Sự cạnh tranh luôn tạo ra động lực phát triển

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Theo ông Nguyễn Hưng, Tổng giám đốc TPBank, sự cạnh tranh trong chuyển đổi số tại các ngân hàng không hẳn là trực tiếp, mà sẽ là sự phát triển đồng bộ, hợp lý và có lộ trình, bản sắc riêng của mỗi ngân hàng.
Tín dụng bán lẻ giữ vai trò ngày càng quan trọng trong hoạt động của TPBank Tín dụng bán lẻ giữ vai trò ngày càng quan trọng trong hoạt động của TPBank

TPBank vẫn được biết tới là “Ngân hàng công nghệ” và bằng chứng là các quầy Livebank được hiện diện ở nhiều nơi, nhưng dường như ưu thế này bị đe dọa khi các ngân hàng khác đang đẩy mạnh số hóa. Ông nghĩ sao về điều này?

TPBank đã tập trung phát triển hệ sinh thái ngân hàng số từ những năm trước, trong đó, LiveBank là điểm giao dịch tự động mở cửa 24/7, cung cấp các sản phẩm, dịch vụ tương đương với các kênh truyền thống của Ngân hàng.

Với việc áp dụng các công nghệ tân tiến nhất, LiveBank có những tính năng duy nhất trên thị trường Việt Nam như nhận diện khách hàng từ xa qua cuộc gọi trực tuyến, hỗ trợ giao dịch mà không cần gặp mặt trực tiếp… Khách hàng có thể mở tài khoản, đăng ký ngân hàng số, phát hành thẻ và nhận ngay chỉ trong 5 phút, giao dịch xác thực bằng khuôn mặt, vân tay…

Hiện nay, các ngân hàng khác cũng đang đẩy mạnh số hóa, đây là xu hướng tất yếu trong thời đại công nghệ 4.0 và là dấu hiệu tích cực cho toàn ngành. Hệ sinh thái số trong ngân hàng sẽ ngày càng hoàn thiện, tạo nên thói quen và thay đổi hành vi khách hàng. Việc này sẽ mang lại lợi ích cho cả khách hàng và ngân hàng.

Khách hàng sẽ được hưởng lợi từ các dịch vụ ngân hàng, giao dịch nhanh chóng, an toàn, giảm thiểu tiền mặt. Các ngân hàng sẽ hưởng lợi từ một hệ thống đồng bộ và sự cạnh tranh luôn tạo ra động lực phát triển, mang lại sự sáng tạo cho các ngân hàng.

Tuy nhiên, mỗi ngân hàng sẽ có chiến lược riêng dựa trên quy mô, đối tượng khách hàng... Do vậy, sự cạnh tranh ở đây sẽ không hẳn là trực tiếp, mà sẽ là sự phát triển đồng bộ, hợp lý và có lộ trình, bản sắc riêng. Chúng tôi đã sớm nhận thức được xu hướng này và đi trước một bước bằng những nghiên cứu, đầu tư vào công nghệ số từ rất sớm. Qua những bài học kinh nghiệm tích lũy được, TPBank đã tạo ra một văn hóa, một tư duy mở, luôn hướng tới “Đổi mới số và Sáng tạo số” để tiếp tục tiên phong, giữ vững vị thế Ngân hàng số số 1 Việt Nam đã được thị trường đón nhận.

Nhìn rộng ra toàn ngành, dường như các ngân hàng đang đứng ngoài khủng hoảng khi kết quả kinh doanh vẫn vượt trội, cho dù cũng chịu tác động bởi đại dịch Covid-19. Đâu là nguyên nhân và câu chuyện của TPBank là như thế nào?

Ông Nguyễn Hưng, Tổng giám đốc TPBank

Ông Nguyễn Hưng, Tổng giám đốc TPBank

Năm 2020 là năm thành công của Việt Nam khi nền kinh tế tăng trưởng khá tốt trong bối cảnh cả thế giới gặp khó khăn vì dịch bệnh. Việc duy trì một ngành ngân hàng với khả năng tài chính mạnh mẽ cũng là thành công của Việt Nam, khi ngành này đóng vai trò là huyết mạch, là trụ cột để hỗ trợ cho nền kinh tế.

Mặc dù đại dịch đã ảnh hưởng tiêu cực đến mọi ngành nghề kinh tế, tuy nhiên, nhờ sự vào cuộc mạnh mẽ từ rất sớm của Chính phủ, dịch bệnh đã được kiểm soát tốt, giúp giảm thiểu tác động lên nền kinh tế nói chung. Đối với ngành ngân hàng nói riêng, Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước đã kịp thời ban hành Thông tư 01/2020 cho phép các ngân hàng cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch. Nhờ đó, nền kinh tế giữ được đà tăng trưởng, với tăng trưởng tín dụng năm 2020 đạt 12,13%, thể hiện sự cố gắng rất lớn của toàn hệ thống.

Một yếu tố quyết định khác chính là thành công bước đầu từ chiến lược đổi mới số mà Ngân hàng triển khai quyết liệt trong những năm gần đây. Việc xây dựng nền tảng số, văn hóa số cho mọi nghiệp vụ của Ngân hàng đã giúp TPBank nâng cao chất lượng dịch vụ, rút ngắn thời gian giao dịch và mở rộng phạm vi kết nối với khách hàng. Những chính sách kịp thời và thiết thực trên đã giúp khách hàng yên tâm, ổn định sản xuất - kinh doanh, qua đó duy trì khả năng thanh toán đúng hạn cho TPBank.

