn vàng trên thị trường sôi động, cộng với sức nóng lan tỏa mạnh của thị trường vàng đã thu hút một số lượng lệnh lớn khiến hệ thống bị quá tải. Do đó, thời gian xử lý lệnh chậm và mất thời gian hơn so với trước đây. Kết quả, lệnh của nhiều nhà đầu tư đặt không được khớp nên đã xảy ra tình trạng đáng tiếc trong chiều ngày 21/2. Chỉ trong ngày 21/2 đã có đến 3.000 lệnh giao dịch mua bán qua sàn của ACB. Riêng khoảng thời gian từ 14h30 – 16h  chiếm đến 1/4 lệnh đặt trong ngày.

 

Nhiều người cho rằng, lợi dụng lúc vàng cao giá ACB đã thao túng để “hốt” những cơ hội tốt cho mình. Ông nghĩ sao về điều đó?

Ở đây tôi muốn nhấn mạnh là sàn giao dịch vàng Sài Gòn, trong đó có cả các sàn giao dịch vàng nhỏ lẻ của 9 thành viên trong sàn lớn không mang tính chất liên thông với thị trường vàng thế giới. Công cụ vàng được sử dụng mua – bán qua sàn vàng Sài Gòn là nhãn hiệu vàng SJC. Trong đó, ACB cũng như các thành viên khác có quyền mua – bán vàng theo quy định của Ngân hàng Nhà nước, đúng với giá niêm yết tại thời điểm giao dịch. Nếu khách hàng muốn mua hoặc bán, với giá nằm trong biên độ khung niêm yết của ACB tại thời điểm giao dịch thì ACB có quyền đáp ứng ngay. Ngược lại, nếu các lệnh giao dịch mua- bán của nhà đầu tư nằm ngoài biên độ khung giá niêm yết của ACB (đúng theo giá thị trường) thì lệnh nhà đầu tư được chuyển thẳng vào sàn vàng Sài Gòn. Khi lệnh nhà đầu tư được chuyển vào đó, 9 thành viên trong sàn sẽ đưa ra quyết định cuối cùng là mua và bán giá nào cho hợp lý. Như vậy, có nghĩa những lệnh mua- bán vàng của nhà đầu tư đúng với giá niêm yết của ACB sẽ được xử lý ngay vòng ngoài nên không thể nói ACB có hành vi thao túng trong vụ việc này. Nguyên nhân, trong sàn vàng Sài Gòn có 8 thành viên khác và luôn có sự kiểm soát chặt chẻ từ một bộ phận kiểm soát độc lập.

 

Vậy ACB đã có những biện pháp gì để khắc phục sự cố đáng tiếc xảy ra trên và hướng giải quyết cho nhà đầu tư nếu thực sự họ có thiệt hại, thưa ông?

Thực sự chúng tôi đã có kế hoạch và xem xét đến tình trạng mở rộng quy mô cũng như kéo dài thời gian giao dịch trong ngày đến 23h hoặc 24h, nhằm giảm tải được tình trạng ách tắc này. Theo như dự kiến ban đầu, trong ngày 20 - 21/2/2008 chúng tôi sẽ đưa vào vận hành hệ thống mới. Thế nhưng, mọi việc nằm ngoài dự kiến và đã xảy ra sự việc trên. Do đó, sau khi vụ việc trên xảy ra, sáng ngày 22/2, chúng tôi đã đưa vào vận hành chương trình mới. Tuy nhiên, tôi muốn khẳng định một điều là vụ việc không như suy nghĩ của nhiều nhà đầu tư, khi cho rằng, hệ thống công nghệ của ACB đã bị lỗi hay ACB có những hành động không minh bạch. Trên thực tế, trong suốt ngày giao dịch 21/2 hệ thống công nghệ của ACB vẫn bình thường. Duy chỉ có một nguyên nhân là do lệnh giao dịch mua bán của nhà đầu tư đặt nhiều, với khối lượng lên đến 140.000 lượng (cao thứ 2 kể từ khi sàn giao dịch vàng Sài Gòn thành lập đến nay), nên thời gian xử lý các lệnh vào sàn chính bị chậm lại, dẫn đến lệnh nhiều nhà đầu tư bị rớt, do không kịp thời gian.

 Vân Linh thực hiện

Tin liên quan:

>>Giao dịch vàng ACB nhốn nháo vì sự cố

>>Giá vàng nhảy múa

Tin cùng chuyên mục

VNIndex 1,250.46 1.83 0.15% 233,085 tỷ
HNX 234.52 1.56 0.66% 2,523 tỷ
UPCOM 91.57 0.47 0.51% 880 tỷ