STB và cuộc chuyển giao của các ‘đại gia’

(ĐTCK-online) Những động thái của các nhà đầu tư nước ngoài trong thời gian gần đây tại Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank - mã chứng khoán STB) khiến giới đầu tư vui buồn lẫn lộn, làm cho cổ phiếu này trên thị trường cũng “bập bềnh” không dứt theo cảm xúc của nhà đầu tư.

Cuối năm 2007, các cổ đông cá thể của Sacombank được phen lo lắng trước việc cổ đông chiến lược nước ngoài International Finance Corporation (IFC) thông báo giảm bớt tỷ lệ sở hữu tại ngân hàng này. Đây là thông tin khá nhạy cảm đối với STB vì IFC là 1 trong 3 nhà đầu tư tài chính quốc tế lớn nhất đầu tư cổ phần tại Sacombank (2 tổ chức còn lại là Dragon Financial Holdings và Ngân hàng ANZ). IFC sẽ giảm khoảng 2% từ mức 7,63% cổ phần mà tổ chức này đang nắm giữ tại Sacombank. Thông tin trên đã khiến nhiều người bán vội cổ phiếu STB, làm giá cổ phiếu này  giảm đáng kể trong những ngày cuối năm 2007.

Tuy nhiên, theo bà Trần Thị Bảo Ngọc, chuyên viên Phòng Đối ngoại Sacombank thì việc IFC Việt Nam rút một phần vốn khỏi Sacombank là nằm trong kế hoạch chuẩn bị đầu tư vốn vào các lĩnh vực khác nhằm đa dạng hóa lĩnh vực đầu tư tại Việt Nam và thực hiện tốt vai trò hỗ trợ của một tổ chức phi chính phủ của mình. Do đó, cho dù rút một phần vốn khỏi Sacombank, nhưng IFC vẫn tiếp tục là một trong những cổ đông chiến lược và cam kết sẽ hợp tác chặt chẽ để Sacombank phát triển mạnh mẽ hơn nữa cả về chiều rộng lẫn chiều sâu.

Bà Ngọc cho biết thêm, ngay khi kế hoạch của IFC được đưa ra, khá nhiều tổ chức tài chính quốc tế đã đề nghị được mua lại số cổ phần mà IFC có ý định nhượng bán. Và Công ty Chứng khoán Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (SBS) đã được HĐQT Sacombank chỉ đạo thực hiện việc chọn lựa đối tác chiến lược sở hữu số vốn cổ phần này của IFC.

Những ngày đầu năm 2008, các cổ đông cá thể của Sacombank đã phần nào được chấn an trước động thái mua vào cổ phiếu STB của cổ đông nước ngoài là Ngân hàng ANZ. Mặc dù theo dự kiến, thời hạn cuối cùng để ANZ mua cổ phiếu STB là ngày 21/3/2008, nhưng ngày 3/1/2008, ANZ đã thông báo mua đủ 703.170 cổ phiếu theo kế hoạch. Như vậy, sau khi mua thêm số cổ phiếu này thì số lượng cổ phiếu mà ANZ nắm giữ tại Sacombank đã tăng lên 44.488.140 cổ phiếu.

Nhờ vậy, giá cổ phiếu STB mặc dù vẫn chưa thực sự hồi phục so với tháng trước, nhưng cũng giữ được giá trong bối cảnh thị trường đi xuống. Trong phiên giao dịch ngày 4/1, mặc dù chỉ số VN-Index đã sụt 5,16 điểm, xuống còn có 903,09 điểm, nhưng cổ phiếu STB vẫn nhích lên 500 đồng/cổ phiếu, từ 63.500 đồng lên 64.000 đồng/cổ phiếu.

Sau khi IFC rút một phần vốn khỏi Sacombank thì “khoảng trống” đã được lấp lại nhanh chóng từ Ngân hàng ANZ. Chính vì vậy, phần vốn tham gia của các nhà đầu tư nước ngoài tại Sacombank vẫn xấp xỉ 30%, mức tối đa được phép hiện nay đối với cổ phiếu ngân hàng.

Mới đây, Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính đã có kiến nghị Bộ Tài chính và Ủy ban Chứng khoán về việc nên nới lỏng tỷ lệ mua cổ phiếu của các nhà đầu tư nước ngoài trong các ngân hàng thương mại lên khoảng 35 - 37,5%. Với động thái này, các cổ đông nhỏ lẻ của Sacombank sẽ còn nhiều hồi hộp để tiếp tục theo dõi diến biến của STB trong thời gian tới.

Chí Tín
Chí Tín

Tin cùng chuyên mục