Rắc rối tiền nong, nảy ra ý tưởng
Khi Taavet Hinrikus chuyển từ Estonia đến chi nhánh của Skype tại London để làm việc, anh vẫn phải nhận tiền lương bằng đồng euro chứ không phải bảng Anh. Tiền được chuyển về tài khoản mở tại một ngân hàng ở Estonia. Cứ hàng tháng, Hinrikus tiếc “đứt ruột” khi phải thấy các khoản phí cao ngất ngưởng và tỉ giá ngoại tệ bất lợi do ngân hàng áp đặt. Ở chiều ngược lại, Kristo Käärmann cũng gặp rắc rối tương tự khi được trả lương bằng bảng Anh, nhưng lại cần gửi tiền về nhà ở Estonia.
Một ngày nọ, khi đang trò chuyện trên mạng với nhau, Hinrikus và Käärmann phát hiện họ cần chuyển một số tiền bằng nhau. Thay vì chuyển tiền quốc tế, họ chỉ cần chuyển cho nhau số tiền trong tài khoản của họ tại mỗi nước. Chuyển khoản trong nước nhanh và rẻ hơn nhiều so với chuyển quốc tế. Không lâu sau đó, hai chàng trai Estonia lập một diễn đàn trên Skype để người Estonia tại London “nói chuyện tiền nong” và dàn xếp các giao dịch tương tự.
Từ ý tưởng này, Käärmann và Hinrikus năm 2010 thành lâp công ty TransferWise. Khách hàng được hứa hẹn đảm bảo đúng “tỉ giá giữa thị trường” khi chuyển tiền quốc tế. Phần mềm của TransferWise bắt cặp khách hàng ở hai nước có số tiền chuyển bằng nhau và ngược chiều nhau. Giống như cách mà Käärmann và Hinrikus đã đổi tiền với nhau, việc chuyển tiền của khách hàng được diễn ra âm thầm hơn, với quy mô lớn hơn rất nhiều.
Marketing thông minh
TransferWise không phải là startup đầu tiên về chuyển tiền quốc tế. Tuy nhiên, cách marketing thông minh đã biến công ty thành giải pháp được các lao động nước ngoài ở London lựa chọn hàng đầu. Cứ 10 người ở trung tâm London thì có đến 4 người có gốc nước ngoài.
Hinrikus và Käärmann đã mua quảng cáo tại các ga tàu điện tại khu vực này. Họ cho chiếu cảnh quay những người chuyển tiền “đau khổ” khi nhìn thấy tỉ giá ngoại tệ bất lợi làm họ tốn biết bao nhiêu là tiền. Trong một chiến dịch khác, các nhân viên của TransferWise chỉ được mặc mỗi đồ lót đứng giữa trung tâm New York và London. Họ khong hoàn toàn khỏa thân mà đươc vẽ các lá cờ lên cơ thể. TransferWise muốn thể hiện họ đại diện cho ý tưởng “minh bạch trong giao dịch”.
Những chiến dịch quảng cáo đánh trúng tâm lý những người lao động nước ngoài đã phát huy tác dụng. Tính đến tháng 10.2015, TransferWise nắm 5% toàn bộ các giao dịch chuyển tiền quốc tế từ London ra nước ngoài. Công ty hoạt động tại hơn 60 quốc gia, giải quyết gần 500 triệu bảng Anh giao dịch mỗi tháng. “Đứa con” của Hinrikus và Käärmann liên tiếp đạt các giải thưởng về tiên phong sáng tạo, trong đó có giải của Apple và Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF). Đầu năm 2015, sau khi được hãng đầu tư mạo hiểm Andreessen Horowitz rót thêm vốn, TransferWise được ước lượng giá trị vượt 1 tỉ USD.
Một quảng cáo của TransferWise tại London hàm ý người lao động cần mau “thức tỉnh” trước các khoản phí và tỉ giá đổi ngoại tệ bất lợi của các ngân hàng, ảnh: Bloomberg
Thách thức ngân hàng
“Không cần ngân hàng lớn vẫn có thể cung cấp những dịch vụ này, đó chính là sự đột phá. Cung cấp cho mọi người lựa chọn tốt hơn ngân hàng, đó chính là sự đột phá”, Hinrikus tự hào nói về startup mà mình đồng sáng lập. TransferWise tuyên bố họ có tỉ lệ bắt cặp khách hàng chuyển tiền tối thiểu là 60%, với 20 “cặp tiền tệ” của Anh, Mỹ, Úc và các nước châu Âu. Vì có “đại bản doanh” ở London, tỉ lệ bắt cặp thành công khi chuyển sang tiền bảng Anh là 100%, phó chủ tịch kỹ thuật của TransferWise Harsh Sinha cho biết. Phần mềm của công ty này sử dụng các thuật toán giúp chuyển tiền bắt cầu giữa các những khách hàng ở các nước khác nhau.
Harsh Sinha cho biết, công ty này cố gắng giúp việc chuyển khoản trở nên đơn giản nhất có thể. Các nhà lập trình cũng phát triển các công cụ phát hiện rửa tiền và lừa đảo. Số lập trình viên đã tăng gấp đôi trong vòng 1 năm, lên đến gần 100 người. Họ còn có tham vọng tạo ra một hệ thống máy tính “tự học hỏi”, có khả năng đoán khi nào công ty cần mua thêm ngoại tệ để hỗ trợ các giao dịch không tìm ra người bắt cặp phù hợp.
Hiện công ty đang phối hợp với cả N26 - startup ngân hàng “100% trên điện thoại” đầu tiên của Đức. TransferWise cũng không tính “sống một mình” mà sẽ tìm kiếm các ngân hàng để làm đối tác. Hai nhà sáng lập tự tin rằng mức giá cạnh tranh của startup này sẽ buộc các ngân hàng lớn phải giảm phí và không trụ nổi trước các cổ đông. “Họ sẽ phải tự xây dựng các phần mềm tương tự, hoặc phải làm đối tác với chúng tôi, hoặc sẽ bị đá khỏi hoạt động chuyển khoản quốc tế”, Hinrikus tự tin về tương lai của công ty.