Sự bi quan về thị trường Trung Quốc đã giảm bớt

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Tâm lý bi quan của nhà đầu tư đối với thị trường Trung Quốc đang có dấu hiệu thay đổi khi các nhà quản lý tài sản dừng bán hoặc cắt giảm tỷ trọng đầu tư với mức độ chậm hơn.
Sự bi quan về thị trường Trung Quốc đã giảm bớt

Theo dữ liệu do Bloomberg tổng hợp, các nhà đầu tư nước ngoài đã rút khoảng 26 tỷ USD khỏi thị trường trái phiếu chính phủ Trung Quốc vào năm 2023 trong khi đầu tư tổng cộng 62 tỷ USD vào trái phiếu vào phần còn lại của các thị trường mới nổi châu Á.

Nhưng hoạt động bán ròng trên thị trường cổ phiếu đã chậm lại ở mức 20 tỷ nhân dân tệ trong tháng 9 (tính đến thời điểm hiện tại) sau khi khối ngoại bán kỷ lục 90 tỷ nhân dân tệ (12,34 tỷ USD) cổ phiếu Trung Quốc trong tháng 8.

Các nhà đầu tư tại 6 công ty quản lý tài sản lớn – Pictet, BNP Paribas Asset Management, Janus Henderson, J.P. Morgan Asset Management, Invesco và RBC – cho biết, họ không giảm tỷ trọng nhưng cũng không tăng tỷ trọng Trung Quốc sau các biện pháp hỗ trợ nền kinh tế gần đây.

Dong Chen, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu kinh tế vĩ mô châu Á tại Pictet Wealth Management cho biết: “Trong khi bức tranh tổng thể rất ảm đạm, xu hướng giảm giá xung quanh chứng khoán Trung Quốc có thể đã đạt đến đỉnh điểm và do đó chúng tôi đang hạn chế cắt giảm rủi ro”.

Chỉ số CSI 300 đã giảm 4,5% trong năm nay và chạm mức thấp nhất trong 10 tháng trong tuần này, nhưng đã ổn định ở mức hỗ trợ khoảng 3.700 điểm.

Chỉ số Shanghai Composite đã đi ngang trong tháng 9 sau khi giảm 5,2% trong tháng 8, trong khi chỉ số Hang Seng cũng đang giữ mức thấp mới năm 2023, chỉ số này đã giảm 9,5% trong năm nay trong khi chứng khoán toàn cầu tăng 12%.

Về mặt kinh tế, tăng trưởng sản lượng công nghiệp và doanh số bán lẻ của Trung Quốc cũng cao hơn dự báo trong tháng 8.

Chi Lo, chiến lược gia thị trường cấp cao khu vực châu Á-Thái Bình Dương tại BNP Paribas Asset Management cho biết: “Tâm lý thị trường đối với chứng khoán Trung Quốc đã phục hồi nhẹ sau cuộc họp của Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc vào tháng 7. Chính sách hỗ trợ được xem là tích cực nhưng ở mức độ nhẹ. Các nhà hoạch định chính sách đã nhận ra các vấn đề trong nền kinh tế và sẵn sàng tăng cường hỗ trợ hơn nữa, nhưng vẫn không phải trả giá bằng việc làm trầm trọng thêm sự mất cân bằng cơ cấu của Trung Quốc".

Thay đổi cách tiếp cận

Những dấu hiệu đáng khích lệ vẫn chưa thúc đẩy các nhà quản lý tài sản quay trở lại thị trường Trung Quốc, nhưng chúng đang được chú ý và nhiều người đang áp dụng cách tiếp cận kiên nhẫn chờ đợi thay vì quyết định rút tiền ra.

Alex Redman, chiến lược gia cổ phiếu trưởng tại CLSA cho biết: “Vấn đề hiện tại là nhận thức của các nhà quản lý danh mục đầu tư đang trong giai đoạn chuyển tiếp, họ đã phải hứng chịu quá nhiều cơn bão lớn về sự phục hồi của chứng khoán Trung Quốc, điều này cuối cùng gây thất vọng”.

Chắc chắn rằng, lĩnh vực bất động sản vẫn là thách thức lớn khi các nhà phát triển bất động sản lớn như Country Garden và Sino-Ocean đang đứng trước nguy cơ vỡ nợ.

Và trong khi áp lực giảm phát ở Trung Quốc đã giảm bớt vào tháng trước, tỷ lệ thất nghiệp ở thanh niên cao kỷ lục, sự không chắc chắn về kỳ vọng thu nhập hộ gia đình và căng thẳng Mỹ-Trung ngày càng sâu sắc đã che mờ triển vọng tăng trưởng của nền kinh tế.

Jasmine Duan, chiến lược gia đầu tư tại RBC Investment Services cho biết: “Thị trường có thể chỉ có đà tăng trưởng dài hạn khi nền kinh tế ổn định, lợi nhuận doanh nghiệp phục hồi và tâm lý của nhà đầu tư nước ngoài đối với tài sản Trung Quốc được cải thiện đáng kể”.

Tìm kiếm các lựa chọn thay thế

Những người khác đang tìm kiếm cơ hội ở các thị trường bên ngoài Trung Quốc, nhưng xu hướng đó đang có dấu hiệu suy yếu, điều này được thể hiện qua dòng tiền chảy vào thị trường chứng khoán Ấn Độ đã chậm lại trong tháng 8.

Sat Duhra, nhà quản lý danh mục đầu tư tại Janus Henderson cho biết, quỹ đầu tư của ông có vị thế “cao kỷ lục” ở Indonesia và Ấn Độ nhờ bối cảnh chính trị và kinh tế vĩ mô tương đối ổn định cùng nhiều yếu tố khác.

“Trung Quốc vẫn là thị trường có thể đầu tư nhưng các biện pháp gần đây không như mong đợi của nhà đầu tư, chúng không thay đổi bất cứ điều gì theo quan điểm của tôi”, ông cho biết khi đề cập đến các bước kích thích mà Trung Quốc đã triển khai để củng cố nền kinh tế.

Patrick Garvin, Giám đốc cổ phiếu các thị trường châu Á và mới nổi tại Invesco cũng vẫn giữ quan điểm bi quan về Trung Quốc, nhưng bắt đầu nghĩ về chất xúc tác để tăng lợi nhuận.

“Với tâm lý nhà đầu tư đối với Trung Quốc hiện còn quá yếu, việc định giá cổ phiếu có thể khá nhạy cảm với các dấu hiệu cho thấy các yếu tố cơ bản của doanh nghiệp đang bắt đầu được cải thiện”, ông cho biết.

Trước năm nay, nhiều người tin rằng sự suy yếu của thị trường Trung Quốc sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến phần còn lại của thế giới, đặc biệt là nhóm các thị trường mới nổi. Chỉ số MSCI Trung Quốc được dự báo sẽ giảm khoảng 7% vào năm 2023, bắt đầu chuỗi 3 năm giảm điểm dài nhất trong hơn 20 năm. Khi các nhà đầu tư tìm kiếm lợi nhuận ở các quốc gia khác như Ấn Độ và các khu vực khác của Mỹ Latinh, chỉ số thị trường mới nổi MSCI hiện đã tăng 3% trong năm nay.

Sự chênh lệch xuất phát từ những nỗ lực của Trung Quốc nhằm tự chủ trong tất cả các chuỗi cung ứng và sự xấu đi trong mối quan hệ với Mỹ, điều này khiến các thị trường khác ít bị tổn thương hơn trước những thăng trầm của nước này. Sự bùng nổ của trí tuệ nhân tạo cũng là một yếu tố khác bên cạnh sự tách rời kinh tế. Từ mức hơn 30% vào cuối năm 2021, tỷ trọng của Trung Quốc trong chỉ số thị trường mới nổi của MSCI đã giảm xuống còn khoảng 27% hiện nay.

Hạc Hiên
Theo báo chí nước ngoài

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục