SSI có gặp thời khi chuyển sàn?

(ĐTCK-online) Các cổ phiếu niêm yết trên sàn TP. HCM trong thời gian gần đây luôn tăng giá mạnh. Liệu rằng, khi chuyển sang niêm yết tại sàn TP. HCM vào ngày 29/10 tới, cổ phiếu của Công ty Chứng khoán Sài Gòn (SSI) có cùng xu hướng trên?
SSI có gặp thời khi chuyển sàn?

Đầu tư theo giá trị hay tâm lý?

Thời gian qua, các cổ phiếu mới được niêm yết liên tục tăng giá so với giá tham chiếu khi chào sàn. Có thể nói, giá tham chiếu khi chào sàn là mức giá được phía DN niêm yết đưa ra, phản ánh triển vọng phát triển của DN trong tương lai, mức giá này có thể xem như giá trị nội tại của cổ phiếu. Đồng thời, mức giá này được cơ quan quản lý nhà nước thẩm tra, phê duyệt. Không ai khác, chính những người trong cuộc là người am hiểu và đưa ra mức giá hợp lý cho thị trường. Thế nhưng, giá của các cổ phiếu liên tục tăng cao so với mức giá tham chiếu đến mức không thể tưởng.

 

Bảng giá tham chiếu của một số DN mới chào sàn

STT

Mã chứng khoán

Giá tham chiếu khi chào sàn (đồng)

Giá tham chiếu ngày 18/10 (đồng)

Tăng trưởng

1

PET (12/9)

60.000

96.000

60%

2

VIC (19/9)

119.000

175.000

47%

3

TSC (4/10)

40.000

 75.500

89%

4

HDC (8/10)

70.000

120.000

71%

5

VTO (9/10)

75.000

91.000

21%

6

TCM (15/10)

45.000

61.500

37%

 

Phải chăng, những người trong cuộc không phản ánh hết yếu tố tạo nên giá trị DN nên khi niêm yết, thị trường phản ánh thêm vào giá trị DN? Thiết nghĩ, các nhà đầu tư trên thị trường không thể có đầy đủ thông tin bằng chính những người trong cuộc, thế nhưng tại sao các nhà đầu tư lại chấp nhận một mức giá cao đến thế? Điều này cho thấy, thị trường đang giao dịch trên mức giá hợp lý, do yếu tố tâm lý hơn là căn cứ vào giá trị nội tại của chính cổ phiếu đó. Đây cũng là cơ hội để cho SSI đón nhận làn sóng này.

 

Sự khác biệt của SSI

Không như các cổ phiếu mới niêm yết, cổ phiếu SSI thực hiện chuyển sàn, giá lịch sử của SSI đã được xác lập trên HASTC. Kịch bản chuyển sàn đã có tiền lệ, đó là cổ phiếu Công ty Nhiệt điện Phả Lại (PPC). Kết thúc phiên giao dịch sàn Hà Nội, PPC đạt mức giá 65.000 đồng/CP, phiên chào sàn TP. HCM xác lập mức giá 105.000 đồng/CP. Tuy nhiên, kịch bản này khó xảy ra vì mức giá tham chiếu trước đây được xác lập căn cứ vào cung cầu của thị trường, còn nay, giá tham chiếu được xác lập và giao dịch trong biên độ +/-20% . Với PPC, kể từ khi chào sàn TP. HCM, cổ phiếu này liên tục giảm giá, giá giảm đến mức thấp hơn mức giá đóng cửa trước khi chuyển sàn. Vấn đề đặt ra ở đây, liệu rằng các nhà đầu tư đã nhận ra những yếu tố nào tạo nên giá trị của DN hay tiếp tục với trò chơi tâm lý của thị trường?

 

SSI và BVS

Trên TTCK, không ai không biết 2 “đại gia” của ngành này là CTCK SSI và Bảo Việt (BVS). Tuy nhiên, khi phân tích chiến lược của 2 công ty này, nhiều người thừa nhận rằng, SSI có một chiến lược tốt hơn, một tham vọng không có gì là không tưởng về một ngân hàng đầu tư hàng đầu tại Việt Nam. Còn BVS thì khó thực hiện tham vọng này khi mà công ty mẹ đang phát triển theo hướng một tập đoàn tài chính. Điều này cho thấy, một tương lai dài hạn cho cổ phiếu SSI, còn BVS có thể bị thay thế bởi các công ty trong ngành với những nghiệp vụ thông thường. TTCK không chỉ là những sản phẩm đang thực hiện, tương lai là rất lớn cho những ai biết nghĩ và biết làm. Tuy nhiên, tương lai còn chứa đựng nhiều rủi ro. Quá khứ đang để lại những thành quả nhất định cho 2 công ty này.

 

So sánh một số chỉ tiêu tài chính của SSI và BVS

 

 

Quý I/2007

Quý II/2007

Các chỉ tiêu

 BVS

 SSI

 BVS

 SSI

Doanh số (tỷ đồng)

 164,66

 573,05

 79,76

 259,30

Lợi nhuận (tỷ đồng)

 119,48

 464,67

 37,28

 203,87

EPS (đồng)

 7.973

 9.293

 2.488

 4.077

Giá trị sổ sách (đồng)

 34.962

 33.439

 37.415

 37.516

(Nguồn: www.hastc.org.vn)

 

Bảng trên cho thấy, một thành quả đáng được chia sẻ cùng SSI khi mà giá của BVS cao gấp 2 lần của SSI. Nếu nhìn vào mức giá mà BVS liên tiếp lập kỷ lục thì giá cổ phiếu SSI cũng có những mức tăng trưởng hợp lý.

