Standard Chartered: Một năm không tồi cho các nhà đầu tư

(ĐTCK) Nghiên cứu về Tổng quan thị trường 2017 của Ngân hàng Standard Chartered vừa công bố cho biết, đang có sự dịch chuyển mạnh mẽ về tâm lý nghiêng vào bối cảnh nền kinh tế với hệ thống tiền tệ phục hồi trong thời gian gần đây.
Standard Chartered: Một năm không tồi cho các nhà đầu tư

Báo cáo nhận định, triển vọng kinh tế toàn cầu đang diễn biến tích cực. Dự báo thống kê cho thấy, tăng trưởng toàn cầu kỳ vọng ở mức 3,2% vào năm 2017, so với mức dự báo 2,9% trong năm 2016.

Trong đó, một số nền kinh tế mới nổi có khả năng quay đầu tăng trưởng sau một vài năm suy thoái như Brazil và Nga, thêm vào đó là giá cả các loại hàng hóa phục hồi từ mức thấp trong nhiều thập kỷ qua.

Trong viễn cảnh phục hồi hệ thống tiền tệ, gói kích cầu tín dụng và chính sách tài khóa của Trung Quốc được áp dụng trong vài năm qua vẫn tiếp tục hỗ trợ cho sự ổn định của các thị trường mới nổi, bên cạnh việc phục hồi giá hàng hóa. Khả năng châu Á sẽ đóng góp 60% tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong 2017.

Bên cạnh đó, chính sách tài khóa tại các thị trường phát triển có tiềm năng thúc đẩy tăng trưởng toàn cầu, đặc biệt khi chính sách tiền tệ vẫn tiếp tục hỗ trợ (và lãi suất thực ở mức âm), kể cả khi Fed có thể tăng lãi suất cơ bản khoảng 50 điểm trong 12 tháng tới. Ngân hàng Standard Chartered kỳ vọng các ngân hàng Trung ương ECB của châu Âu, BoJ của Nhật, PBoC của Trung Quốc duy trì chính sách tiền tệ hỗ trợ trong suốt 2017.

Chính sách tài khóa đã bắt đầu hỗ trợ một số nền kinh tế - lần đầu tiên từ 2009, thâm hụt chính sách tài khóa của Mỹ tăng trong năm 2016. Hơn nữa, nới lỏng là kết quả đơn giản hóa chính sách thuế (hoặc cắt thuế) và tăng chi tiêu cơ sở hạ tầng, điều này có thể thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Mỹ cao hơn mức 2%.

 Tuy nhiên, những rủi ro này sẽ đẩy lạm phát lên, ép Fed tăng lãi suất nhanh hơn dự kiến 2 lần và tăng giá USD. Lãi suất cao hơn và đồng USD tăng mạnh hơn có thể đóng vai trò làm phanh hãm lại giả thiết này.

Các chính phủ mới tại Anh Quốc và Canada bã bỏ kế hoạch ban đầu nhằm đạt được kết quả thặng dư ngân sách và thay vào đó là đề xuất cắt giảm thuế cùng với tăng chi tiêu cơ sở hạ tầng nhiều hơn.

Trong khi đó, chính sách kiểm soát lợi suất dài hạn trái phiếu chính phủ của Nhật có khả năng giúp chính phủ bán loại trái phiếu này để tài trợ khoản chi tiêu cơ sở hạ tầng, còn đồng Yên Nhật yếu đi sẽ giúp các nhà xuất khẩu Nhật.

Sự phục hồi của các thị trường mới nổi

Theo nghiên cứu, Trung Quốc có khả năng vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng ổn định quanh mức 6,5% trong thời gian chuẩn bị cho Đại hội Đảng cộng sản 5 năm 1 lần của nước này. Điều này sẽ hỗ trợ tăng trưởng trong toàn khu vực.

Châu Á khả năng tiếp tục duy trì đóng góp lớn nhất trong tăng trưởng toàn cầu nhờ vào các chính sách tiền tệ thích ứng và mức tiêu thụ tăng cao, đặc biệt ở các nền kinh tế lấy nhu cầu trong nước làm trọng tâm như Ấn Độ và Indonesia.

Trong số các nền kinh tế mới nổi khác, Brazil và Nga được kỳ vọng sẽ đi lên sau 2 năm suy thoái nhờ sự phục hồi của giá dầu và hàng hóa. Lạm phát giảm ở cả 2 nền kinh tế này sẽ cho phép các ngân hàng trung ương cắt giảm lãi suất để thúc đẩy xu hướng tăng trưởng đi lên.

Rủi ro lớn nhất đối với các thị trường mới nổi dường như xuất phát từ bên ngoài, đặc biệt từ bất kỳ biện pháp thương mại mang tính bảo hộ hay trừng phạt nào từ phía chính quyền Mỹ sắp tiếp quản hay từ sự tăng giá của đồng USD.

Ngân hàng Standard Chartered kỳ vọng, đồng USD sẽ tăng giá vừa phải trong năm 2017. Các đồng tiền EURO (EUR), yên Nhật (JPY), bảng Anh (GBP) và nhân dân tệ (CNY) sẽ giảm giá trong năm 2017 giữa bối cảnh mức lãi suất kỳ vọng ở Mỹ tăng cao và việc ngân hàng trung ương ở các khu vực tương ứng còn lại tiếp tục nới lỏng chính sách tiền tệ.

Đồng đô la Úc (AUD) và đô la Newzealand (NZD) sẽ tiếp tục tăng giá trong năm 2017 trong bối cảnh lạm phát tăng, giá hàng hóa tăng cao hơn và khả năng không có thêm sự nới lỏng chính sách nào từ các ngân hàng trung ương.

“Chúng tôi kỳ vọng các đồng tiền liên quan đến hàng hóa có cán cân thanh toán được cải thiện và mức lãi suất cao (rúp Nga, real Brazil, rupiah Indonesia và rupi Ấn Độ) sẽ thể hiện tốt hơn so với các đồng tiền của các thị trường mới nổi khác trong các giao dịch với đồng USD”, các chuyên gia của Ngân hàng Standard Chartered dự báo.

Bên cạnh đó, hàng hóa được dự báo sẽ tiếp tục xu hướng tăng giá vừa phải trong năm 2017 khi mà triển vọng về lạm phát và vòng quay chi phí vốn trên toàn cầu được cải thiện.

Yếu tố cung-cầu được cải thiện chứng tỏ khả năng giá dầu sẽ tăng lên trong năm 2017 nhưng vẫn tiếp tục bị giới hạn quanh mức 60-65 USD/thùng. Khả năng vàng vẫn dao động trong biên độ cho phép. Một khoản đầu tư rất hạn chế vào vàng vẫn tiếp tục được coi là biện pháp đề phòng viễn cảnh đi xuống do lạm phát.

Nhuệ Mẫn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục