Cơ quan xếp hạng cho biết, doanh số bán bất động sản trên toàn quốc có thể sẽ giảm khoảng 30% trong năm nay - thấp hơn gần hai lần so với dự báo trước đó do ngày càng nhiều người mua nhà Trung Quốc tạm ngừng thanh toán các khoản vay thế chấp.
Esther Liu, Giám đốc của S&P Global Ratings cho biết, sự sụt giảm như vậy sẽ còn tồi tệ hơn năm 2008 khi doanh số bán bất động sản giảm khoảng 20%.
Kể từ cuối tháng 6, các số liệu không chính thức cho thấy sự gia tăng nhanh chóng người mua nhà Trung Quốc từ chối thanh toán các khoản vay thế chấp đối với hàng trăm dự án chưa hoàn thành để chờ cho đến khi các nhà phát triển hoàn thành việc xây dựng các căn hộ.
Hầu hết các ngôi nhà ở Trung Quốc đều được bán trước khi hoàn thành, tạo ra một nguồn dòng tiền quan trọng cho các chủ đầu tư. Các doanh nghiệp đã phải vật lộn để có được nguồn tài chính trong hai năm qua khi Bắc Kinh ngăn cản việc họ phụ thuộc nhiều vào nợ để tăng trưởng.
Trong khi đó, vào thời điểm hiện tại, làn sóng các nhà đầu tư từ chối thanh toán các khoản vay thế chấp đang làm tổn hại đến niềm tin của thị trường, làm trì hoãn sự phục hồi của thị trường bất động sản của Trung Quốc cho năm sau chứ không phải năm nay.
Khi doanh số bán bất động sản giảm, nhiều nhà phát triển bất động sản có thể sẽ rơi vào tình trạng kiệt quệ tài chính, thậm chí có thể lan sang các nhà phát triển bất động sản khỏe mạnh hơn nếu tình hình không được kiểm soát.
Ngoài lĩnh vực bất động sản, các ngành nghề khác cũng chịu ảnh hưởng
Mặc dù số lượng các nhà đầu tư từ chối thanh toán các khoản vay thế chấp tăng nhanh chóng trong vòng vài tuần qua, các nhà phân tích thường không mong đợi một cuộc khủng hoảng tài chính mang tính hệ thống.
Trong một báo cáo hôm thứ Ba (26/7), S&P ước tính các khoản thanh toán thế chấp bị trì hoãn thanh toán có thể ảnh hưởng đến 974 tỷ nhân dân tệ (144,04 tỷ USD) – tương đương 2,5% các khoản vay thế chấp của Trung Quốc hoặc 0,5% tổng các khoản vay.
“Nếu giá nhà giảm mạnh, điều này có thể đe dọa sự ổn định tài chính. Chính phủ xem điều này là đủ quan trọng để nhanh chóng triển khai các quỹ cứu trợ nhằm giải quyết tình trạng suy giảm niềm tin”, báo cáo cho biết.
Các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc đã khuyến khích các ngân hàng hỗ trợ các nhà phát triển bất động sản và nhấn mạnh sự cần thiết phải hoàn thành việc xây dựng căn hộ. Các nhà chức trách nói chung đã bày tỏ sự ủng hộ nhiều hơn đối với thị trường bất động sản kể từ giữa tháng 3 trong khi vẫn duy trì quan điểm “nhà để ở chứ không phải đầu cơ”.
“Điều khiến chúng tôi lo lắng là quy mô của những hỗ trợ đó không đủ lớn để cứu vãn tình hình, mà giờ đây đã chuyển sang chiều hướng tồi tệ hơn”, Esther Liu cho biết.
Bên cạnh đó, nhà phân tích Esther Liu cho biết, trong khi các nhà kinh tế của S&P ước tính khoảng 25% GDP của Trung Quốc bị ảnh hưởng trực tiếp và gián tiếp bởi bất động sản, chỉ một phần trong số 25% đó là ở mức rủi ro.
Goldman Sachs cho biết, các nhà đầu tư chỉ nên xem xét các nhà phát triển bất động sản tốt nhất trong số các khoản nợ bất động sản có lợi suất cao của Trung Quốc.
Nhưng nhìn chung, đó là một câu chuyện về sự không chắc chắn ở một trong những lĩnh vực lớn nhất của Trung Quốc.
Chiến lược gia tín dụng Kenneth Ho cho biết: “Đối với chúng tôi, những căng thẳng tiếp tục trong lĩnh vực bất động sản cùng với những bất ổn liên quan đến các chính sách kiểm soát Covid cho thấy một triển vọng tồi tệ hơn đối với Trung Quốc”.