 

Sử dụng mô hình Greenspan

Cựu Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED), Alan Greenspan, đã đưa ra mô hình của mình trong báo cáo của FED. Mô hình xuất hiện trong một báo cáo có tầm ảnh hưởng lớn như thế là đáng quan tâm trong thời điểm TTCK Mỹ được đánh giá cao hơn khoảng 20% so với mức mà lẽ ra nó phải như thế. Mô hình này đơn giản đến mức chỉ cần so sánh mức lãi suất của trái phiếu chính phủ với tỷ số giá trên thu nhập (nghịch đảo P/E để cùng mức so sánh).

Với mô hình trên, căn cứ vào mức thu nhập dự kiến năm 2007 của 2 công ty trong báo cáo SSI 30 như sau:

 

 

SSI

BVS

Giá thị trường (đồng)

 250.000

 579.000

EPS dự kiến năm 2007

 12.223

 13.727

Tỷ suất E/P

4,89%

2,37%

 

Hiện nay, lãi suất trái phiếu chính phủ khoảng trên 7%/năm. Nếu nhìn vào điều này thì Greenspan cảnh báo các nhà đầu tư. Họ đã chấp nhận một khoản đầu tư cho mức sinh lợi thấp hơn mức mà lẽ ra họ được đảm bảo hơn (lãi suất trái phiếu chính phủ). Tuy nhiên, mô hình này chỉ cho tín hiệu của việc bán ra. Xét về khoa học, mô hình này còn nhiều nhược điểm, nhưng một vấn đề để kiểm định lại mức độ mạo hiểm cho nhà đầu tư là cần thiết. Điều này cho thấy, lý do mà ANZ mua SSI với mức giá chỉ có 170.000 đồng/CP. Với mức giá này, tỷ suất E/P cao hơn mức lãi suất trái phiếu chính phủ. Tuy nhiên, chấp nhận mức giá này, cổ đông chiến lược của SSI còn nhận được lợi ích khác như trái phiếu chuyển đổi, tham gia trong HĐQT… Như vậy, với kịch bản trên, một nhà đầu tư có lý trí sẽ biết mình nên mua với mức giá nào.

 

SSI và phần còn lại

Phần còn lại mà các nhà đầu tư khi đầu tư vào SSI cần phải lưu ý không chỉ là phần trái phiếu chuyển đổi đầu năm 2008, 30 triệu cổ phiếu mới phát hành thêm được chính thức giao dịch. Với mức giá tham chiếu khi chào sàn HOSE, các cổ đông hưởng quyền mua cổ phiếu trước đây đã có được lợi nhuận, họ có khả năng bán ra để hưởng thành quả. Tuy nhiên, một rào cản nữa là lợi nhuận mà nhà đầu tư nước ngoài đang nắm giữ SSI những tháng trước đó là rất lớn.

Thống kê giao dịch cổ phiếu SSI của nhà ĐTNN

Chỉ tiêu

Mua

Bán

 

Khối lượng

Giá bình quân

Giá trị (tỷ đồng)

Khối lượng

Giá bình quân

Giá trị (tỷ đồng)

Tháng 6/2007

418.700

168.141

70,40

172.300

168.116

28,97

Tháng 7/2007

968.700

154.250

149,42

112.300

155.477

 17,46

Tháng 8/2007

1.390.800

156.332

217,43

295.500

155.895

 46,08

Tháng 9/2007

1.048.300

180.536

189,26

177.700

180.759

 32,12

Tháng 10/2007

987.400

240.520

237,49

966.100

247.824

 239,42

Tổng

4.813.900

179.479

863,99

1.723.900

211.171

 364,04

(Nguồn: Tính toán của tác giả)

Như vậy, chỉ tính trong vòng 5 tháng trở lại đây, mức giá bình quân mà các nhà đầu tư nước ngoài mua vào và hiện đang nắm giữ khoảng 161.798 đồng/CP (được tính bằng cách lấy (tổng giá trị mua – tổng giá trị bán)/(tổng khối lượng mua – tổng khối lượng bán)). Điều này cho thấy, khả năng bán ra để thu về lợi nhuận là rất cao. Riêng trong tháng 10, khối lượng bán ra rất nhiều của nhà đầu tư đã cho thấy, việc tăng mạnh giá cổ phiếu SSI không được kỳ vọng nhiều.

Trên đây chỉ là những thông tin liên quan đến loại cổ phiếu được đón chào như là một luồng gió mới cho thị trường. Tuy nhiên, không loại trừ việc các nhà đầu tư lớn làm giá cổ phiếu này. Một chiến lược đặt mua giá trần với khối lượng lớn lúc thị trường mở cửa cần được cảnh giác. Một mức giá trần nhằm đánh vào tâm lý thị trường bởi vì sau đó, những ai muốn mua cổ phiếu này đành phải chấp nhận lệnh ATO. Và cứ như vậy, các nhà đầu tư sẽ chạy theo trò chơi tăng giá. Tất cả vấn đề trên đều cần được cân nhắc khi thực hiện đầu tư cổ phiếu SSI.

Lê Đạt Chí, Khoa Tài chính DN, ĐH Kinh tế TP. HCM
Lê Đạt Chí, Khoa Tài chính DN, ĐH Kinh tế TP. HCM

Tin cùng chuyên mục