Thị trường chứng khoán Việt Nam đang bước vào chu kỳ chuyển động tích cực hơn chủ yếu do động lực phục hồi từ vùng đáy, được dẫn dắt bởi một loạt giải pháp hỗ trợ của Chính phủ thông qua chính sách tài khóa và tiền tệ. Trong khi đó, bức tranh kinh tế vĩ mô của Việt Nam trong ngắn hạn vẫn còn nhiều thách thức do tác động từ sự suy yếu của các nền kinh tế lớn, tiêu dùng trong nước chậm và đầu tư được chọn làm động lực tăng trưởng trong 6 tháng cuối năm.
Trong quý IV/2022 và I/2023 tăng trưởng lợi nhuận các doanh nghiệp âm liên tiếp, tuy nhiên tốc độ giảm đã chậm lại. SSI kỳ vọng tốc độ giảm của lợi nhuận sẽ tiếp tục thu hẹp khi nhiều doanh nghiệp lớn đầu ngành bắt đầu có sự cải thiện lợi nhuận ngay trong quý II và thị trường cũng không chịu áp lực nền so sánh cao ở quý cùng kỳ năm 2022.
Nhóm chuyên gia kỳ vọng chỉ số có thể sẽ chinh phục mục tiêu 1.150 - 1.156 để tiến lên các mốc điểm số cao hơn tại vùng 1.170 - 1.180 trong chu kỳ tăng trưởng tháng 7. Trường hợp không diễn biến tích cực như dự kiến và VN-Index không giữ vững mốc 1.100, nhà đầu tư cần thu hẹp danh mục về trạng thái an toàn để hạn chế ảnh hưởng từ rủi ro chung của thị trường.
Cân bằng giữa cơ hội và rủi ro cùng đa dạng hóa danh mục là chiến lược, SSI đề xuất 6 cổ phiếu hầu hết là các doanh nghiệp đầu ngành nhận được yếu tố tác động tích cực ngay trong mùa báo cáo quý II.
VNM - CTCP Sữa Việt Nam
Tác động của chi phí đầu vào (sữa bột nhập khẩu) thấp hơn sẽ bắt đầu có tác động tích cực đến tỷ suất lợi nhuận gộp kể từ quý II/2023, nâng tỷ suất lợi nhuận gộp lên gần 40% (so với mức 38,8% trong quý I/2023). Do chi phí đầu vào giảm, SSI kỳ vọng VNM sẽ đạt mức tăng trưởng lãi ròng 18% so với cùng kỳ trong nửa cuối năm 2023.
Giá cổ phiếu đã phản ánh những khó khăn trước đó và có thể đã chạm đáy. Từ tháng 7, VNM sẽ khởi động chương trình tái xây dựng thương hiệu, đây là đợt tái cấu trúc danh mục sản phẩm lớn nhất của Công ty trong thập kỷ qua. SSI kỳ vọng chiến lược này sẽ giúp cải thiện doanh thu và giúp VNM giành lại thị phần trong thời gian tới.
SSI ước tính lãi ròng tăng trưởng 7,3% năm 2023 và 11,3% năm 2024.
QNS - CTCP Đường Quảng Ngãi
SSI ước tính doanh thu và lợi nhuận sau thuế nửa đầu năm 2023 tăng trưởng 35% và 65% so với cùng kỳ, nhờ việc hưởng lợi từ giá đường nội địa và sản lượng mía tăng cao. Dự phóng cho năm 2023 và 2024, QNS sẽ ghi nhận lần lượt lợi nhuận sau thuế là 1.600 tỷ đồng (tăng 25%) và 1.900 tỷ đồng (tăng 16%).
Theo VSSA, việc kiểm soát đường nhập lậu và hoạt động thanh tra đã được tăng cường. Giá đường thế giới tiếp tục neo tại mức cao sau khi đạt đỉnh 10 năm vào tháng 4 năm 2023. SSI ước tính giá đường nội địa sẽ tiếp tục duy trì trên mức 20.000 VND/kg, tăng 12% so với cùng kỳ từ quý II năm 2023 khi đường nhập khẩu vẫn chiếm 2/3 nguồn cung đường Việt Nam.
Tiêu thụ sữa đậu nành kỳ vọng được hỗ trợ từ nửa sau năm 2023 nhờ vào giảm thuế VAT từ 10% xuống 8% và ra mắt sản phẩm sữa đậu nành mới.
VRE - CTCP Vincom Retail
VRE hiện đang vận hành 83 trung tâm thương mại tại 43 tỉnh thành với tổng diện tích sàn cho thuê đạt 1,75 triệu m2. Trong năm 2023, VRE đặt kế hoạch khai trương thêm 2 trung tâm thương mại và dự kiến bổ sung hơn 800 nghìn m2 diện tích sàn bán lẻ vào danh mục dự án trong ba năm tiếp theo.
Năm 2023, SSI Research ước tính VRE đạt 10.300 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 40% và 4.000 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ, tăng 43,6%. Kết quả trên phản ánh kỳ vọng tăng trưởng 19,6% của mảng cho thuê do ngừng triển khai gói hỗ trợ tiền thuê và tăng diện tích sàn bán lẻ (3,2%) nhờ cải thiện tỷ lệ lấp đầy và giá thuê. Đồng thời, doanh thu từ bán bất động sản cũng tăng mạnh, khoảng 415% khi bàn giao các căn shophouse.
Kết quả kinh doanh quý II dự kiến tăng trưởng khả quan nhờ đóng góp thêm từ các trung tâm thương mại mới mở vào cuối quý II năm ngoái, đồng thời tỷ lệ lấp đầy bình quân toàn hệ thống cũng được kỳ vọng cải thiện so với cùng kỳ.
GMD - CTCP Gemadept
Trong quý II, GMD đã hoàn thành giao dịch thoái 85% vốn ở cảng Nam Hải Đình Vũ. Lợi nhuận dự kiến cho giao dịch thoái vốn này ước tính là 2.100 tỷ đồng (theo ban lãnh đạo).
Kết quả kinh doanh cốt lõi sẽ cải thiện so với quý I/2023, tuy nhiên vẫn tiếp tục giảm so với cùng kỳ. SSI cho rằng kết quả kinh doanh cốt lõi của GMD sẽ tốt hơn trong quý II, do đã bắt đầu có sự phục hồi về lượng hàng thông qua ở Gemalink và các cảng khu vực phía Bắc của GMD. Tuy nhiên, kết quả có thể thấp hơn so với quý II/2022, do đã không còn sự đóng góp của cảng Nam Hải Đình Vũ cũng như nền so sánh cao của năm ngoái.
PVD - Tổng Công ty khoan và dịch vụ khoan dầu khí Việt Nam
SSI cho rằng, lợi nhuận quý II của PVD có thể tiếp tục cải thiện so với quý I, với lợi nhuận cốt lõi sau thuế ước tính đạt 100 tỷ đồng (so với mức lỗ cùng kỳ).
Trong quý II, giá cho thuê giàn trung bình ngày với giàn Jack up 360-400 IC (phần lớn giàn của PVD là loại này) duy trì ở mức cao, đạt 110 nghìn USD/ngày, với hiệu suất sử dụng giàn trung bình toàn thị trường hơn 90%, do nhu cầu tiếp tục tăng cao ở các thị trường quốc tế như Trung Đông, Malaysia.
Năm 2024 dự kiến các dự án thượng nguồn tại Việt Nam có thể dần được triển khai trở lại, như Lạc Đà Vàng, Block B... sẽ là nguồn việc cho các doanh nghiệp thượng nguồn trong đó có mảng khoan và dịch vụ khoan dầu khí của PVD.
MBS - CTCP Chứng khoán MB
Kết quả kinh doanh quý I của MBS được kỳ vọng khả quan đảo chiều tăng trưởng dương sau 4 quý ghi nhận kết quả âm. Mức độ tăng của MBS trong thời gian qua chưa phản ánh kỳ vọng trên do so với các công ty chứng khoán trong ngành, MBS không có lợi thế về mảng tự doanh.
MBS có sức khỏe tài chính tương đối tốt. Tỷ lệ cho vay ký quỹ/tổng vốn chủ sở hữu đạt 98%, tỷ trọng đầu tư TPDN/tổng tài sản 18%, các khoản phải thu và dự phòng không ghi nhận mức tăng đột biến trong vòng 3 quý qua. MBS có kế hoạch tăng vốn thêm 570 tỷ đồng trong 2023 thông qua phát hành cổ tức bằng cổ phiếu.
SSI kỳ vọng, lợi nhuận MBS trong 2023 có thể ghi nhận mức tăng trưởng khoảng 13 - 15% so với cùng kỳ. MBS đang được giao dịch tại P/B trailing ở mức 1,6 lần - thấp hơn so với mức trung bình của 4 công ty chứng khoán niêm yết trong Top 10 thị phần là 1,82.