SRC: Sức ép cạnh tranh và gánh nặng di dời nhà máy

(ĐTCK) Năm 2011, chi phí lãi vay của SRC lên tới 46,6 tỷ đồng, quy mô vốn chủ sở hữu vào thời điểm cuối năm chỉ là 213 tỷ đồng.
SRC: Sức ép cạnh tranh và gánh nặng di dời nhà máy

Vốn điều lệ 162 tỷ đồng, nhưng phải đến lần “lên giây cót” thứ hai, CTCP Cao su Sao Vàng (SRC) mới có thể điều chỉnh chỉ tiêu kế hoạch lợi nhuận năm 2012 từ 27 tỷ đồng lên 36 tỷ đồng. Tuy nhiên, với khả năng cạnh tranh đang suy giảm, liệu SRC có rơi vào tình trạng chỉ hoàn thành 7,2% kế hoạch như năm 2011?

 Năm 2011, SRC chỉ đạt lợi nhuận 3,02 tỷ đồng, bằng 7,2% kế hoạch

Năng lực cạnh tranh suy giảm

Theo báo cáo của SRC, năm 2011, tiêu thụ lốp xe đạp của Công ty bằng 84,2%, săm xe đạp bằng 75,5%, săm xe máy bằng 102,4%, lốp xe máy bằng 97,7%, lốp ô tô bằng 85,5%, lốp ô tô lớn bằng 65,3%, săm ô tô bằng 76,3% và yếm ô tô bằng 72,8% so với năm 2010.

Với sự sụt giảm mức tiêu thụ sản phẩm này, không khó giải thích vì sao SRC chỉ đạt 78,7% kế hoạch năm về giá trị sản xuất, các chỉ tiêu doanh thu và lợi nhuận năm 2011 cũng chỉ đạt tương ứng 90,5% và 7,2% kế hoạch năm. Năm 2011, hoạt động kinh doanh của SRC chỉ… vừa đủ lãi, đạt 3,02 tỷ đồng, trong khi kế hoạch là 42 tỷ đồng.

Những con số sụt giảm doanh thu tiêu thụ này cho thấy, khả năng cạnh tranh của SRC trên thị trường giảm mạnh trong năm vừa qua. Có hai nhóm nguyên nhân chính được Ban lãnh đạo SRC đưa ra. Một là, việc điều chuyển nhà máy sản xuất lốp xe đạp, săm xe máy về Thái Bình đã ảnh hưởng tới ổn định chất lượng sản phẩm, năng suất lao động, nhu cầu sử dụng săm lốp xe đạp sụt giảm… Nhóm nguyên nhân này có thể coi là bất khả kháng và ngắn hạn, nên về cơ bản có thể khắc phục được theo thời gian và sự chuyển trọng tâm sản xuất của SRC. Tuy nhiên, nhóm nguyên nhân lớn thứ hai chính là khả năng cạnh tranh của SRC.

Ông Lê Công An, nguyên Tổng giám đốc SRC phát biểu tại ĐHCĐ năm 2012 rằng, SRC đã chịu sức ép cạnh tranh gay gắt từ CTCP Cao su Đà Nẵng (DRC) và Kenda cả về chất lượng, mẫu mã và đặc biệt là giá cả thấp hơn nhiều so với SRC. Lĩnh vực lốp ô tô lớn có sự cạnh tranh quyết liệt của lốp ô tô ngoại, đặc biệt là lốp ô tô mành thép của Trung Quốc, lốp ô tô của DRC.

Thêm vào đó, săm, yếm ô tô của SRC chủ yếu được bán đồng bộ cho đơn vị lắp ráp. Thị trường đòi hỏi săm ô tô Butyl, nhưng đây lại là sản phẩm Công ty đang nghiên cứu.

 

Nỗ lực cải tổ

Năm 2011, tiêu thụ sản phẩm trong nước của SRC sụt giảm mạnh, nhưng Công ty ghi nhận được điểm sáng từ xuất khẩu, với kim ngạch xuất khẩu đạt hơn 3,9 triệu USD, tăng so với kế hoạch năm là 3 triệu USD và so với thực hiện năm 2010 là 2,88 triệu USD. Con số này tuy chiếm chưa tới 10% tổng doanh thu của SRC năm 2011, nhưng cho thấy nỗ lực tìm kiếm thị trường mới của Công ty.

Công ty cũng đã triển khai đồng  bộ nhiều biện pháp cắt giảm chi phí thông qua việc thực hiện chặt chẽ công tác định mức vật tư, thay thế nguyên liệu đầu vào, tăng chất lượng sản phẩm để giảm chi phí bảo hành… Thêm vào đó, giá cao su tự nhiên từ đầu năm 2012 tới nay sụt giảm tới 35%. Đây có thể là tiền đề tích cực cho việc giảm giá thành sản phẩm của SRC trong thời gian tới. Bởi lẽ, tính đến cuối năm 2011, lượng hàng tồn kho của SRC vẫn ở mức lớn, trị giá 357 tỷ đồng, tăng mạnh so với cuối năm 2010 là 272 tỷ đồng và bằng hơn 1/4 doanh thu dự kiến năm 2012.

 

Chuyển đổi mục đích sử dụng đất: lời hay lỗ?

Tại cuộc họp ĐHCĐ thường niên năm 2012, phương án chuyển đổi mục đích sử dụng đất tại trụ sở Công ty, số 231 Nguyễn Trãi, quận Thanh Xuân, Hà Nội đã bị cổ đông lớn, chiếm tới 51% cổ phần tại SRC là Tập đoàn Hoá chất Việt Nam đề nghị không đưa vào chương trình nghị sự với hai lý do chủ yếu là tính pháp lý của khu đất và năng lực tài chính của đối tác dự kiến góp vốn kinh doanh.

Tuy nhiên, nhà máy của SRC thuộc diện phải di dời ra khỏi nội đô theo chủ trương chung của Chính phủ, nên sớm hay muộn, câu chuyện chuyển đổi mục đích sử dụng đất tại SRC vẫn xảy ra. Câu hỏi đặt ra là, với mức chi phí di dời nhà máy lên tới 720 tỷ đồng, liệu SRC có lãi trong phương án chuyển đổi này? Câu trả lời có thể là không, bởi chi phí di dời nhà máy quá lớn, trong khi khu đất dự kiến chuyển đổi mục đích kinh doanh hiện tại là đất thuê.

Với quy định mới về cách tính giá trị nộp quyền sử dụng đất được ban hành cuối năm 2010, thì chi phí để có được mảnh đất số 231 Nguyễn Trãi nói trên có thể sẽ rất đắt. Trong khi đó, bản thân SRC không phải là đơn vị dư tiền mặt. Năm 2011, chi phí lãi vay của SRC lên tới 46,6 tỷ đồng, quy mô vốn chủ sở hữu vào thời điểm cuối năm chỉ là 213 tỷ đồng.   

Tú Uyên
Tú Uyên

Tin cùng chuyên mục