Bên cạnh đó, kết quả kinh doanh của ngành cũng như TPBank có sự đóng góp không nhỏ từ hoạt động điều hành lãi suất và tỷ giá của Ngân hàng Nhà nước. Trong năm 2020, Ngân hàng Nhà nước đã 3 lần giảm lãi suất điều hành, qua đó tác động tích cực đến hoạt động huy động và cho vay trên thị trường.

Tầm nhìn quản lý chiến lược còn được thể hiện ở các quy định an toàn vốn, an toàn thanh khoản đã được Ngân hàng Nhà nước áp dụng trước đó. Các quy định này đã đóng góp rất tích cực trong việc xây dựng thị trường ngân hàng công khai, minh bạch và an toàn. Nhờ đó, khi những tình huống gây khủng hoảng như dịch bệnh Covid-19 xảy ra, ngành ngân hàng nói chung và TPBank nói riêng đã có đầy đủ nguồn lực dự phòng để ứng phó.

Trong năm 2021, theo yêu cầu của Chính phủ và chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước, TPBank cam kết tiếp tục chia sẻ khó khăn cùng doanh nghiệp và người dân thông qua các chính sách giảm lãi suất và phí dịch vụ, đồng thời không để thiếu vốn tín dụng cho các cơ sở sản xuất - kinh doanh, nhất là lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, lĩnh vực xuất khẩu, công nghệ cao. Sự kiện kỷ niệm 70 năm ngành ngân hàng diễn ra trong năm nay, giữa bối cảnh dịch Covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp, là một cột mốc bản lề, thể hiện một năm nhiều gian nan nhưng cũng đầy vinh quang của toàn ngành trong công cuộc chung tay cùng Chính phủ và nhân dân đẩy lùi dịch bệnh, khôi phục kinh tế.

Trong dài hạn hơn, khoảng 5 năm tới, ông có thể phác họa hoạt động của các ngân hàng, đặc biệt là sự biến đổi hậu đại dịch, bình thường mới?

Theo tôi, đi cùng với sự phát triển kinh tế, định hướng của Chính phủ và đặc biệt là sự biến đổi hậu đại dịch, bức tranh ngành ngân hàng trong 5 năm tới sẽ có những xu hướng sau:

Thứ nhất, ứng dụng khoa học công nghệ và chuyển đổi số là một trong những nhân tố chính quyết định sự thành công của các ngân hàng. Dịch bệnh đã làm thay đổi kỳ vọng, thói quen và hành vi của người tiêu dùng, dẫn đến nhu cầu về các giao dịch trực tuyến cũng như nhu cầu về những sản phẩm và dịch vụ mới tăng lên. Có thể nói, công nghệ là xu hướng tất yếu trong sự phát triển của Việt Nam nói chung và của ngành ngân hàng nói riêng. Ứng dụng công nghệ giúp các ngân hàng nâng cao hiệu quả hoạt động và quản trị tốt hơn.

Nhằm thực hiện và thích ứng với chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước và Chính phủ, cũng như đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của khách hàng, các ngân hàng sẽ đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ mới như AI, Machine Learning, Bigdata, Blockchain… trong những năm tới.

Thứ hai, đa dạng hóa hoạt động kinh doanh, đẩy mạnh các lĩnh vực ít rủi ro và có biên lợi nhuận cao để thúc đẩy hiệu quả hoạt động của các ngân hàng. Đây là xu hướng chung của các ngân hàng trên thế giới nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động và quản trị rủi ro tốt hơn. Trong xu hướng chung đó, các ngân hàng sẽ ngày càng chú trọng vào việc tăng thu từ dịch vụ phi tín dụng để thúc đẩy tăng trưởng. Tỷ trọng thu từ dịch vụ phi tín dụng trong tổng thu nhập của các ngân hàng thương mại đã tăng từ 8,23% vào năm 2015 lên 11,4% vào năm 2020. TPBank cũng đã sớm phát triển theo xu hướng này, thu nhập từ hoạt động dịch vụ của Ngân hàng đạt mức tăng trưởng kép 60% trong 5 năm qua.

Thêm vào đó, cơ cấu tín dụng cũng sẽ tiếp tục có sự thay đổi trong những năm sắp tới theo hướng tích cực và bền vững hơn. Thị trường tín dụng bán lẻ sẽ giữ vai trò ngày càng quan trọng trong hoạt động của các ngân hàng, đi kèm với đó là sự cạnh tranh sẽ ngày càng tăng, đòi hỏi các ngân hàng phải linh hoạt và quản trị rủi ro tốt hơn.

Thứ ba, chú trọng quản trị rủi ro, đảm bảo cho sự phát triển bền vững của các ngân hàng. Tác động của đại dịch cũng như mức độ hội nhập ngày càng sâu rộng trong quá trình toàn cầu hóa của nền kinh tế Việt Nam đòi hỏi các ngân hàng phải tiếp tục chú trọng vào hoạt động quản trị rủi ro, tuân thủ các chuẩn mực quốc tế về quản trị rủi ro nhằm duy trì phát triển bền vững.

Nhuệ Mẫn thực hiện
Đặc san Toàn cảnh Ngân hàng Việt Nam 2021

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục