Sau 10 năm, tình hình kinh tế - xã hội đã thay đổi đáng kể. Trong bối cảnh ngân khố quốc gia đối mặt với bội chi ngày càng lớn do phải cắt giảm thuế quan; mở rộng ưu đãi miễn, giảm thuế để thu hút đầu tư..., nên một lần nữa, Bộ Tài chính đánh thuế không chỉ nhà ở của hộ gia đình, cá nhân, mà với cả nhà và công trình thương mại, dịch vụ.
Theo hướng này, thuế suất thuế tài sản đối với phần giá trị nhà từ 700 triệu đồng (hoặc trên 1 tỷ đồng) trở lên chịu thuế suất 0,4%.
Với đất ở (bao gồm cả trường hợp sử dụng để kinh doanh), đất xây dựng nhà chung cư sẽ áp dụng mức thuế suất 0,4%; đất xây dựng nhà hàng áp dụng mức thuế 0,52%; đất sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp khác áp dụng mức thuế suất 0,3%; đất sử dụng không đúng mục đích áp dụng mức thuế suất 1%.
Song vào thời điểm hiện nay, việc ban hành thuế tài sản là chưa phù hợp với thực tế, thậm chí còn phản tác dụng bởi Việt Nam đang tập trung thực hiện mục tiêu bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, nâng cao sức cạnh tranh, khuyến khích khởi nghiệp, phát triển doanh nghiệp, bảo đảm an sinh xã hội. Cụ thể hơn, sự bất hợp lý này thể hiện qua một số điểm:
Thứ nhất, với mức thuế suất kể trên, chưa tính tới thuế đối với nhà ở trên 700 triệu đồng (hoặc trên 1 tỷ đồng), hộ gia đình, cá nhân sẽ phải nộp thuế gấp hơn 13 lần số tiền thuế sử dụng đất phi nông nghiệp hiện nay (thuế suất 0,03%).
Khi phải nộp nhiều thuế hơn, người dân chắc chắn sẽ hạn chế chi tiêu.
Điều này lập tức tác động tới tiêu dùng nội địa - một trong những động lực góp phần tăng trưởng kinh tế. Chi tiêu của người dân giảm, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng giảm sẽ cản trở tinh thần khởi nghiệp, phát triển sản xuất, kinh doanh.
Thứ hai, thực hiện lộ trình xã hội hóa, hàng loạt phí dịch vụ công, trong đó có học phí, viện phí được chuyển dần thành giá dịch vụ công và từng bước điều chỉnh theo sát giá thị trường.
Theo đó, người dân phải chi phí nhiều hơn khi sử dụng dịch vụ công. Việc tăng tiền thuế đất ở và phải nộp thêm tiền thuế nhà ở sẽ tác động cộng hưởng, ảnh hưởng không tốt đến chính sách an sinh xã hội.
Thứ ba, toàn bộ số tiền thuế tài sản đánh vào đất sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp và công trình trên đất đưa vào sản xuất, kinh doanh sẽ được tính vào giá bán hàng hóa, giá cung cấp dịch vụ.
Điều này không chỉ làm giảm sức cạnh tranh của hàng hóa sản xuất trong nước, cản trở thu hút đầu tư, mà còn gây áp lực lạm phát.
Thêm nữa, trong khi Bộ Tài chính đang đề nghị tăng thuế bảo vệ môi trường đối với nhiều loại hàng hóa, thì việc ban hành thêm thuế tài sản chắc chắn tác động không nhỏ tới mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế…
Thứ tư, nhiều khả năng, tính khả thi của Luật thuế tài sản không cao. Lý do là, nếu phải đóng với mức thuế nhà, đất quá cao, rất nhiều người dân sẽ không đủ năng lực tài chính để thực hiện nghĩa vụ với ngân sách nhà nước, dẫn đến tình trạng trốn tránh, chây lỳ.
Hơn thế, nhà, đất là tài sản của người dân, họ có toàn quyền sử dụng và thực hiện các quyền đối với tài sản như cầm cố, thế chấp, thừa kế, cho tặng, mua bán và Nhà nước không có bất cứ chế tài nào buộc người dân phải thực hiện nghĩa vụ với ngân sách nhà nước.
Khi đó, hiệu lực trong thực thi pháp luật sẽ giảm. Đây cũng là một trong những lý do quan trọng khiến Quốc hội bác bỏ đề xuất đánh thuế đối với nhà ở khi thông qua Luật thuế Sử dụng đất nông nghiệp năm 2010.
Số liệu thống kê cho thấy, thuế sử dụng đất phi nông nghiệp hàng năm mới thu về cho ngân sách 1,2% tổng số tiền thu từ đất đai.
Trong điều kiện hiện nay, thay vì ban hành thêm sắc thuế tài sản, Bộ Tài chính có thể đề xuất tăng thuế suất thuế sử dụng đất phi nông nghiệp lên mức hợp lý hoặc điều chỉnh mức thu tiền sử dụng đất và tiền cho thuê đất. Giải pháp này vừa góp phần tăng thu ngân sách, vừa tránh gây bức xúc trong xã hội.