Trong một báo cáo hôm thứ Năm (13/6), S&P Global cho biết, mức nợ vẫn rất cao ngay cả khi tăng trưởng GDP danh nghĩa đã chậm lại, bất chấp những nỗ lực của chính phủ.
Các nhà phân tích cho biết: “Các nhà hoạch định chính sách hiểu sự cần thiết phải đồng thời kiểm soát đòn bẩy và duy trì tăng trưởng kinh tế để quản lý rủi ro hệ thống trong dài hạn. Kết quả đã dẫn tới việc thắt chặt tài chính của chính quyền địa phương trong những năm gần đây”.
Tuy nhiên, S&P cho biết, những cải cách thị trường dường như đã “lùi lại phía sau”, khi các cơ quan chức năng tập trung giải quyết các vấn đề cấp bách như khủng hoảng bất động sản, kích thích tăng trưởng kinh tế cũng như kiểm soát nợ chính quyền địa phương.
Báo cáo cho biết, việc đẩy mạnh cải cách thị trường trái phiếu có thể là cần thiết để đồng thời giải quyết những thách thức đó, vì nó có thể làm giảm mức nợ trong dài hạn.
Mức nợ công, nợ tư nhân và nợ tiềm ẩn lớn ở Trung Quốc từ lâu đã làm dấy lên lo ngại về những rủi ro tài chính hệ thống tiềm ẩn.
Vào tháng 4, Fitch Ratings đã hạ triển vọng xếp hạng tín nhiệm của Trung Quốc xuống tiêu cực, với lý do rủi ro đối với tài chính công của nước này khi nền kinh tế phải đối mặt với sự bất ổn ngày càng tăng.
Fitch Ratings dự đoán nợ chính phủ chung của Trung Quốc có thể tăng lên 61,3% GDP trong năm nay, từ mức 56,1% vào năm 2023 và 38,5% vào năm 2019.
“Chúng tôi dự báo tỷ lệ nợ sẽ tăng lên 64,2% vào năm 2025 và gần 70% vào năm 2028, cao hơn mức dự báo chỉ dưới 60% trong đánh giá trước đây của chúng tôi”, Fitch Ratings cho biết.
Trong báo cáo mới nhất, S&P nhấn mạnh “sự mở rộng tín dụng bất thường” của Trung Quốc do đầu tư cao và hiệu quả tài chính thấp hơn là một trong những yếu tố chính thúc đẩy các vấn đề nợ của nước này, đồng thời chi tiêu cơ sở hạ tầng lớn và lợi nhuận giảm sút cũng dẫn đến nợ tăng cao hơn.
Trung Quốc từ lâu đã sử dụng việc xây dựng cơ sở hạ tầng như một giải pháp ngắn hạn để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, đặc biệt là sau cuộc khủng hoảng tài chính 2008-2009.
Tháo gỡ rủi ro
Trong những năm gần đây, chính quyền Trung Quốc đã nhấn mạnh sự cần thiết phải ngăn ngừa rủi ro tài chính. Tuy nhiên, những cách tiếp cận mạnh mẽ để giải quyết vấn đề, đặc biệt là trong lĩnh vực bất động sản đã dẫn đến những hậu quả không lường trước được.
Thị trường bất động sản sụt giảm sau động thái kiểm soát của các nhà chức trách đối với sự phụ thuộc quá nhiều vào nợ của các nhà phát triển bất động sản trong ba năm qua. Suy thoái bất động sản kéo dài không chỉ kéo nền kinh tế đi xuống mà còn đè nặng lên chính quyền địa phương với gánh nặng nợ nần.
Vào tháng 3, Chính phủ Trung Quốc cho biết, sẽ phát hành 1.000 tỷ nhân dân tệ (138,9 tỷ USD) trái phiếu kho bạc đặc biệt “siêu dài” vào năm 2024 để tài trợ cho các dự án lớn phù hợp với chiến lược quốc gia.
Trung Quốc cũng cho biết sẽ cải thiện các cơ chế dài hạn để ngăn ngừa và kiểm soát rủi ro.
“Chúng tôi sẽ thực hiện một gói biện pháp nhằm giảm thiểu rủi ro do các khoản nợ hiện tại gây ra và đề phòng rủi ro phát sinh từ các khoản nợ mới”, các nhà chức trách Trung Quốc cho biết trong báo cáo công việc của chính phủ.
S&P cho biết rằng, việc kiềm chế nợ trong khi duy trì tăng trưởng đòi hỏi phải có hiệu quả tài chính đầu tư tốt hơn.
Cơ quan này lưu ý: “Phân bổ tín dụng hiệu quả hơn là điều quan trọng và cải cách trái phiếu doanh nghiệp có thể giúp dẫn đường, vì đây là phần nhỏ nhất nhưng được định hướng theo thị trường nhất trong thị trường trái phiếu non trẻ của Trung Quốc”.